Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

Xuất khẩu cà phê 3 tháng đầu năm đạt 1 tỷ USD

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu cà phê tháng 3 năm 2017 ước đạt 162 nghìn tấn với giá trị đạt 365 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 3 tháng đầu năm 2017 ước đạt 449 nghìn tấn và 1 tỷ USD.
Cũng theo báo cáo, giá cà phê xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2017 đạt 2.262 USD/tấn, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Các thị trường có giá trị xuất khẩu cà phê trong 2 tháng đầu năm 2017 tăng mạnh là: Bỉ (gấp 2,3 lần), Hàn Quốc (79,3%), Hoa Kỳ (60%), Angieri (50,1%), Tây Ban Nha (33,6%), Đức (28,8%), Anh (27,4%), Nhật Bản (21%) và Italia(20,2%). Trong đó, Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2017 với thị phần lần lượt là 17% và 15,6%.

Về thị trường cà phê trong nước, giá biến động tăng trong tháng 3/2017 theo xu hướng tăng của thị trường cà phê thế giới. So với cuối tháng 2/2017, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên tăng 2.000 – 2.200 đ/kg lên mức 46.000 – 46.900 đ/kg.

Bộ NN&PTNT cho rằng giá cà phê tăng do nguồn cung cà phê Robusta tiếp tục bị thắt chặt trong ngắn hạn. Tuy giá điều chỉnh tăng nhưng sức bán tại thị trường nội địa Việt Nam hầu như không đáng kể. Bên bán còn chần chừ với kỳ vọng giá còn tăng.

Trong 3 tháng đầu năm 2016, giá cà phê trong nước tăng với mức tăng 1.600 – 2.100 đ/kg. Thị trường được hỗ trợ bởi thời tiết khô hạn tại Brazil làm giảm sản lượng Robusta. Bên cạnh đó, nguồn cung cà phê Robusta bị thắt chặt do vụ thu hoạch không được như kỳ vọng tại Indonesia kết hợp với sự sụt giảm sản lượng tại Việt Nam.

Theo Minh Anh
Trí thức trẻ

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Ứng dụng xem báo cáo bằng smartphone, máy tính bảng DanTriSoft chỉ 49.000/tháng

Dân Trí Soft phát hành ứng dụng (app) xem báo cáo online trên smartphone, máy tính bảng, iphone, ipad dành cho phần mềm tính tiền miễn phí vĩnh viễn.
Ứng dụng xem báo cáo online này tạo nên giá trị:
- Bạn không có mặt ở quán vẫn nắm được tình hình kinh doanh chỉ với chiếc smartphone.
- Bạn đi công tác, đi du lịch vẫn có số liệu báo cáo kinh doanh với ứng dụng xem báo cáo online.
- Bạn kiểm soát mọi hoạt động của nhân viên, bạn yên tâm về tiền bạc và số liệu.
- Bạn tự do hơn vì bạn kiểm soát tốt hơn, kiểm soát được mọi lúc mọi nơi.

Chỉ với mức chi phí: 49.000 đồng/tháng, tương đương 1.500 đồng/ngày – cam kết giá tốt nhất thị trường, bởi Dân Trí Soft áp dụng công nghệ mới nhất, mạnh mẽ nhất.


Hoặc gọi ngay số hotline 0906.799.838 (mr Trung Hiếu) để được tư vấn.

“Người doanh chủ thành công là người có khả năng kiểm soát tình hình kinh doanh dù không có mặt trực tiếp”

Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017

Nói lời cảm ơn cũng chính là sự cho đi đấy!

Hãy nói lời cảm ơn!
Ông bà dạy "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", "ăn quả nhớ người trồng cây".

Dân Trí Soft có 2 dạng người dùng: người dùng bản quyền gần 500, người dùng bản miễn phí vĩnh viễn hơn 22.500 và ngày càng tăng. Cơ bản với cơ sở kinh doanh nhỏ là dùng bản free đã đáp ứng dư nhu cầu, bản free này có giá thị thường là 4 triệu đồng.

Người dùng bản quyền được hệ thống Dân Trí Soft hỗ trợ đa kênh, chủ yếu là trực tiếp. Với bản free Dân Trí Soft thiết kế kênh hỗ trợ gồm: video hướng dẫn, tài liệu, chat qua web, email, đặc biệt là group hỗ trợ cộng đồng Dân Trí Soft này vì không gì tốt hơn, mạnh hơn sức mạnh cộng đồng.

Đa số người tham dự cộng đồng là người tử tế, sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ những tình huống gặp phải và tất cả sự trợ giúp này là miễn phí nhé. Họ chẳng có vụ lợi gì khi làm việc này đâu.

Do đó, khi nhận sự giúp đỡ hãy nên nói lời cảm ơn chân thành và hơn nữa hay chia sẻ về phần mềm free chất lượng của Dân Trí Soft đến người thân, bạn bè để họ cùng sử dụng nhé.

Trích từ facebook anh Cao Trung Hiếu
Sáng lập & điều hành Dân Trí Soft.

Người tri thức Việt Nam nên ra sức khai trí người Việt.

Thị trường Việt Nam có 2 đơn vị cũng kinh doanh phần mềm tính tiền như Dân Trí Soft là https://www.kiotviet.vn/ & https://maybanhang.net/ đổ vào quảng cáo trên các kênh online rất nhiều tiền. 
Maybanhang.net quảng cáo trên Google: tìm từ khóa kiotviet ra quảng cáo Maybanhang.
Kiotviet quảng cáo, khi tìm từ khóa DanTriSoft.com hiện ra quảng cáo của KiotViet.
 Nếu bạn quan tâm đến phần mềm tính tiền chắc chắn ít nhất một lần bạn đã thấy 2 web này quảng cáo đâu đó trên Google, Facebook...

Quan niệm của tôi "quảng cáo nên làm tuy nhiên điều quan trọng hơn đó là hướng đến khách hàng, hãy dành nhiều nguồn lực để tập trung đến khách hàng, hãy dành nhiều điều tuyệt vời hơn đến khách hàng".

Do đó, tôi mong mỏi những công ty đang trả quá nhiều tiền vào quảng cáo nên tạo ra phiên bản miễn phí vĩnh viễn dành tặng cộng đồng thay vì chỉ làm phần mềm dùng thử. Thiết nghĩ, việc giúp sức đến hơn 1.3 triệu hộ kinh doanh cá thể tại Việt Nam là việc mà người trí thức phải làm.

Tôi thường chia sẻ "một ngày không xa, khi kênh bán lẻ trên đất Việt Nam này bị các đại gia nước ngoài chiếm lĩnh hết thì xem như người Việt chúng ta vĩnh viễn là người làm thuê ngay chính trên đất nước Việt này vì đầu ra đã bị khống chế. Để bảo vệ kênh bán lẻ người trí thức nên ra sức khai trí người bán lẻ đó là 1,3 triệu hộ kinh doanh cá thể trên toàn quốc, trong đó có các công ty phần mềm quản lý kinh doanh".

Tôi cam kết, Dân Trí Soft sẽ miễn phí và luôn như vậy với phiên bản dành cho cơ sở kinh doanh nhỏ.

Trích chia sẻ từ facebook của anh Cao Trung Hiếu
Sáng lập & điều hành Dân Trí Soft.

Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017

Bí quyết biến DN từ 2 tỷ đồng lên 2 tỷ USD của ông Nguyễn Đức Tài: Đừng bao giờ coi nhân viên là kẻ bán sức lao động, mà ông chủ giở đủ chiêu trò để mua với giá rẻ mạt.

“Chiến lược của tôi là giữ người tài với chi phí cao nhất” – CEO TGDĐ Nguyễn Đức Tài.
“Profit sharing” và bài học chia cá cho thủy thủ đoàn

Chia sẻ về câu chuyện đổi mới sáng tạo mà mình tự hào nhất tại Thế giới Di động, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc doanh nghiệp này – cho biết đó là một chính sách được gọi là “Chính sách ra biển lớn”, được đưa ra vào năm 2009.

Theo chính sách này, doanh nghiệp giống như một chiếc tàu đánh cá: Người chủ tàu bỏ ra nhiều triệu USD mua tàu và một đoàn thủy thủ hàng trăm người cùng ngồi lên để lèo lái con tàu.

“Các bạn hãy hình dung nó như một con tàu đánh cá của Nhật Bản lênh đênh ngoài khơi 3 tháng trời. Khi tàu cập bến với cá đầy boong tàu, cá phải chia sao cho công bằng giữa người bỏ tiền mua tàu và 100 người thủy thủ đoàn 3 tháng trời ròng rã trên biển để đánh bắt cá”, ông Tài chia sẻ tại sự kiện “Văn hóa đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp” do JCI Hà Nội tổ chức.

“Chính sách ra biển lớn” của Thế giới Di động xuất phát từ sự ghi nhận đó. Bản chất của chính sách này, chính ông Nguyễn Đức Tài sau này mới biết, là “profit sharing” – chia sẻ lợi nhuận giữa nhà đầu tư và nhân viên.

“Đó là nét sáng tạo mà đến tận hôm nay tôi cho rằng không có nhiều doanh nghiệp dám theo đuổi. Bởi nếu nhìn vào sự chia sẻ đó thì sẽ thấy số tiền phải chi ra rất khủng khiếp”.

“Ví như năm vừa rồi, chúng tôi phát hành cổ phiếu ESOP tỷ lệ 5%. Với một doanh nghiệp tỷ USD thì 5% là 50 triệu USD, tương đương cả ngàn tỷ đồng, để chia sẻ với nhân viên của mình. Đó là sáng tạo quan trọng nhất tạo ra những đột phá trong công ty này”, ông Tài nhìn nhận.

Đừng để quan hệ ông chủ - nhân viên thành quan hệ người mua – kẻ bán!

Rất nhiều lần ông Tài khẳng định chiến lược của ông là giữ người tài với chi phí cao nhất.

Ông cũng hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam có thể nhìn thấu vấn đề nhân sự. Khi quan hệ giữa ông chủ và nhân viên là quan hệ mua bán – một người mua sức lao động, một người bán sức lao động, thì tất yếu một bên muốn mua rẻ và một bên muốn bán đắt.

