Thứ Ba, 14 tháng 3, 2017

Nghệ thuật thu phục nhân tài của sếp giỏi: Đừng cố làm bạn với nhân viên, hãy cho họ thấy “trí khôn của ta đây”

Thay vì đặt ra những quy tắc để bắt nhân viên làm theo, bạn phải giúp họ thấy được thế mạnh của mình và cố gắng phát huy thế mạnh đó. Đừng bới móc điểm yếu của nhân viên, cũng đừng cố gắng làm bạn với họ, hãy cho họ thấy “trí khôn” của một nhà quản lý.
Trong cuốn “First, Break All the Rules” (Tạm dịch: Trước hết, hãy phá bỏ mọi luật lệ), hai tác giả Marcus Buckingham và Curt Coffman đã trình bày một đề tài nghiên cứu chuyên sâu do Viện Gallup thực hiện kéo dài 25 năm về cách thức hoạt động của tổ chức và bí quyết để các nhà quản lý thu hút được nhân tài.

Đã bao giờ bạn tự hỏi: Các nhà quản lý giỏi trên thế giới làm thế nào để tạo ra một môi trường làm việc trong mơ cho nhân viên?

Câu trả lời rất đơn giản: Nhà quản lý phải phá bỏ mọi luật lệ. Nhiệm vụ của nhà quản lý không phải là tìm ra điểm yếu của nhân viên và lên kế hoạch khắc phục điểm yếu đó; mà nhà quản lý phải giả định rằng đó là cá tính riêng mà nhân viên không muốn và cũng không thể thay đổi.

Điều này có nghĩa là nhà quản lý giỏi phải nhận ra việc yêu cầu nhân viên thay đổi cá tính là vô ích; thay vào đó hãy tập trung phát triển thế mạnh của họ.

Sếp không phải là nhà lãnh đạo

Là một nhà quản lý (hay sếp) giỏi, bạn sẽ phải bắt đầu phá vỡ chính những nguyên tắc do nhà lãnh đạo cấp cao hơn đưa ra.

Nhà quản lý thường nhìn vào bên trong công ty, bên trong mỗi cá nhân để thấy được sự khác biệt trong phong cách, cá tính, mục tiêu, nhu cầu và động lực của từng người. Sau đó, họ sẽ tìm ra những cách tốt nhất để giúp từng nhân viên phát triển bản thân và mang lại thành tích cao nhất cho công ty.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo lại nhìn ra bên ngoài. Họ tìm kiếm những tầm nhìn xa, tìm kiếm tương lai và cả những con đường thay thế. Họ là những người có tầm nhìn và suy nghĩ chiến lược. Mục đích của nhà lãnh đạo khác hoàn toàn với nhà quản lý.

Chính vì vậy, là một nhà quản lý, thay vì đặt ra những quy tắc để bắt nhân viên làm theo, bạn phải giúp họ thấy được thế mạnh của mình và cố gắng phát huy thế mạnh đó. Đừng bới móc điểm yếu của nhân viên, cũng đừng cố gắng làm bạn với họ, hãy cho họ thấy “trí khôn” của một nhà quản lý.

4 “chìa khoá” thu hút nhân tài

Trong “First, Break All the Rules”, Buckingham và Coffman đề cập đến 4 yếu tố cốt lõi giúp các nhà quản lý thu hút và giữ chân nhân tài.

Thứ nhất, lựa chọn nhân tài.

Nhà quản lý phải lựa chọn những nhân viên giỏi dựa trên tài năng thực sự của họ chứ không phải các yếu tố như kinh nghiệm, trí thông minh hay sự quyết tâm. Tài năng là yếu tố quyết định thành công. Tài năng cũng là thứ không thể dạy dỗ, mà chỉ có thể phát triển thêm. Tài năng không thể bổ sung, nó chỉ có thể có sẵn hoặc không có. Nếu tìm được một nhân viên có tài, bạn chỉ cần nuôi dưỡng để tài năng đó phát triển.

Thứ hai, xác định kết quả thay vì thiết lập quy trình.

Mỗi cá nhân được tự do lựa chọn cách tốt nhất mà họ có thể sử dụng để đạt hiệu quả trong công việc bằng chính tài năng của mình. Vì thế, bạn đừng bắt họ phải tuân thủ theo những quy trình gò bó và cứng nhắc, hãy để họ cống hiến hết khả năng.

Thứ ba, tập trung khuyến khích thế mạnh, đừng cố “bới móc” điểm yếu của nhân viên.

Là một nhà quản lý, bạn cần nhớ rằng việc thay đổi một điểm yếu khó hơn việc phát triển một thế mạnh rất nhiều. Nếu chỉ tập trung vào điểm yếu của nhân viên, bạn đang khiến họ áp lực và chẳng thể nào hoàn thành tốt được công việc.

Thứ tư, giao đúng người đúng việc.

Nếu bạn muốn nhân viên phát huy hết tài năng, hãy đặt họ vào đúng vị trí phù hợp với họ nhất, thay vì bổ nhiệm theo cấp bậc quy định. Ai đi làm cũng đều muốn phát triển bản thân, muốn có một chỗ đứng nhất định trong công ty và kiếm được tiền. Do đó, nhiệm vụ của bạn là phát hiện được mong muốn của nhân viên (cộng với tài năng của họ) để phân công công việc phù hợp.

Khánh Ly
Theo Trí Thức Trẻ


EmoticonEmoticon