Thứ Ba, 14 tháng 3, 2017

Lý do DN chúng tôi “không muốn lớn”: Khi trở nên hữu hình, tự khắc tôi cũng lớn lên trong con mắt thanh tra, thuế vụ, phòng cháy chữa cháy,…

Doanh nghiệp Việt cứ thích mình "vô hình", chẳng chịu lớn vì nếu có lớn thì cũng đâu có yên...
Trong một chia sẻ gần đây, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP. HCM – đã từng chia sẻ chất “keo dính đặc biệt” mà kinh tế Việt Nam vẫn còn thiếu là chính là khối các doanh nghiệp vừa. Nhóm DN này chỉ chiếm 2% trên tổng số doanh nghiệp. Việc thiếu đi nhóm DN vừa khiến 96% các DN nhỏ và siêu nhỏ không thể kết nối với 2% nhóm DN quy mô lớn còn lại, nền kinh tế Việt Nam từ đó thiếu đi sự kết dính.

Vấn đề đặt ra là chúng ta có tới 96% các DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ, vậy lý do nào khiến các DN này mãi không chịu lớn?

Theo ông Tự Anh, lý do chủ yếu là vì một hệ sinh thái thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa phát triển vẫn chưa có. Nói cách khác, với những điều kiện hiện tại, doanh nghiệp Việt chỉ “muốn nhỏ mà chẳng muốn mình to lên”.

“Nếu bạn là doanh nghiệp nhỏ, hoặc rất nhỏ, thậm chí là một doanh nghiệp phi chính thức, bạn có thể không phải trả các khoản bôi trơn vì bạn vô hình theo một nghĩa nào đó.

Nhưng khi bạn trở nên hữu hình, có giấy phép kinh doanh, bạn lớn lên trong con mắt thanh tra, trong con mắt thuế vụ, phòng cháy chữa cháy…” – ông Tự Anh chia sẻ.

Điều này đồng nghĩa với chi phí vận hành DN sẽ tăng nhanh. Với các DN lớn, họ có thể chịu đựng những chi phí này, nhưng với nhóm DN nhỏ đến trung bình, đây sẽ là một bài toán nan giải.

Sau đó, vị Tiến sĩ giảng dạy chương trình Fulbright trích số liệu theo nghiên cứu của VCCI, 2/3 doanh nghiệp cho biết tỷ lệ bôi trơn là trung bình lên đến 5 - 10% doanh thu.

“Nếu như tỷ lệ bôi trơn cao như vậy thì doanh nghiệp còn có thể có lợi nhuận hay không? Họ còn có thể tích lũy hay không? Và đặc biệt, họ còn nuôi dưỡng được khát vọng cháy bỏng về kinh doanh và thành đạt ở Việt Nam hay không?", ông Tự Anh đặt câu hỏi.

Bởi vì khi mà anh cứ lớn lên, anh càng làm nhiều thì anh càng bị vắt kiệt nhiều, câu hỏi là tại sao tôi lại phải lớn. Điều đó cản trở, làm thoái lui tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp Việt”.

Từ bao lâu nay, doanh nghiệp Việt Nam vốn vẫn rất linh hoạt, sáng tạo. Vì thế, dù đặt vào hoàn cảnh chính sách nào thì có lẽ doanh nghiệp vẫn tồn tại được. Cái đáng nói là sự tồn tại ấy là lành mạnh hay không, hay rút cục, các doanh nghiệp sẽ phải trả giá cho sự tồn tại tưởng chừng như là lành mạnh ấy.

“Họ cảm thấy đơn độc, không được đồng hành bởi chính sách của Nhà nước ở cả tầm trung ương và địa phương, không thấy được sự trân trọng, đồng hành của những người thực thi pháp luật ở địa phương”.

Dù sao, với những động thái gần đây như ra nghị quyết 19, 35 và nhiều chính sách khác, Chính phủ kiến tạo đã và đang thể hiện sự đồng hành sâu sát với khối các doanh nghiệp.

“Người Việt Nam rất có tinh thần kinh doanh. Nhưng tinh thần kinh doanh đó phải được hỗ trợ bằng các khuyến khích đúng. Việc có những khoản bôi trơn, tôi tin không phải là thứ tạo ra những khuyến khích đúng” – ông Tự Anh kết thúc phần lý giải của mình.

Vượng Lê
Theo Trí Thức Trẻ


EmoticonEmoticon