Kẻ muốn mua rẻ thật thì phải có chiêu trò, kẻ muốn bán đắt cũng phải giở chiêu trò, và doanh nghiệp đó chỉ toàn một tổ hợp những người giở chiêu trò để mua rẻ và bán đắt cho nhau.

“Chừng nào các bạn thay đổi quan hệ đó thành quan hệ đồng hành. Chúng ta cùng nhau đồng hành và nếu có thành quả thì chúng ta cùng nhau chia sẻ. Khi đó, doanh nghiệp sẽ đi rất nhanh”, ông Tài nói.

“Người lao động là những người thực sự rất nhạy cảm. Họ biết đâu là chiêu trò giữ người, đâu là tấm lòng chia sẻ. Phần lớn nhân sự chỉ chỉ cho bạn chiêu trò để giữ người, còn tấm lòng thì chẳng ai dạy được ai”.

Ông Tài cho biết sáng tạo này đã mang lại giá trị rất lớn cho Thế giới Di động , giúp công ty này tăng trưởng rất nhanh.

Và khi lợi nhuận được chia sẻ công bằng, bất kỳ ai trong công ty có ý định làm gì gây ảnh hưởng đến kết quả hay lợi nhuận thì số đông còn lại sẽ không để yên. Bởi lúc đó, không phải anh đang làm ảnh hưởng đến ông chủ nào đó mà đang làm ảnh hưởng đến tài sản của chính những người lao động trong công ty.

“Đó là lý do tại sao Thế giới Di động có được những kết quả khác thường. Điều này những doanh nghiệp khác không dám làm, bởi lợi nhuận chia sẻ ra là quá lớn, nhưng chúng tôi làm”, ông Tài nhấn mạnh.

“Nếu bạn không sẵn lòng chia sẻ, hoặc như ông chủ tàu nói Không cần, mấy ông thủy thủ lấy đủ về nuôi vợ con là được rồi, còn bao nhiêu của chủ tàu hết. Như vậy sẽ tiêu hết!”

Theo Bảo Bảo
Trí Thức Trẻ

6 lý do khiến doanh nhân thất bại.

Nếu doanh nhân không cho rằng thành công họ có được nhờ vào ý tưởng thì cũng đừng dùng sự thất bại của ý tưởng đó để biện minh cho thất bại của bản thân.
Doanh nhân trẻ tuổi Nicholas Cole nhận định, có không ít doanh nhân dùng lý do "ý tưởng tồi" để đổ lỗi cho kinh doanh thất bại trong khi vấn đề thực chất nằm ở bản thân họ.

Nicholas là một trong 25 nhân vật có ảnh hưởng nhất về marketing năm 2017 theo xếp hạng của tạp chí Forbes. Anh cũng là diễn giả, chuyên gia tư vấn thương hiệu cá nhân, cây bút quen thuộc trên Inc. Magazine và trang hỏi đáp nổi tiếng Quora.com.

Có nhiều nguyên nhân (chủ quan lẫn khách quan) dẫn tới sự thất bại của mỗi người. Tuy nhiên, với riêng doanh nhân, Nicholas nhận định có 7 nguyên nhân chủ quan phổ biến khiến họ "ngậm trái đắng".

1. Không lường trước khó khăn

Doanh nhân nối tiếp Gary Vaynerchuk từng nhiều lần chia sẻ, ông thiếu niềm tin vào những doanh nhân có xuất thân hoàn cảnh thuận lợi - những người sống trong nhung lụa, tốt nghiệp từ những trường đại học nổi tiếng giàu có - và bây giờ muốn chơi trò kinh doanh.

Quan điểm của Gary không phải không có lý và bản thân Nicholas rất đồng ý với suy nghĩ trên, bởi anh cũng là một trong số những người may mắn đó. Mặc dù có nhiều điều kiện phát triển bản thân nhưng việc sống trong hoàn cảnh quá thuận lợi cũng khiến con người bỏ lỡ rất nhiều trải nghiệm quý giá mà một trong số đó là "cảm giác phải đấu tranh để vươn lên trong cuộc sống, hoặc đơn độc bước vào đời", anh chia sẻ.

Tuy nhiên, nói như Gary không đồng nghĩa với việc những doanh nhân sinh trưởng trong môi trường tốt đều kém cỏi và những doanh nhân có cuộc sống vất vả đều thành công. Điều quan trọng là khả năng nhận diện nguy cơ và chuẩn bị giải pháp đối phó ở mỗi người. Theo Nicholas, một số doanh nhân thất bại vì lý do họ không lường trước được viễn cảnh khó khăn phải trải qua, và do đó, không chuẩn bị phương pháp đối phó thích hợp.

Thương trường không giống như lớp học. Không ai cho bạn những bài tập có đáp án rõ ràng, cũng chẳng có phương pháp cụ thể nào chỉ dẫn bạn thành công. Đó là những kiến thức, kỹ năng bạn phải tự trang bị cho mình thông qua quá trình trải nghiệm, học hỏi.

Bên cạnh đó, có những doanh nhân thất bại vì chưa tìm ra phương pháp thành công của riêng mình. Trường hợp này thường đúng với những doanh nhân xem kinh doanh như một cơ hội trải nghiệm, hoặc là một dịp "cưỡi ngựa xem hoa" cảm nhận không khí trên thương trường. Về sau, họ nhanh chóng "ngã ngựa" vì không tìm ra phương pháp nỗ lực phù hợp, chưa kể còn bị sốc khi nhận ra khối lượng thời gian, công sức đòi hỏi phải bỏ ra nếu muốn thành công.

2. Chạy theo trào lưu

Nicholas chia sẻ, anh từng rất ngạc nhiên khi nhìn thấy nhiều người chạy theo trào lưu khởi nghiệp bằng ứng dụng mạng xã hội trong khi bản thân lại thiếu kiến thức về công nghệ, không am hiểu về mạng xã hội hoặc cả hai. Cách nghĩ này cũng giống với việc một người kinh doanh nhà hàng Pháp chỉ vì anh ta thích ăn món Pháp và không có chút kiến thức kinh doanh nào.

Là doanh nhân, bạn không nên hỏi "Mọi người muốn gì?", thay vào đó, câu hỏi của bạn nên là "Mình biết điều gì mà người khác chưa biết?", "Mình cần bổ sung thêm kiến thức gì?", "Có thứ gì mà mọi người đều muốn nhưng họ chưa nhận ra?",... Người có kiến thức sâu về một lĩnh vực nào đó luôn có nhiều lợi thế hơn người chẳng biết gì đang muốn "nhảy" vào thị trường chỉ vì trào lưu.

Đừng chạy theo xu hướng. Hãy đầu tư nhiều hơn cho bản thân, cho những thứ mà bạn giỏi nhất.

3. Đi một mình

Làm lãnh đạo không phải là một môn thể thao cá nhân. Có thể cảm giác tự tay gầy dựng mọi thứ rất tuyệt vời nhưng ngay cả khi bạn nắm toàn bộ mọi thứ thì cũng sẽ có lúc bạn cần đến sự giúp sức của người khác. Đó có thể là người giúp bạn triển khai chiến lược đang nằm trên giấy, người giúp bạn phát triển nó, người giúp bạn điều chỉnh nó phù hợp với xu hướng thị trường,...

Chưa kể, việc đi một mình dễ khiến nhà lãnh đạo nảy sinh tâm lý không coi trọng đối tác, xem họ như "hàng hóa" có thể tìm kiếm ở bất kỳ đâu miễn là đáp ứng được tiêu chuẩn đặt ra.

Dần dà, những "nhà lãnh đạo cô đơn" bị thui chột kỹ năng kết nối với người khác, lưỡng lự chia sẻ vấn đề với mọi người - cho dù đó là khối lượng công việc cần phải san sẻ, hoặc để người khác có cơ hội cùng gánh vác trách nhiệm.

4. Không biết bản thân thiếu sót những gì

Một trong những lý do hàng đầu khiến các doanh nhân thất bại, theo Nicholas, là do họ không biết mình đang không biết những gì. Đặc biệt, nếu bạn đang bước chân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới thì điều này vô cùng tai hại, có thể ảnh hưởng đến sự sống-chết của doanh nghiệp.

Thực tế, doanh nhân không thể xây dựng doanh nghiệp với tâm lý biết hết mọi thứ. Bạn chỉ không nhận ra mình chưa biết thứ gì thôi. Với những người dày dạn, có nhiều năm kinh nghiệm làm việc thì thời điểm họ nghĩ bản thân có thể giải đáp mọi trả lời cũng là lúc họ ngừng lắng nghe. Và khi không còn lắng nghe người khác, họ sẽ ngừng học hỏi, nhận thức bị che mờ và họ bắt đầu ra quyết định dựa trên sự ngạo mạn.

Trong cuộc sống, luôn có người chỉ ra những thứ bạn chưa biết. Và thời điểm bạn phát hiện ra điều gì đó, cũng đừng ra vẻ lên mặt với mọi người. Hãy hạ cái tôi xuống và tiếp tục học hỏi những thứ khác mới mẻ hơn.

5. Thích "đá lấn sân"

Đây là lúc mọi người bắt đầu đi chệch hướng. Thời điểm họ sa đà những thứ không thuộc lĩnh vực chuyên môn/thế mạnh của mình cũng là lúc bắt đầu thất bại. Điều này cũng giống như một nhà sáng lập không có khả năng sáng tạo lại thích đưa ra sáng kiến và bắt nhân viên làm theo.

Việc tập trung "đúng người, đúng việc" cũng là một kỹ năng quan trọng. Nó đồng nghĩa với việc bạn sẵn sàng bước sang một bên để cho những người khác có khả năng làm tốt công việc được phát huy khả năng.

Bên cạnh đó, một doanh nhân thích kiêm nhiệm nhiều thứ còn có nguy cơ làm giảm chất lượng công việc chung. Vì đồng nghiệp xung quanh ngại lên tiếng nên nhiều lúc họ cho rằng mọi người đều đồng tình ủng hộ với mình.

