Những nhà lãnh đạo của các công ty, tập đoàn nổi tiếng thế giới như Johnson & Johnson, Ford, Honda… đều có những “cú vấp ngã” đau đớn khi còn trẻ. Nhưng cách họ vươn lên và đạt được thành công là điều mà chúng ta cần phải học tập.
James Burke, CEO Johnson & Johnson: Hãy cứ phạm sai lầm cho đến khi thành công
Bài học xương máu của James E. Burke, nhà lãnh đạo một trong những công ty lớn nhất thế giới - tập đoàn Johnson & Johnson, cũng bắt đầu từ những sai lầm thời trẻ. Khi còn là một giám đốc tiếp thị non kinh nghiệm, James E. Burke đã lập một chiến dịch quảng bá sản phẩm quy mô và tốn kém để tung ra thị trường 3 sản phẩm mới của công ty. Kết quả là cả 3 dòng sản phẩm đều thất bại.
Bất ngờ là Tổng giám đốc điều hành Johnson & Johnson lúc bấy giờ, Robert Wood Johnson, đã vui vẻ chúc mừng thất bại của Jame. Ông nói: "Kinh doanh nghĩa là đưa ra những quyết định và không làm sao tránh khỏi những quyết định sai lầm. Điều tôi cần ở cậu là đừng lặp lại sai lầm đó nữa nhưng hãy nhớ, cứ tiếp tục phạm sai lầm cho đến khi chúng ta có được những chiến lược thành công".
Henry Ford: Thành công từ những lần phá sản
Với đam mê máy móc, cơ khí, năm 1892 Henry Ford rời trang trại của gia đình và đảm nhận công việc bảo trì máy hơi nước cho một nhà máy của Công ty chiếu sáng Edison của nhà phát minh nổi tiếng Thomas Edison. Công việc tại đây giúp ông có cơ hội tiếp xúc với nhiều loại động cơ chạy xăng.
4 năm sau đó, ông đã lắp ráp thành công chiếc xe chạy bằng xăng đầu tiên có tên gọi "Quadricycle". 2 năm sau nữa, ông cho ra đời chiếc xe thứ 2. Lúc này, ông khao khát nghiên cứu sản xuất ô tô chạy xăng.
Sau khi được một lái buôn gỗ đầu tư tài chính, Henry đã thành lập công ty xe hơi đầu tiên. Thế nhưng công ty này chỉ hoạt động được một năm rưỡi thì phá sản vì không tạo ra được lợi nhuận.
Sau đó, ông bắt đầu mượn tiền từ bạn bè và người thân để thành lập công ty thứ 2. Nhưng cuối cùng, ông lại bị chính các cổ đông của mình đuổi khỏi công ty vì họ cho rằng cung cách quản lý của Ford kém hiệu quả.
Thất bại, chán chường nhưng ông không tuyệt vọng và nản chí. Một năm sau, Ford lập nên công ty thứ 3 - Ford Motor. Giờ đây công ty này đã trở thành một trong những tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất tại Mỹ.
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump: Từng bi đát hơn một kẻ ăn xin
Là con của một ông trùm bất động sản nổi tiếng ở New York, Donald Trump đã đạt được thành công từ rất sớm. Tuy nhiên, không phải lúc nào con đường của Donald Trump cũng trải hoa hồng và có những lúc vận may đã “ngoảnh mặt” với ông.
Sự nghiệp kinh doanh của Donald không ít lần lao đao với 4 lần phải tuyên bố phá sản. Từ một tỷ phú lẫy lừng trở thành kẻ trắng tay, nợ nần chồng chất chỉ trong một đêm không còn là chuyện lạ với Trump.
Tình cảnh bết bát nhất của Donald Trump là vào thời điểm cuối những năm 80 khi thị trường bất động sản Mỹ đóng băng, nhà cửa, văn phòng, khách sạn ế ẩm, không cho thuê được, khi nợ vay ngân hàng bủa vây tứ phía.
Ông đã phải bán rất nhiều tài sản để trả nợ nhưng vẫn không thấm tháp vào đâu vì theo một số nguồn tin khi đó con số nợ khổng lồ lên đến 5 tỷ USD. Sau này kể lại, ông đã ví von tình cảnh của mình lúc đó còn “bi đát hơn một kẻ ăn xin không nhà cửa trên đại lộ số 5 nổi tiếng của New York”.
Thế nhưng, vượt qua giai đoạn khủng hoảng khó khăn, Donald Trump vẫn vươn lên trở thành một trong những tỷ phú thế giới và là ông trùm bất động sản cực kì thành công ở Mỹ. Không những thế, trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ 2016, mặc dù bị chỉ trích và đánh giá là yếu thế hơn bà Hillary Cliton, nhưng bằng những cố gắng và nỗ lực phi thường, một lần nữa ông Trump lại giành chiến thắng áp đảo trước đối thủ để trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.
Soichiro Honda, Nhà sáng lập Honda: Không bao giờ đầu hàng nghịch cảnh
Thất bại đầu tiên đến với Soichiro Honda khi ông vẫn đang là sinh viên. Tâm huyết và thức trắng đêm cho dự án nghiên cứu vòng tròn Posion, với ý định bán lại sản phẩm cho Toyota. Nhưng đến ngày hoàn thành, người ta nói với ông rằng vòng piston của ông không phù hợp với tiêu chuẩn của họ.
Thêm 2 năm tiếp tục tranh đấu và cải tiến, rồi một ngày ông đã thành công khi dành được hợp đồng với Toyota. Ông xây dựng một nhà máy để cung ứng sản phẩm cho Toyota. Nhưng vào thời điểm đó, chính phủ Nhật đang ráo riết chạy đua vũ trang và cần bê tông cho các công trình phòng thủ. Vì vậy, ông không có được số vật tư cần thiết cho việc xây dựng nhà máy của mình.
Vẫn không đầu hàng, ông đã phát minh ra một quy trình sản xuất bê tông để xây dựng nhà máy. Tuy nhiên, nhà máy của ông bị máy bay Mỹ oanh kích 2 lần và sắt thép càng trở nên là vật “xa xỉ phẩm” lúc bấy giờ.
Quyết không bỏ cuộc, ông thu lượm những can xăng thừa bị quân đội Mĩ bỏ lại và nó trở thành thứ vật liệu mới giúp ông tái thiết lại xưởng sản xuất của mình. Thế nhưng một trận động đất xảy ra và nhà máy lần thứ 3 bị phá hủy.
Sau chiến tranh, sự thiếu thốn về xăng dầu đã buộc mọi người phải đi bộ hoặc sử dụng xe đạp. Soichiro nhận thấy cơ hội và chế tạo ra một động cơ nhỏ, gắn vào xe đạp của mình.
Ông đã viết thư cho 18.000 cửa hàng kinh doanh xe đạp và hỏi họ xem có thể ứng trước tiền ông xây dựng xưởng sản xuất của mình hay không. Đổi lại, họ sẽ được cung ứng những sản phẩm mới nhất về “xe đạp gắn máy”- xe máy. Cuối cùng, chiếc xe “Super Cub” cũng thành công và gây nên một cơn dư chấn thực sự ở Nhật.
Có thể nói, không nản chí trước thất bại đầu đời, không lặp lại những sai lầm trước đó, luôn mang một niềm tin mạnh mẽ để nắm lấy những cơ hội sau thất bại, chính là những bí kíp tạo nên thành công của các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới.
Khánh Ly
Theo Trí Thức Trẻ
EmoticonEmoticon