Thứ Năm, 2 tháng 3, 2017

Niềm vui cho người nông dân: 300 tấn chuối đã được "giải cứu" chỉ trong 8 ngày, nhưng vẫn còn tới 4.000 tấn nữa, làm sao mà cứu hết đây?

Hiện tại, ở Đồng Nai lượng chuối còn tồn đọng rất lớn, riêng huyện Trảng Bom đã có hơn 4.000 tấn".
Chia sẻ trong tọa đàm “Giải pháp tiêu thụ chuối bền vững giúp nông dân Đồng Nai”, ông Nguyễn Tấn Khởi, Tổng Giám đốc Công ty VTVCorp, Trưởng ban Công tác xã hội CLB Quản trị & Khởi nghiệp nói: "300 tấn chuối được giải cứu, đó mới chỉ là con số giúp tiêu thụ hơn 10% so với số lượng chuối thực tế của bà con hiện nay. Hiện tại, ở Đồng Nai lượng chuối còn tồn đọng rất lớn, riêng huyện Trảng Bom đã có hơn 4000 tấn".

Hiện tại, CLB Quản trị & Khởi nghiệp đã triển khai đến 42 điểm bán chuối để hỗ trợ cho người dân. Trong đó, có 12 điểm đã bán, còn 30 điểm đang triển khai bán chuối. Bên cạnh đó, nhiều tập thể, cá nhân cũng tham gia phân phối, giải cứu nhiều tấn chuối. Trong đó, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Đồng Nai giải cứu được gần 35 tấn chuối, kết nối hơn 20 doanh nghiệp và hỗ trợ nông dân.

Việc nhiều người cùng "hợp lực" giải cứu quả chuối là tín hiệu đáng mừng cho người nông dân. Tuy nhiên, cũng như bao câu chuyện giải cứu nông sản trước đó, việc hỗ trợ chỉ mang tính chất thời điểm chứ không được giải quyết triệt để. Tình hình có thể còn khó khăn hơn khi khoảng 10 ngày nữa, chuối sẽ rơi vào cao điểm của mùa vụ thu hoạch với số lượng lớn tại 5 xã là Thanh Bình, Trảng Bom, Sông Thao, Sông Cầu, Cây Gáo.

Song song với việc tìm kiếm đầu ra để chuối tiêu thụ tốt hơn, một bài toán khác cần phải giải đó là làm sao để "giải cứu" chuối bền vững?

Ông Đỗ Long, Tổng Giám đốc Công ty Bita’s, Chủ nhiệm CLB Quản trị & Khởi nghiệp đánh giá, người nông dân hiện vẫn làm theo phong trào mà không nghiên cứu thị trường. Khi thị trường có biến động thì nông dân rơi vào cảnh dở khóc dở cười.

"Về lâu dài, chúng ta cần có một kênh tập trung, kết nối với các doanh nghiệp để đẩy mạnh tiêu thụ được nông sản cả nội địa và xuất khẩu chứ không chỉ là cách giải quyết mang tính thời điểm như hiện nay", ông Long cho biết.

Một số chuyên gia đã "hiến kế" các phương án mới như:

- Kết hợp với lãnh đạo các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận nhằm cung cấp chuối trong bữa ăn hàng ngày cho công nhân viên.

- Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam sẽ có văn bản vận động các hội ngành nghề khác trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh tham gia tiêu thụ chuối.

- Triển khai các chiến dịch "chuối nghĩa tình", "chuối khởi nghiệp", không chỉ giải quyết nhu cầu tiêu thụ trước mắt mà còn giúp định hướng sinh viên khởi nghiệp với ý tưởng phát triển nông nghiệp bền vững, trực tiếp triển khai làm sản phẩm và maketing cho người dân…

- Tỉnh Đồng Nai cần quy hoạch lại, định hướng cho nông dân sản xuất. Tránh tình trạng người dân tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp, dẫn đến những nguy cơ rủi ro cao.

Việc giải cứu quả chuối bắt nguồn từ việc 1.700 ha chuối cấy mô, tập trung ở các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú. Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc giảm mua khiến nông sản không có đầu ra, giá chỉ đạt mức 1.000-2.000 đồng/kg, giảm hơn 10 lần so với cùng kỳ năm 2016. Nhiều địa phương đã đến kỳ thu hoạch nhưng nông dân không bán được nên để trái chín rụng hoặc cho gia súc, gia cầm ăn.

Kim Thủy
Theo Thời Đại


EmoticonEmoticon