6. Muốn được mọi người công nhận

Danh xưng "CEO" hay "nhà sáng lập" dạo gần đây đã trở thành một thứ thời thượng mà không ít người muốn ghi lên hồ sơ cá nhân Facebook, Twitter cho dù họ chưa kiếm được một đồng doanh thu nào. Điều đó chứng tỏ có nhiều người thích việc được trở thành doanh nhân hơn là làm doanh nhân thực tế.

Bất cứ ai nghĩ rằng làm doanh nhân là để được người khác công nhận thì sẽ chẳng bao giờ là một doanh nhân thực thụ và dễ gặp thất bại trong kinh doanh.

Theo Vân Thảo
Doanh nhân Sài Gòn

Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2017

Mark Zuckerberg đang thực hiện đúng chiến thuật của người La Mã cách đây 2.300 năm để hủy diệt các đối thủ.

Bạn nghĩ rằng những tính năng copy của Snapchat đều rất xấu xí không đáng dùng? Vậy là bạn hiểu sai ý đồ của Zuckerberg rồi!
Từ góc nhìn lịch sử ...

Câu nói “Lịch sử tự lặp lại chính nó – History repeats itself” vẫn được nhắc đi nhắc lại mỗi lần ta nói tới lịch sử. Hãy nhắc lại chút ít về La Mã, đế quốc hùng mạnh và rộng lớn bậc nhất trong lịch sử.

Trong chiến tranh với người Carthage, hay còn được biết tới với cái tên chiến tranh Punic, người La Mã với gươm và ngựa đã thua trên mặt nước – địa hình chiến đấu mà thủy quân của Carthage tỏ rõ sức mạnh vượt trội.

Nhận thức được sự thua kém ấy, người La Mã đã cố gắng tạo ra những chiến thuật chiến đấu mới hơn cho một kẻ thù quá đỗi mạnh mẽ trên biển cả. Người La Mã có nhân lực, nhưng họ thiếu đi các tính năng hiện đại, đó chính là tàu chiến. Người Carthage vô địch trên biển vì họ có tàu chiến Quinquereme, vốn vượt trội tàu La Mã về sức mạnh và tốc độ, .

Để hiện thực hóa tham vọng đè bẹp kẻ thù cứng đầu, họ đã “ăn cắp” một chiến hạm của Carthage đi lạc để rồi "nhân bản" nó ra hàng nghìn chiếc tàu khác giống với kẻ thù, dù không ưu việt bằng, để tạo nên một đội hải quân hùng hậu của riêng mình. Carthage có chất lượng nhưng không thể ganh đua số lượng với La Mã - được hậu thuẫn bởi đất Italy cực giàu nhân lực.

Nhiều người gọi đó là “sự ăn cắp bản quyền” trắng trợn, từ cách đây gần 2.300 năm. Nhưng rồi người La Mã chiến thắng, Carthage diệt vong và không ai còn nhớ tới người Carthage nữa.

... cho tới quang cảnh quen thuộc của thời điểm này

Trong lịch sử đối đầu với những công ty khác, Zuckerberg vẫn luôn có những động thái công kích mạnh mẽ và hiện tại, ta đã thấy rõ kẻ thủ lớn mà ông chủ Facebook đang đối đầu chính là Snapchat. Họ cần phải giành lấy thị trường khách hàng tương tác rất lớn qua những thiết bị di động tiện dụng.

Nhiều người chỉ trích Zuckerberg vì anh liên tục copy tính năng hay nhất của Snapchat lên lần lượt Instagram, Facebook và WhatsApp. Nhưng ít người hiểu rằng Zuckerberg chẳng cần tới những chức năng mượn-ý-tưởng-từ-Snapchat phải hoạt động một cách cực kì hoàn hảo hay có một vẻ ngoài hào nhoáng, Zuckerberg chỉ cần chúng hoạt động đúng vai trò của mình mà thôi. Anh cũng chẳng quan tâm đến việc mình đang "copy ý tưởng" của Snapchat trắng trợn tới mức nào, cũng giống như người La Mã.

Tờ Business Insider đã vẽ ra một ví dụ mang tính hình tượng tuyệt vời, rằng:

Trên đường đua vĩnh cửu, Zuckerberg trên chiếc xe mang tên Facebook đang giành giật từng centimet với Evan Spiegel trên chiếc xe Snapchat. Bỗng dưng, Zuckerberg ném ra một trở ngại giữa đường, hòng ngăn chặn bước tiến của Spiegel – ý đồ của Zuckerberg đã quá rõ ràng.

Người xem bên đường giật mình nhìn thấy vật cản đó, rồi kĩ càng xem xét nó và đưa ra kết luận “Đây toàn là loại đinh rẻ tiền nhằm chọc thủng lốp xe Spiegel! Chắc sắc nhọn mà trông thì lại xấu. Quả là đáng xấu hổ khi Zuckerberg tin rằng những chiếc đinh xấu xí kia có thể xứng đáng mang ra chọc lốp Spiegel!”.

Vấn đề là, gã người La Mã kia chẳng màng tới chất lượng của cái đinh đó. Anh ta đâu có cần đinh để xây nhà hay đóng lên tường treo ảnh con gái? Anh ta cần đinh để chọc thủng lốp đối thủ: một việc mà đinh dù có xấu hay đẹp thì cũng vẫn hoàn thành nhiệm vụ.

Vậy đó, bạn đã có toàn cảnh đường đua kịch tính giữa hai chiếc xe mang tên Facebook và Snapchat.

Vấn đề còn nằm ở số lượng người dùng mà Facebook đang sở hữu. Ta có những con số so sánh sau:

Snapchat có 158 triệu người sử dụng hàng ngày.

Facebook có tới 1,2 tỷ người sử dụng hàng ngày.

Instagram có 400 triệu người sử dụng hàng ngày.

WhatsApp có 840 triệu người sử dụng hàng ngày.

Và với con số ấy, Zuckerberg chỉ cần một phần trăm nhỏ của con số hàng tỷ ấy sử dụng những chức năng mượn-ý-tưởng thôi là anh có thể gây một thiệt hại không nhỏ lên Snapchat rồi. Mặc dù số người dùng tăng trưởng không còn tăng mạnh mẽ, nhưng sản phẩm của Snapchat vẫn rất hứa hẹn, nhiều thứ mới mẻ để khám phá: họ vẫn là đối thủ nặng cân của Facebook.

Ngày xưa, Zuckerberg đã từng hủy diệt một kẻ địch khác như thế

Ngày xưa của năm 2011, khiGoogle bắt đầu dự án Google+ của mình – một nền tảng mạng xã hội chắc chắn được sinh ra để làm đối trọng với Facebook, Zuckerberg đã tung toàn lực lượng để đối đầu với một kẻ thù mạnh mẽ. Anh nhắc nhở nhân viên rằng “Carthage phải bị tiêu diệt!”.

Và thế là, những “chiến binh La Mã” của Mark làm việc hăng say 7 ngày/tuần để đối phó với mối nguy. Những tấm poster mang khẩu hiệu “CARTHAGO DELENDA EST” (tiếng Latin) được dán khắp nơi. Antonio Garcia Martinez, người làm việc cho Facebook lúc ấy kể lại rằng “Facebook không hề đùa cợt. Đó là một cuộc chiến tổng lực”.

Google+ đã bị đánh bại.

Giờ đây, khẩu hiệu “Carthage phải bị tiêu diệt!” lại càng rõ ràng hơn bao giờ hết, khi mà Mark Zuckerberg mang “thuyền” của Snapchat về để bổ sung cho tiềm lực vốn đang cực kì mạnh mẽ của mình. Gã La Mã chỉ cần 0,5% người sử dụng của mình dùng chức năng đi mượn kia là hắn đã lấy mất 10% người dùng tiềm năng của kẻ địch rồi. Một con số khập khiễng đến đáng sợ.

Chuyện gì đã xảy ra với Carthage của xưa kia? Đế chế hùng mạnh ấy đã sụp đổ, thành phố và làng mạc bị cướp phá, ước tính 50.000 người Carthage bị bán làm nô lệ.

Có lẽ tất cả mọi người đều đang hy vọng rằng, Snapchat sẽ không phải là một Carthage của thời hiện đại, trừ Zuckerberg.

Theo Dink
Trí Thức Trẻ

Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

Triết lý ‘Con Gián’: Đừng ảo tưởng mình mạnh nhất tài giỏi nhất, người biết thích nghi mới là kẻ sống sót sau cùng!

Có một loài vật xuất hiện trước cả khủng long và vẫn tồn tại đến ngày nay – Gián. Chúng sống ở khắp mọi nơi, từ toilet tới tủ giày, tủ quần áo… Và chúng là minh chứng của triết lý: Không phải kẻ mạnh hay kẻ giỏi sẽ là kẻ chiến thắng. Người biết thích nghi mới là kẻ sống sót cuối cùng.
Khủng long xuất hiện lần đầu vào kỷ Tam Điệp (231,4 triệu năm trước) và là nhóm động vật có xương sống chiếm ưu thế nhất xuyên suốt hơn 165,4 triệu năm cho đến khi bị tuyệt chủng vào cuối kỷ Phấn Trắng (66 triệu năm trước).

Một chuyện khá thú vị là Gián – một loài côn trùng xuất hiện vào kỷ Than Đá, khoảng 354–295 triệu năm trước đây, tức trước cả trăm triệu năm so với khủng long – vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

“Chúng tồn tại được đến ngày nay bởi chúng thích ứng rất giỏi. Chúng sống ở mọi nơi, từ toilet tới tủ giày, tủ quần áo… đâu cũng sống được”.

“Không phải kẻ mạnh, hay kẻ thông minh, tài giỏi hơn sẽ là kẻ sống sót, mà là người nào biết thích nghi tốt nhất sẽ sống được. Thích nghi = Sống sót/Thành công”, ông Adrian Toh - Chuyên gia Phát triển tiềm năng Lãnh đạo đến từ Singapore – cho biết trong hội thảo “Khôi phục cảm xúc – chìa khóa tự phục hồi trong công việc” do Growth Catalyst Vietnam tổ chức.

Đồng hồ Thụy Sĩ, Nokia, Motorola – những “bá chủ” thế giới phải từ bỏ ngai vàng và ra đi trong thảm bại

Trên thế giới, nhiều kẻ “bá chủ” đã phải từ bỏ ngai vàng và ra đi trong thảm bại.

Đồng hồ Thụy Sĩ từng chiếm tới 50% thị phần đồng hồ thế giới vào thập niên 70s. Nhưng với sự ra đời của đồng hồ điện tử, thị phần của đồng hồ Thụy Sĩ ngày nay chỉ còn 2%.

Trong lĩnh vực điện thoại, Motorola từng là số 1, nhưng đã bị Nokia đá ra khỏi thị trường với game gây nghiện “Rắn săn mồi”.

Nhưng đến lượt Nokia, hãng điện thoại này cũng buộc phải lép vế so với Apple và Samsung, dẫn đến kết cục phải bán mình cho Microsoft.

“Câu chuyện thất bại của họ rất đơn giản. Đó là khả năng thích nghi. Họ không biết cách thích nghi, rơi vào bế tắc và mất luôn thị phần. Thế giới đang thay đổi rất nhiều. Khả năng để thích nghi là yếu tố then chốt trong bất kể doanh nghiệp nào. Bạn chỉ có thể lựa chọn Thích nghi hay là Chết”, ông Adrian nói.

Còn nhớ, trong suốt buổi họp mặt truyền thông nhằm công bố tin Nokia sẽ chính thức được bán lại cho Microsoft, CEO Rajeev Suri của Nokia đã chia sẻ trong nghẹn ngào: “Chúng tôi không làm gì sai cả, nhưng biết phải làm sao, chúng tôi đã thất bại". Cả tập thể những nhân viên ngồi phía dưới lặng lẽ cúi mặt xuống và khóc theo.

“Ông ấy đã nói sai”, chuyên gia Adrian phân tích.

“Đáng ra ông ấy phải nói là ‘Chúng tôi không làm gì đúng thì mới chết’. Trong thời đại ngày nay, bạn không thay đổi đủ nhanh sẽ chết, chứ không nhất thiết bạn phải làm gì sai mới chết. Chỉ cần bạn đứng yên một chỗ, không cải tiến tất sẽ mất thị phần về tay các tân binh. Câu chuyện thành công là câu chuyện Thích ứng và Thay đổi”.

Sự thích ứng, ông Adrian ví von như một cái cây cao trên đồng cỏ. Giữa một cánh đồng mênh mông và trống trải, cái cây cứ quyết định lớn nhanh, lớn nhanh, lớn nhanh… thì tất sẽ gãy khi có gió lớn.

“Chúng ta cũng giống như cây cỏ, phải thích nghi theo môi trường, bởi thích nghi được sẽ sống. Kẻ sống sót cuối cùng mới là kẻ chiến thắng”, ông Adrian nói.

Bảo Bảo
Theo Trí Thức Trẻ

Thứ Ba, 14 tháng 3, 2017

Lý do DN chúng tôi “không muốn lớn”: Khi trở nên hữu hình, tự khắc tôi cũng lớn lên trong con mắt thanh tra, thuế vụ, phòng cháy chữa cháy,…

Doanh nghiệp Việt cứ thích mình "vô hình", chẳng chịu lớn vì nếu có lớn thì cũng đâu có yên...
Trong một chia sẻ gần đây, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP. HCM – đã từng chia sẻ chất “keo dính đặc biệt” mà kinh tế Việt Nam vẫn còn thiếu là chính là khối các doanh nghiệp vừa. Nhóm DN này chỉ chiếm 2% trên tổng số doanh nghiệp. Việc thiếu đi nhóm DN vừa khiến 96% các DN nhỏ và siêu nhỏ không thể kết nối với 2% nhóm DN quy mô lớn còn lại, nền kinh tế Việt Nam từ đó thiếu đi sự kết dính.

Vấn đề đặt ra là chúng ta có tới 96% các DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ, vậy lý do nào khiến các DN này mãi không chịu lớn?

Theo ông Tự Anh, lý do chủ yếu là vì một hệ sinh thái thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa phát triển vẫn chưa có. Nói cách khác, với những điều kiện hiện tại, doanh nghiệp Việt chỉ “muốn nhỏ mà chẳng muốn mình to lên”.

“Nếu bạn là doanh nghiệp nhỏ, hoặc rất nhỏ, thậm chí là một doanh nghiệp phi chính thức, bạn có thể không phải trả các khoản bôi trơn vì bạn vô hình theo một nghĩa nào đó.

Nhưng khi bạn trở nên hữu hình, có giấy phép kinh doanh, bạn lớn lên trong con mắt thanh tra, trong con mắt thuế vụ, phòng cháy chữa cháy…” – ông Tự Anh chia sẻ.

Điều này đồng nghĩa với chi phí vận hành DN sẽ tăng nhanh. Với các DN lớn, họ có thể chịu đựng những chi phí này, nhưng với nhóm DN nhỏ đến trung bình, đây sẽ là một bài toán nan giải.

Sau đó, vị Tiến sĩ giảng dạy chương trình Fulbright trích số liệu theo nghiên cứu của VCCI, 2/3 doanh nghiệp cho biết tỷ lệ bôi trơn là trung bình lên đến 5 - 10% doanh thu.

“Nếu như tỷ lệ bôi trơn cao như vậy thì doanh nghiệp còn có thể có lợi nhuận hay không? Họ còn có thể tích lũy hay không? Và đặc biệt, họ còn nuôi dưỡng được khát vọng cháy bỏng về kinh doanh và thành đạt ở Việt Nam hay không?", ông Tự Anh đặt câu hỏi.

Bởi vì khi mà anh cứ lớn lên, anh càng làm nhiều thì anh càng bị vắt kiệt nhiều, câu hỏi là tại sao tôi lại phải lớn. Điều đó cản trở, làm thoái lui tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp Việt”.

Từ bao lâu nay, doanh nghiệp Việt Nam vốn vẫn rất linh hoạt, sáng tạo. Vì thế, dù đặt vào hoàn cảnh chính sách nào thì có lẽ doanh nghiệp vẫn tồn tại được. Cái đáng nói là sự tồn tại ấy là lành mạnh hay không, hay rút cục, các doanh nghiệp sẽ phải trả giá cho sự tồn tại tưởng chừng như là lành mạnh ấy.

“Họ cảm thấy đơn độc, không được đồng hành bởi chính sách của Nhà nước ở cả tầm trung ương và địa phương, không thấy được sự trân trọng, đồng hành của những người thực thi pháp luật ở địa phương”.

Dù sao, với những động thái gần đây như ra nghị quyết 19, 35 và nhiều chính sách khác, Chính phủ kiến tạo đã và đang thể hiện sự đồng hành sâu sát với khối các doanh nghiệp.

“Người Việt Nam rất có tinh thần kinh doanh. Nhưng tinh thần kinh doanh đó phải được hỗ trợ bằng các khuyến khích đúng. Việc có những khoản bôi trơn, tôi tin không phải là thứ tạo ra những khuyến khích đúng” – ông Tự Anh kết thúc phần lý giải của mình.

Vượng Lê
Theo Trí Thức Trẻ

Nghệ thuật thu phục nhân tài của sếp giỏi: Đừng cố làm bạn với nhân viên, hãy cho họ thấy “trí khôn của ta đây”

Thay vì đặt ra những quy tắc để bắt nhân viên làm theo, bạn phải giúp họ thấy được thế mạnh của mình và cố gắng phát huy thế mạnh đó. Đừng bới móc điểm yếu của nhân viên, cũng đừng cố gắng làm bạn với họ, hãy cho họ thấy “trí khôn” của một nhà quản lý.
Trong cuốn “First, Break All the Rules” (Tạm dịch: Trước hết, hãy phá bỏ mọi luật lệ), hai tác giả Marcus Buckingham và Curt Coffman đã trình bày một đề tài nghiên cứu chuyên sâu do Viện Gallup thực hiện kéo dài 25 năm về cách thức hoạt động của tổ chức và bí quyết để các nhà quản lý thu hút được nhân tài.

Đã bao giờ bạn tự hỏi: Các nhà quản lý giỏi trên thế giới làm thế nào để tạo ra một môi trường làm việc trong mơ cho nhân viên?

Câu trả lời rất đơn giản: Nhà quản lý phải phá bỏ mọi luật lệ. Nhiệm vụ của nhà quản lý không phải là tìm ra điểm yếu của nhân viên và lên kế hoạch khắc phục điểm yếu đó; mà nhà quản lý phải giả định rằng đó là cá tính riêng mà nhân viên không muốn và cũng không thể thay đổi.

Điều này có nghĩa là nhà quản lý giỏi phải nhận ra việc yêu cầu nhân viên thay đổi cá tính là vô ích; thay vào đó hãy tập trung phát triển thế mạnh của họ.

Sếp không phải là nhà lãnh đạo

Là một nhà quản lý (hay sếp) giỏi, bạn sẽ phải bắt đầu phá vỡ chính những nguyên tắc do nhà lãnh đạo cấp cao hơn đưa ra.

Nhà quản lý thường nhìn vào bên trong công ty, bên trong mỗi cá nhân để thấy được sự khác biệt trong phong cách, cá tính, mục tiêu, nhu cầu và động lực của từng người. Sau đó, họ sẽ tìm ra những cách tốt nhất để giúp từng nhân viên phát triển bản thân và mang lại thành tích cao nhất cho công ty.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo lại nhìn ra bên ngoài. Họ tìm kiếm những tầm nhìn xa, tìm kiếm tương lai và cả những con đường thay thế. Họ là những người có tầm nhìn và suy nghĩ chiến lược. Mục đích của nhà lãnh đạo khác hoàn toàn với nhà quản lý.

Chính vì vậy, là một nhà quản lý, thay vì đặt ra những quy tắc để bắt nhân viên làm theo, bạn phải giúp họ thấy được thế mạnh của mình và cố gắng phát huy thế mạnh đó. Đừng bới móc điểm yếu của nhân viên, cũng đừng cố gắng làm bạn với họ, hãy cho họ thấy “trí khôn” của một nhà quản lý.

4 “chìa khoá” thu hút nhân tài

Trong “First, Break All the Rules”, Buckingham và Coffman đề cập đến 4 yếu tố cốt lõi giúp các nhà quản lý thu hút và giữ chân nhân tài.

Thứ nhất, lựa chọn nhân tài.

Nhà quản lý phải lựa chọn những nhân viên giỏi dựa trên tài năng thực sự của họ chứ không phải các yếu tố như kinh nghiệm, trí thông minh hay sự quyết tâm. Tài năng là yếu tố quyết định thành công. Tài năng cũng là thứ không thể dạy dỗ, mà chỉ có thể phát triển thêm. Tài năng không thể bổ sung, nó chỉ có thể có sẵn hoặc không có. Nếu tìm được một nhân viên có tài, bạn chỉ cần nuôi dưỡng để tài năng đó phát triển.

Thứ hai, xác định kết quả thay vì thiết lập quy trình.

Mỗi cá nhân được tự do lựa chọn cách tốt nhất mà họ có thể sử dụng để đạt hiệu quả trong công việc bằng chính tài năng của mình. Vì thế, bạn đừng bắt họ phải tuân thủ theo những quy trình gò bó và cứng nhắc, hãy để họ cống hiến hết khả năng.

Thứ ba, tập trung khuyến khích thế mạnh, đừng cố “bới móc” điểm yếu của nhân viên.

Là một nhà quản lý, bạn cần nhớ rằng việc thay đổi một điểm yếu khó hơn việc phát triển một thế mạnh rất nhiều. Nếu chỉ tập trung vào điểm yếu của nhân viên, bạn đang khiến họ áp lực và chẳng thể nào hoàn thành tốt được công việc.

Thứ tư, giao đúng người đúng việc.

Nếu bạn muốn nhân viên phát huy hết tài năng, hãy đặt họ vào đúng vị trí phù hợp với họ nhất, thay vì bổ nhiệm theo cấp bậc quy định. Ai đi làm cũng đều muốn phát triển bản thân, muốn có một chỗ đứng nhất định trong công ty và kiếm được tiền. Do đó, nhiệm vụ của bạn là phát hiện được mong muốn của nhân viên (cộng với tài năng của họ) để phân công công việc phù hợp.

Khánh Ly
Theo Trí Thức Trẻ

Thứ Hai, 13 tháng 3, 2017

Đừng đổ lỗi cho môi trường làm việc, sếp mới chính là nguyên nhân khiến nhân tài “dứt áo ra đi”

Bạn muốn nghỉ việc vì “chán ngấy” môi trường và sếp? 12 câu hỏi này sẽ cho bạn quyết định sáng suốt nhất.
Trong cuốn sách “First, break all the rules”, hai tác giả Marcus Buckingham và Curt Coffman cho rằng, nhà quản lý tốt phải là người phá vỡ mọi quy tắc, đồng thời tạo cho nhân viên một môi trường làm việc lý tưởng nhất.

Tuy nhiên, không phải lúc nào kỳ vọng của nhà quản lý cũng phù hợp với kỳ vọng của nhân viên. Đôi khi, điều mà sếp tưởng là tốt lại gây khó chịu với nhân viên và ngược lại.

Các nhà quản lý nhận ra rằng nhiệm vụ quan trọng của họ là tìm kiếm và giữ chân những người giỏi nhất cho từng vị trí. Vì thế, họ đưa ra hàng loạt đãi ngộ để nhân viên cảm thấy hạnh phúc. Nhưng vấn đề là không phải nhân viên nào cũng có nhu cầu đãi ngộ giống nhau. Vì thế, việc công ty đưa ra một chính sách đãi ngộ chung sẽ vừa tốn kém vừa không hiệu quả.

Vậy giải pháp là gì?

Hai tác giả Buckingham và Coffman cho rằng cần phải có một công cụ đánh giá mới: Khảo sát mức độ hài lòng của nhân viên với nơi làm việc thông qua trả lời 12 câu hỏi sau:

1. Bạn có biết công ty kỳ vọng gì ở mình cho công việc?

2. Bạn có đủ công cụ và thông tin cần thiết để hoàn thành công việc?

3. Trong công việc, bạn có được cơ hội để làm tốt nhất khả năng của mình hay không?

4. Trong 7 ngày vừa qua, bạn có nhận được khen thưởng hay đánh giá từ sếp sau khi hoàn thành tốt công việc hay không?

5. Người quản lý hoặc đồng nghiệp có quan tâm, chia sẻ với bạn những vấn đề cá nhân hay không?

6. Bạn có được khuyến khích tại nơi làm việc không?

7. Ở công ty, quan điểm của bạn có được mọi người ghi nhận hay không?

8. Sứ mệnh của công ty có khiến bạn cảm thấy vai trò của mình quan trọng hay không?

9. Các đồng nghiệp của bạn có hoàn thành tốt công việc như bạn không?

10. Bạn có bạn bè thân ở công ty không?

11. Trong 6 tháng qua, bạn đã từng nói chuyện với ai để chia sẻ về tiến trình phát triển công việc của bản thân chưa?

12. Năm ngoái, bạn có cơ hội để học hỏi và phát triển trong công việc hay không?

Nhìn vào bảng câu hỏi này, nhiều người sẽ ngạc nhiên vì không hề có câu hỏi nào liên quan đến mức lương, chế độ đãi ngộ, lợi ích hay vị trí, cấp bậc thăng tiến… Lý do rất đơn giản, bởi vì không phải nhân viên nào cũng mưu cầu đãi ngộ giống nhau.

Thế nhưng, sự ghi nhận của sếp, cơ hội được học hỏi và phát triển bản thân, sự quan tâm của đồng nghiệp hay phù hợp về sứ mệnh với công ty… lại là những thứ mà bất cứ nhân viên nào cũng tìm kiếm. Một nơi làm việc có chế độ đãi ngộ trong mơ, nhưng lại chẳng có nhân viên nào đam mê thì chắc chắn nơi làm việc đó không thể phát triển tốt được.

Nếu bạn là một nhà quản lý, hãy đảm bảo rằng nhân viên có thể trả lời “Yes” (Có) cho 12 câu hỏi này. Khi đó, bạn đã xây dựng một môi trường làm việc thực sự chuyên nghiệp và hiệu quả mà bất cứ nhân viên nào cũng mơ ước.

Còn nếu bạn là một nhân viên, bạn đang cảm thấy mệt mỏi với công việc và “chán ngấy” sếp, hãy trả lời 12 câu hỏi này để đưa ra quyết định đúng đắt nhất cho mình. Nếu bạn có thể trả lời “Yes” (Có) cho 12 câu hỏi, đây là chỗ làm lý tưởng với bạn đấy, bạn không nên nghỉ việc làm gì cả. Ngược lại, hãy ra đi và tìm cho mình một nơi phù hợp hơn.

Khánh Ly
Theo Trí Thức Trẻ

Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2017

Tấn công mạng vào trang web Việt Nam: Trước tiên vẫn là nhận thức!

Trong hai ngày 8 - 9/3/2017, có hiện tượng trang web của một số Cảng hàng không bị tấn công thay đổi giao diện. Các cuộc tấn công mạng như vậy vẫn rất dễ xảy ra do các trang web chưa được quan tâm đúng mức về an toàn thông tin.
Hacker tấn công vào hệ thống website của Vietnam Airlines.
Theo đánh giá sơ bộ ban đầu của Cục An toàn thông tin và Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), đối tượng tấn công để lại thông điệp cảnh báo và cuộc tấn công chỉ ảnh hưởng đến trang web cung cấp thông tin đơn thuần của Cảng hàng không. Các hệ thống thông tin quan trọng liên quan tới hoạt động bay và vận hành của các Cảng hàng không vẫn vận hành bình thường, chưa phát hiện dấu hiệu bị ảnh hưởng. Cơ quan chức năng đang tiếp tục tiến hành thu thập, phân tích, xác minh chi tiết hơn.

Các cuộc tấn công mạng trong những ngày qua là không mới. Mặc dù Bộ TT&TT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, cảnh báo nhưng các cuộc tấn công mạng như vậy vẫn rất dễ xảy ra do các trang web chưa được quan tâm đúng mức về an toàn thông tin.

Cục An toàn thông tin và VNCERT cho biết, qua phân tích, đánh giá, những nguyên nhân quan trọng gây mất an toàn thông tin là do không định kỳ, thường xuyên cập nhật phần mềm, dẫn đến bị đối tượng khai thác lỗ hổng đã biết để tấn công. Thứ hai, sử dụng chung hạ tầng giữa các trang web, nhưng lại thiếu quan tâm tới chính sách an toàn thông tin phù hợp, dẫn đến có nguy cơ cao về việc bị khai thác tấn công từ các trang web của các tổ chức, cá nhân khác đang sử dụng chung hạ tầng. Thứ ba, thiếu đội ngũ chuyên gia sẵn sàng ứng cứu và xử lý các sự cố về an toàn thông tin. Thứ tư, thiếu đầu mối liên lạc để kịp thời chia sẻ thông tin. Đây là thực trạng chung của nhiều trang web Việt Nam hiện nay.

Bộ TT&TT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng (Cục An toàn thông tin, VNCERT) phối hợp chặt chẽ với Trung tâm CNTT - Bộ GTVT và đầu mối quản trị của các trang web bị tấn công để xử lý, theo dõi, sớm ổn định tình hình. Đồng thời, Bộ TT&TT yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT trao đổi, chia sẻ thông tin và đôn đốc tăng cường bảo đảm an toàn thông tin đối với các ngành, lĩnh vực quan trọng khác, tránh để xảy ra hậu quả tương tự.

Cục An toàn thông tin phát hiện đối tượng tấn công đã chèn vào trang web bị tấn công một đoạn mã độc với mục đích không rõ ràng. Vì vậy, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người sử dụng không hiếu kỳ truy cập vào các trang web ngay sau khi sự việc xảy ra mà chưa được khắc phục để tránh nguy cơ bị lây nhiễm, gây mất an toàn thông tin.

Đối với chủ quản của các trang web, Cục An toàn thông tin yêu cầu rà soát, thực hiện nghiêm quy định của Luật An toàn thông tin mạng, văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ TT&TT như: Văn bản số 2132/BTTTT-VNCERT ngày 18/7/2011 hướng dẫn đảm bảo an toàn thông tin cho các Cổng/Trang thông tin điện tử; Văn bản số 430/BTTTT-CATTT ngày 09/02/2015 hướng dẫn bảo đảm ATTT cho hệ thống thư điện tử của cơ quan, tổ chức nhà nước.

Theo PV
ICTnews

Tại sao tới 80% startup tại Việt Nam không có cơ hội kỷ niệm sinh nhật lần thứ 2 của mình?

Vậy đâu là khó khăn mà startup Việt đang phải đương đầu?
Hiện nay, phong trào khởi nghiệp – startup đang phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ, cũng không thiếu những công ty bắt đầu với một triển vọng sáng lạn. Tuy nhiên, theo thống kê của các nhà nghiên cứu thị trường, nhiều công ty startup không có cơ hội kỷ niệm sinh nhật lần thứ 2 của mình. Vậy đâu là khó khăn mà startup Việt đang phải đương đầu?

Khi bắt đầu, hẳn "doanh nhân" nào cũng sở hữu một bầu nhiệt huyết trào dâng, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để vươn tới thành công. Tuy nhiên, theo như một thống kê không chính thức, tỷ lệ thất bại của các startup lên tới hơn 80%. Vậy những khó khăn cản lối startup đến với thành công là gì?

1. Cạnh tranh gay gắt nguồn vốn tài trợ

Một điều dễ hiểu là khi tài trợ khởi nghiệp cho một doanh nghiệp startup, nhà đầu tư trước hết sẽ cân nhắc cơ hội thành công của những doanh nghiệp này. Vì thế nguồn vốn đầu tư có thể rất dồi dào, nhưng lại không dành cho tất cả các startup.

Điều này tạo ra một bức tranh hợp lý cho nhà đầu tư, họ cần đảm bảo đồng tiền của mình luôn sinh lời từ phía các startup, điều này cũng đồng nghĩa sẽ ít cơ hội hơn cho các doanh nghiệp khi họ không thể thu hút được lượng khách hàng ban đầu sau một thời gian đầu tư. Khác với thung lũng Silicon, các nhà đầu tư ở Việt Nam cũng thích đầu tư vào các startup đã "hòm hòm".

"Tại Việt Nam, số lượng quỹ đầu tư không nhiều, và họ cũng thường kỳ vọng startup phát triển đến một mức nhất định rồi mới đổ tiền vào. Nếu ở Mỹ, startup chứng minh bằng ý tưởng thì ở Việt Nam, startup phải chứng minh bằng con số", ông Phạm Kim Hùng - nhà sáng lập Tech Elite chia sẻ.

2. Không biết "nói" và kiểm toán yếu

Nhiều startup tại Việt Nam hiện nay “chỉ biết làm, không biết nói”. Tức là họ chỉ biết cắm cúi làm để cho ra sản phẩm mà không biết cách giới thiệu sản phẩm ra thị trường như thế nào, thiếu kế hoạch do đó khả năng thành công không cao.

Bên cạnh đó, nhiều công ty đã có sản phẩm tốt nhưng khi tiếp cận các quỹ đầu tư thì gặp khó khăn trong việc định giá, sổ sách kế toán, tài chính... Nếu báo cáo kiểm toán được thực hiện bởi một công ty nước ngoài thì yên tâm, nhưng nếu đó là báo cáo thực hiện trong nước thì sẽ phải xem xét kỹ hơn. Các startup sẽ cạnh tranh hơn nếu có số liệu báo cáo được thực hiện bởi các đơn vị kiểm toán uy tín.

3. Non trẻ trong kiến thức và kinh nghiệm

Ngay cả đối với những chuyên gia dày dặn kinh nghiệm, kiến thức cũng chưa bao giờ là đủ. Những tri thức mới luôn được khám phá mỗi ngày, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.

Đó cũng là lý do khiến những thành tố hỗ trợ trong hệ sinh thái khởi nghiệp như vườn ươm, quỹ hỗ trợ… dù đang mọc lên như nấm tại Việt Nam cũng không phát huy nhiều hiệu quả.

Không chỉ học trên ghế nhà trường, giới khởi nghiệp còn được khuyên tìm kiếm sự giúp đỡ ở những phần việc mình không giỏi và học hỏi từ đồng nghiệp, từ mentor (người hướng dẫn) và sách vở.

Ngoài việc học, ông Ngô Xuân Huy - đồng sáng lập Money Lover cũng khuyến khích các bạn trẻ hãy dành từ 3 đến 5 năm đi làm trong các công ty, tập đoàn để học hỏi chuyên môn, kỹ năng mềm và nắm bắt thị trường trước khi tính đến khởi nghiệp.

Ngoài nền tảng kiến thức cần liên tục được cập nhật và bồi đắp, kinh nghiệm từ những người đi trước là vô cùng quý báu, giúp doanh nghiệp non trẻ tránh khỏi những "vết xe đổ", những thất bại không đáng có.

4. Tìm đâu ra "thợ tốt"

Cũng xuất phát một phần về vấn đề tài chính đóng góp thêm cho sự khó khăn cho doanh nghiệp startup trong việc thu hút nhân tài. Kỹ năng tuyển dụng, đãi ngộ và giữ chân người tài của các chủ doanh nghiệp cũng rất yếu. Đa số tâm lý của những nhân sự có năng lực làm việc tốt lại muốn phát triển tại những doanh nghiệp lớn chứ ít khi muốn chịu rủi ro cùng startup. Một người có năng lực tốt bao giờ cũng yêu cầu mức thu nhập tương xứng, họ chỉ chấp nhận mức lương bình thường khi có một số điều kiện khác thúc đẩy họ như người lãnh đạo giỏi, sản phẩm thực sự có tiềm năng lớn hoặc họ có khả năng sở hữu một phần doanh nghiệp.

Startup Việt sắp được cứu?

Doanh nghiệp khởi nghiệp được nhìn nhận như một yếu tố tích cực tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với đa số những bạn trẻ khởi nghiệp lần đầu, thành công dường như là một từ "xa xỉ".

Nhìn vào thực trạng hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay tại Việt Nam, có thể thấy hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn.

Thấu hiểu những thách thức đó, một chương trình tư vấn và định hướng khởi nghiệp cho giới startup Việt đang được xây dựng bởi một trong những doanh nghiệp startup công nghệ nổi tiếng nhất tại thung lũng Silicon.

Đóng vai trò làm cầu nối giữa cộng đồng startup và các bạn trẻ có khát vọng khởi nghiệp với giới đầu tư trên thị trường, chương trình bao gồm các buổi đào tạo với các chuyên gia hàng đầu thế giới trong câu chuyện khởi nghiệp, cung cấp kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, mở ra con đường tiếp cận với các nhà đầu tư tiềm năng cho các bạn trẻ năng động mong muốn khởi nghiệp kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.

Thông tin chi tiết về chương trình này sẽ được công bố trong tháng 3 này, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cơ hội hấp dẫn mà cộng đồng startup không thể bỏ qua.

Huyền My
Theo Trí Thức Trẻ

Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

“Thời điểm tuyệt vời để kinh doanh tại Việt Nam”

Ông Don Lam, Tổng giám đốc tập đoàn VinaCapital, chia sẻ với VnEconomy về triển vọng kinh doanh 2017...
Trước thềm Hội thảo kịch bản kinh tế Việt Nam 2017 ngày 9/3/2017 do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức tại Tp.HCM, ông Don Lam, Tổng giám đốc tập đoàn VinaCapital chia sẻ với VnEconomy về viễn cảnh kinh doanh 2017.

Lạc quan trong thận trọng

Theo ông, điều gì chờ đợi các doanh nghiệp tại Việt Nam trong năm 2017?

Chúng tôi tiếp tục nhìn nhận lạc quan trong thận trọng về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm 2017. Kinh tế vĩ mô hiện tại đang trong giai đoạn ổn định, và GDP vẫn tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ cần phải để ý tới mức độ lạm phát và lãi suất trong năm nay.

Ngoài ra, Chính phủ nên lưu tâm tới một số nhân tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến Việt Nam, như việc Chính phủ Mỹ có thể sẽ có những chính sách thương mại mới mang tính bảo hộ, gây ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam, đồng Nhân dân tệ mất giá có thể khiến xuất khẩu của Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, và các vấn đề khác.

Tuy nhiên, Việt Nam trong những năm qua đã chứng tỏ khả năng phục hồi qua những biến động của nền kinh tế thế giới, và tôi hy vọng khả năng này sẽ tiếp tục diễn ra.

Theo ông, sẽ có những cơ hội đầu tư nào trong năm 2017 này?

Ngoài lĩnh vực tiêu dùng nội địa mà VinaCapital luôn chú trọng, chúng tôi nhìn thấy cơ hội đầu tư tiềm năng trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng và có thể là cả lĩnh vực ngân hàng - ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Nếu điều kiện cho phép, chúng tôi sẽ chắc chắn đánh giá cơ hội đầu tư với những lĩnh vực này.

Bất động sản du lịch cũng là một lĩnh vực nhiều hứa hẹn. Lượng du khách đến Việt Nam đạt kỷ lục trong năm 2016 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm nay. Cùng với đó, ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa phát triển bằng cách nước láng giềng như Thái Lan và Malaysia, cho thấy tiềm năng vẫn còn rất lớn.

Thoái vốn thành công

Các quỹ do VinaCapital quản lý đã hoạt động thế nào trong năm 2016?

Các quỹ đều hoạt động rất tốt trong năm vừa qua. 2016 là một năm thành công của Vietnam Opportunities Fund (VOF), quỹ đầu tư hàng đầu của VinaCapital với việc quỹ này chuyển từ sàn phụ (Alternative Investment Market-AIM) sang sàn chính (Main Market) của thị trường chứng khoán London.

Đây là quỹ đầu tư tập trung vào Việt Nam đầu tiên niêm yết trên sàn này, và là tiền đề cho việc VOF vào rổ FTSE All-Shares index.

Kết thúc năm 2016, VOF là quỹ hoạt động hiệu quả nhất Việt Nam với mức tăng trưởng 25,5% (tính theo USD), gần gấp đôi mức tăng trưởng 13,4% của VN-Index (tính theo USD). VCG Partners Vietnam Fund, quỹ mở UCITsdo VinaCapital quản lý đạt mức tăng trưởng vững chắc 12,8%.

Ngoài ra, quỹ đầu tư bất động sản VinaLand đã thoái vốn thành công tại các tài sản chủ chốt, hoàn vốn cho các cổ đông, còn quỹ đầu tư vào cơ sở hạ tầng Vietnam Infrastructure Limited Fund (VNI) gần hoàn thành việc thoái vốn các danh mục của mình.

Những thương vụ thoái vốn nào thành công nổi bật trong năm vừa qua vậy?

Chúng tôi rất may mắn khi các quỹ đã có những thành công kể trong năm 2016. Quỹ VOF đã thoái vốn ra khỏi Công ty Cổ phần gỗ An Cường và Bệnh viện Thái Hòa.

Chúng tôi cũng đã thoái vốn khoản đầu tư tại Công ty THHH Dược Hậu Giang với giá cao hơn giá thị trường. Ngoài ra, VinaCapital còn tham gia vào thương vụ hợp tác đầy hứa hẹn với Warburg Pincus trong lĩnh vực du lịch-khách sạn với phạm vi đầu tư không chỉ bó hẹp tại Việt Nam mà mở rộng ra Đông Nam Á.

Vậy còn điều gì khiến ông vẫn chưa hài lòng không?

Khi thẩm định các khoản đầu tư tiềm năng, chúng tôi đều nghiên cứu và khảo sát rất cẩn thận về hiệu quả trong khá khứ lẫn tiềm năng của dự án/doanh nghiệp trong tương lai. Quá trình thẩm định này rất quan trọng, nhưng nhiều khi cũng tốn rất nhiều thời gian.

VinaCapital cần phải tìm ra cách để rút ngắn thời gian, trong khi vẫn đảm bảo được hiệu quả để không bỏ lỡ bất kỳ một cơ hội tiềm năng nào.

Rót vốn vào ngành nào?

Các quỹ của VinaCapital sẽ đầu tư vào lĩnh vực nào trong năm nay?

Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào các công ty hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng nội địa đang phát triển mạnhcủa Việt Nam. Sẽ là các công ty thực phẩm, đồ uống, vật liệu xây dựng, bất động sản, giáo dục và y tế. Các lĩnh vực này vẫn đang tiếp tục tăng trưởng vững chắc vì tiêu chuẩn sống của người Việt đang tăng lên.

Năm 2017 có thể sẽ nhiều thử thách hơn trong lĩnh vực đầu tư cổ phần, vì chỉ số lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (P/E) đã cho thấy dấu hiệu tăng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều công ty đang được định giá thấp trên thị trường.

Chúng tôi lạc quan và đặc biệt quan tâm đến những cơ hội mới trong lĩnh vực đầu tư tư nhân vì qua đó VinaCapital có thể chủ động giúp công ty phát triển, cùng với đó là các điều khoản đầu tư tốt hơn và có xu hướng sinh lời cao.

Theo ông, những chính sách nào sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và môi trường đầu tư tại Việt Nam trong năm nay?

Chúng tôi tin rằng các nỗ lực đang được thúc đẩy để giúp việc kinh doanh tại Việt Nam thuận lợi hơn sẽ mang đến nhiều lợi ích cho tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước ở mọi quy mô.

Việc cổ phần hóa và lên sàn của các doanh nghiệp nhà nước sẽ tiếp tục có lợi cho cả thị trường chứng khoán lẫn giá trị tài sản của Nhà nước. Những bước đi quan trọng này sẽ tạo niềm tin cho nhà đầu tư và gia tăng thanh khoản của thị trường.

Việc nâng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các ngân hàng có thể là một bước đi tích cực trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, và những thay đổi trong cơ chế chính sách cũng sẽ cho phép Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) thực hiện tốt hơn nhiệm vụ xử lý nợ xấu.

“Thời điểm tuyệt vời để kinh doanh”

Theo ông, điều gì sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và môi trường đầu tư nói chung?

Chúng tôi tin rằng Chính phủ đang đi đúng hướng để khuyến khích tăng dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi cũng kỳ vọng các cải cách quan trọng để làm vững chắc hệ thống ngân hàng, khiến đầu tư từ khu vực tư nhân vào cơ sở hạ tầng trở nên hấp dẫn hơn, tăng tính minh bạch trong công tác cổ phần hóa và lên sàn, giảm thiểu các thủ tục hành chính và tiếp cận gần hơn tới tiêu chuẩn quốc tế.

Nếu áp dụng thành công, những thay đổi này sẽ tạo ra hiệu ứng rất tích cực, giúp nâng cao sức khỏe của các ngân hàng, khiến cho nền kinh tế trở nên mạnh hơn, gia tăng sự tự tin và số lượng tham gia của nhà đầu tư.

Nếu có một lời khuyên dành cho các chủ doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2017, ông sẽ nói gì?

Đây là thời điểm tuyệt vời để kinh doanh tại Việt Nam. Tôi khuyến khích các chủ doanh nghiệp Việt Nam có can đảm để sáng tạo, đầu tư vào các lĩnh vực như công nghệ và marketing để xây dựng thương hiệu.

Hiện tại đang có rất nhiều công ty và thương hiệu tốt tại Việt Nam, và họ cần tìm những hướng đi mới để có thể cạnh tranh với các công ty nước ngoài hiện cũng đang rất hứng thú với thị trường này.

Theo Duy Anh
VnEconomy

Dân Trí Soft kiên trì với phần mềm tính tiền miễn phí vĩnh viễn tặng cơ sở siêu nhỏ và nhỏ.

Vào Google tìm "Phần mềm quản lý bán hàng miễn phí" sẽ cho ra hơn 500.000 kết quả với hàng chục công ty hỗ trợ việc này. Tuy nhiên, Dân Trí Soft vẫn có điểm khác biệt để đạt hơn 23.000 người dùng và ngày càng được tin yêu, vì mấy lý do sau:
1. Dân Trí Soft tin rằng trí tuệ cộng đồng là vô địch, chỉ có cộng đồng mới có sức mạnh lan tỏa điều tốt mạnh mẽ nhất, chỉ có cộng đồng mới giúp nhau chân thành không vụ lợi, học qua cộng đồng là cách thông minh.

2. Hệ thống đào tạo, hướng dẫn sử dụng với hàng trăm video rất chi tiết, được hướng dẫn theo tư duy của người kinh doanh do trực tiếp tôi thực hiện, hướng dẫn đúng nhu cầu người dùng và hàng trăm bài viết chia sẻ từ Dân Trí Soft và cộng đồng người dùng rất thật và chất. Tất cả điều đó là kho báu vô giá, càng dùng nhiều nó lại càng giá trị ra, cũng như bát cơm Thạch Sanh vậy, càng cho đi nó nhận về càng nhiều hơn.

3. Dân Trí Soft nói thật làm thật, với những nguyên tắc rõ ràng từ đầu đều được nêu rõ ở web phanmemmaytinh247.blogspot.com, cái nào là miễn phí, cái nào là mất phí bởi "thà mất lòng trước được lòng sau", tuyệt đối không gian dối. Ví dụ: người dùng bản free sẽ không tốn bất cứ 1 đồng nào khi tự thân vận động, chịu khó xem video hướng dẫn và lịch sự vào group này đăng lên câu hỏi, thường người dễ mến sẽ thu hút được người dễ mến nên việc hỗ trợ từ cộng đồng rất nhanh. Còn người muốn dùng bản free và cần người hỗ trợ trực tiếp, làm theo yêu cầu thì có mức phí niêm yết. Với bản quyền có giá cả công khai trên web.

Do vậy mà Dân Trí Soft mới phục vụ ổn định đến hơn 23.000 người dùng trên toàn quốc trong nguồn lực hữu hạn của mình và người dùng ngày càng tăng.

Dân Trí Soft thẳng thừng từ chối phục vụ người dùng bản free, lười không xem hướng dẫn, muốn được hỗ trợ trực tiếp nhưng không muốn trả tiền. Bởi là con người chúng tôi cần có tiền để sống chứ, hy vọng ngày nào đó con người có thể chỉ hít không khí, uống nước lã là sống được rồi.

Đôi dòng chia sẻ với những con người vô cùng tuyệt vời trong group tràn đầy yêu thương này.

Trích chia sẻ từ anh Cao Trung Hiếu
Sáng lập và điều hành Dân Trí Soft.
www.CaoTrungHieu.com | Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình.

Thứ Tư, 8 tháng 3, 2017

Vua marketing là cái gì, là điều gì?

Bạn rung động nhất trước cái gì, bạn cảm thấy tuyệt vời nhất từ những hành động nào, bạn cảm thấy bạn bị quấn hút ngay từ những cái nhìn, lời nói đầu tiên. Có phải là tiền, có phải là công nghệ, có phải là sự thông minh, có phải là vẻ đẹp hay không?
Big data, Trí thông minh nhân tạo, Itnernet of Thing, Google , Facebook v/v. Tất cả chỉ là tầm thường trước Vua Marketing này.

Chúng ta có thể ngạc nhiên khâm phục tất cả những cái trên nhưng những gì làm cho chúng ta nhớ nhất, những gì chạm vào sâu thẳm của tấm lòng, những gì tạo ra cảm xúc mãnh liệt cho chúng ta. Đó chỉ có thể là lòng tốt, tình thương, sự nhâu hậu, sự hy sinh cho cộng đồng, trái tim nóng bỏng hướng tới nhân bản, sự khát khao cho đi mà không hề tính toán lấy lại của con người hay tổ chức.

Và vũ khí marketing mạnh mẽ nhất, bền bỉ nhất và hiệu quả nhất đó chính là những chương trình những hành động thật sự tạo giá trị cho cộng đồng và xã hội.

Cho đi mà không hề mong nhận lại là vua Marketing.

Để giải thích điều đó rất ngắn gọn. Đơn giản nhất trong sâu thẳm con người chúng ta lòng tốt luôn luôn ngự trị, lòng tốt như là một cảm xúc bản năng không thể kiểm soát bởi não bộ, lòng tốt như một cái gì đó chúng ta khát khao tìm kiếm và chia sẻ trong cả cuộc đời của chúng ta khi có dịp.

Tôi gắn hình Mẹ Terasa một người tôi rất kính trọng và học tập tình thương của bà từ năm 2000 khi tôi biết tới bà. Bà cũng là 1 trong những người ảnh hưởng tới tôi nhiều nhất.

Bài chia sẻ từ facbook anh Vũ Tuấn Anh
Tác giả sách "Khởi nghiệp ngay, sạt nghiệp luôn"

Thứ Hai, 6 tháng 3, 2017

Thuận Thảo (GTT) – từ đầu tàu của tỉnh Phú Yên trở thành “cục nợ” phải cưỡng chế thuế

Thuận Thảo là minh chứng điển hình về một “đại gia” sử dụng nợ ngắn hạn để đầu tư dài hạn, hơn nữa là đầu tư bất động sản vào đúng giai đoạn khó khăn nhất.
Thuận Thảo Phú Yên đầu tư đa ngành nghề.
Năm 1997, sau hơn một chục năm làm Tổng đại lý chuyên phân phối hàng hóa cho 20 công ty trong nước và công ty liên doanh với nước ngoài tại tỉnh Phú Yên, doanh nghiệp tư nhân mang tên Vận tải và Thương mại Thuận Thảo đã được thành lập nên bởi 2 vợ chồng ông bà Võ Văn Thuận và Võ Thị Thanh (Thảo). Công ty phát triển nhanh chóng, trở thành biểu tượng của tỉnh này khi tiên phong tạo nên nhiều cái “đầu tiên”: Siêu thị tư nhân đầu tiên tại Phú Yên, bến xe khách tư nhân đầu tiên của Việt Nam…

Thế nhưng mới đây, Thuận Thảo đã bị Cục Thuế tỉnh Phú Yên ra quyết định cưỡng chế về thuế do nợ thuế quá hạn hơn 100 tỷ đồng, tổng cộng số nợ thuế của “đại gia” là 236 tỷ đồng.

Doanh nghiệp đầu tàu sa vào khủng hoảng

Cho đến trước năm 2010, Thuận Thảo vẫn thể hiện tham vọng tăng trưởng nhanh như vũ bão thông qua việc xây dựng hàng loạt dự án bất động sản như Resort&Spa Golden Beach, khu vui chơi giải trí Thuận Thảo Land, Khách sạn 5 sao Cendeluxe, nhà hát Sao Mai… Khi Tuy Hòa còn là hòn ngọc thô chưa có nhiều đại gia bất động sản đến khai phá, giữa những ngôi nhà thấp tầng và kém khang trang thì Khách sạn 5 sao Cendeluxe của Thuận Thảo được coi là tòa nhà biểu tượng của tỉnh.

Thế nhưng sau khi chọn đúng giai đoạn khủng hoảng kinh tế để đầu tư mở rộng thì từ sau năm 2011, Thuận Thảo sa vào khó khăn không lối thoát.

Năm 2013, Thuận Thảo bất ngờ sụt giảm rất mạnh cả doanh thu lợi nhuận và may mắn thoát lỗ nhờ Chủ tịch hào phóng xóa nợ hàng chục tỷ đồng. Nhưng năm 2014 đến nay, công ty triền miên trong thua lỗ. Tính đến 31/12/2016, lỗ lũy kế là 870 tỷ đồng, Thuận Thảo âm vốn chủ sở hữu tới 423 tỷ đồng. Tất nhiên, nợ phải trả lớn hơn cả tổng tài sản.

Nếu nhìn vào giai đoạn mở rộng của doanh nghiệp này, không khó để thấy rằng nguyên nhân chính dẫn đến những khoản lỗ khổng lồ kia là do doanh thu không đủ đề bù đắp chi phí lãi vay, chi phí khấu hao do đầu tư dàn trải. Công ty luôn ở trong tình trạng tiền làm ra chỉ dùng để trả nợ, mà cũng không đủ. Cùng với việc không có tiền để tu bổ các dự án thì các khu vui chơi, khách sạn và resort của Thuận Thảo càng xuống cấp và kéo theo sự sụt giảm doanh thu.

Không những thế, ở Thuận Thảo còn mập mờ khoản cho vay đối với CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn – một công ty do bà Võ Thị Thanh làm chủ tịch, hoạt động chính là phát triển dự án bất động sản tại huyện Bình Chánh (TP.HCM).

Cùng với kết quả kinh doanh bê bết, toàn bộ 43,5 triệu cổ phiếu GTT của Thuận Thảo đã bị hủy niêm yết trên HoSE từ 30/5/2016 để xuống giao dịch trên UPCoM, đến nay giá chỉ còn 300 đồng.

Bài học từ việc vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn

Thuận Thảo là minh chứng điển hình về một “đại gia” sử dụng nợ ngắn hạn để đầu tư dài hạn, hơn nữa là đầu tư bất động sản vào đúng giai đoạn khó khăn nhất, khi nền kinh tế đang èo uột và lãi suất cho vay thì cao ngất ngưởng. Ví dụ khác cho sự sa chân của những “ông vua” khi quản trị tài chính theo cách này chính là Gỗ Trường Thành (TTF), Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Quốc Cường Gia Lai (QCG) hay nhiều doanh nghiệp bất động sản khác. May mắn hơn, số phận của TTF và HAG chưa thảm khốc như GTT.

Một điểm chung khác đó là việc cho vay, đi vay lòng vòng giữa công ty và những người trong Ban quản trị và công ty thành viên. Nếu như các con số kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào việc bà Chủ tịch xóa nợ hay khoản cho vay đối với một công ty cũng do bà làm Chủ tịch thì đó là một dấu hiệu thực sự không minh bạch.

Thuận Thảo cũng như nhiều doanh nghiệp tư nhân đi lên từ một hộ gia đình kinh doanh, khi đã phát triển thành một doanh nghiệp lớn, họ vẫn giữ mô hình quản trị gia đình với thành viên trong Ban lãnh đạo là người trong nhà. Trong khi đó, với quy mô phát triển lớn hơn xưa rất nhiều thì doanh nghiệp cần thuê những bộ óc chuyên nghiệp về quản trị để điều hành công ty.

Theo Mai Linh
Trí Thức Trẻ

Hướng dẫn sử dụng Dân Trí Soft với chủ shop bán hàng online, có nhiều đơn COD

Phần mềm quản lý bán hàng cửa hàng bán lẽ (POS) Dân Trí Soft có quy tắc quản lý chuẩn là:  bán lẽ không có công nợ (bán hàng thu tiền ngay), bán sỉ thì mới cho công nợ.
Trong thực tế người sử dụng có nhiều trường hợp: Nghiệp vụ phát sinh là có hình thức bán cho khách hàng lẻ, giao hàng thu tiền (COD). Và chủ shop chọn đơn vị vận chuyển là Viettel (hoặc bưu điện hoặc bất kỳ 1 đơn vị giao hàng nào đó). Nhưng hiện tại trong nghiệp vụ bán lẻ của Dân Trí Soft thì không cho công nợ. 

Bài toán đặt ra:

=> Vậy chủ shop muốn quản lý công nợ này (COD), và đến cuối kỳ (hoặc 1 ngày nào đó) muốn đối chiếu công nợ COD với Viettel (hoặc bất kỳ 1 đơn vị giao nhận khác) thì phải làm sao? Hiện nay, đa số các chủ shop vẫn dung file excel để quản lý thủ công.

=> Nếu cho thao tác ở phần hóa đơn bán sỉ, tạo 1 mã khách hàng là Viettel sử dụng bảng giá bán lẻ riêng, vậy 1 bill in ra để gửi kèm với gói hàng với khách lẻ thì phải làm thế nào? (chã nhẽ in tên khách là Viettel gửi cho khách lẽ)!?
----------------------------------

Giải pháp cho bạn đang sử dụng phần mềm quản lý bán hàng #DanTriSoft rất đơn giản như sau:

- Bước 1: chủ shop tạo 1 mã khách hàng là đơn vị vận chuyển, VD Viettel [xem hình minh họa].
- Bước 2: khi xuất bán hàng COD, chủ shop vào màn hình bán sỉ thực hiện xuất bán. [Xem hình minh họa].
- Bước 3: Đến kỳ đối chiếu công nợ COD: thì chủ shop chọn “BC phải thu của một khách hàng” và xuất ra file excel để đối chiếu. Và khi đơn vị vận chuyển trả tiền thì chủ shop chỉ cần nhập số tiền tổng vào, phần mềm tự động phân bổ vào các đơn hàng COD. Khi phần mềm tự phân bổ thì chủ shop sẽ xem được ngay kết quả là ĐV Vận chuyển có trả tiền đủ hết các đơn COD hay không? [xem hình minh họa]
 

Rất đơn giản phải không nào!

Bạn nên xem thêm: Video hướng dẫn quản lý thu/chi, quản lý công nợ bán hàng/mua hàng.

Mình luôn khuyến khích mọi người sử dụng phần mềm bản quyền để được hỗ trợ nhanh nhất nha.

“ Sống là cho, đâu nhận chỉ riêng mình”
Cảm ơn anh #Caotrunghieu đã sáng lập và điều hành #Dantrisoft
P/s: mọi người có phát hiện thêm thì chia sẽ cho nhau biết với nhé.

Bài hướng dẫn và chia sẻ từ ms Ngọc Hợp.