Năm 35 tuổi, Jim Koch bất ngờ xin nghỉ việc tại Tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group để thành lập Công ty bia Boston Beer Company, với trụ sở chính là căn bếp của gia đình.
Và 30 năm sau, Boston Beer Company đã trở thành một trong những công ty sản xuất bia hàng đầu ở Mỹ, trong khi Jim Koch trở thành tỉ phú với khối tài sản hiện tại ước tính hơn 1,3 tỉ USD (theo danh sách công bố năm 2016 của tờ Forbes).
Câu chuyện thành công trên của Jim Koch, đã trở thành hình mẫu điển hình, truyền cảm hứng cho rất nhiều công ty startup sau này và chính vì lý do đó mà tờ Forbes đã không ngần ngại gọi ông là huyền thoại startup của nước Mỹ.
Trong một bài trả lời phỏng vấn mới đây trên kênh CNBC, Jim Koch chia sẻ những bí quyết quản trị khác biệt, điều đã giúp ông biến một công ty startup thành một doanh nghiệp thành công, đặc biệt trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt như thị trường bia ở Mỹ, nơi tồn tại toàn những gã khổng lồ như Heineken, Anheuser-Busch InBev (sở hữu các sản phẩm bia như Budweiser, Bud Light)…
Thuê những người có tư duy “ngoài chiếc hộp”
Jim Koch từng học 8 năm tại trường đại học danh tiếng Harvard, sở hữu tới hai tấm bằng đại học danh giá, là J.D (Luật, pháp lý) và MBA (Quản trị kinh doanh), thế nhưng người đầu tiên mà Jim Koch tuyển dụng lại là cô thư ký cũ Rhonda Kallman, người từng làm việc với ông ở Boston Consulting Group, một cô gái mới bước sang tuổi 23 và không có kinh nghiệm gì về bia.
“Khi mới bắt đầu, tôi hoàn toàn có thể tuyển dụng những người có bằng MBA, những người có từ 5-10 năm kinh nghiệm, để làm việc cho mình, thế nhưng tôi đã không làm vậy. Với tôi, một bản lý lịch đẹp không quan trọng bằng năng lượng, sự sáng tạo và lòng quyết tâm mà ứng viên đó thể hiện. Tôi luôn thích những người có tư duy vượt ra ngoài chiếc hộp. Và quyết định tuyển dụng đầu tiên của tôi, Rhonda Kallman, là một trong những quyết định tuyển dụng tốt nhất mà tôi từng thực hiện”.
Theo Jim Koch, trong 15 năm gắn bó với Boston Beer Company, Rhonda Kallman luôn giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Cô luôn nỗ lực để hiểu khách hàng, hiểu những quán bar, hiểu tất cả những hãng bia đối thủ trên thị trường.
Cô cũng chính là người hiện thực hóa mục tiêu bán hàng của Jim Koch bằng cách xác định cụ thể 100 quán bar sẽ là khách hàng mục tiêu của sản phẩm bia Samuel Adams (sản phẩm bia đầu tiên được công ty giới thiệu), xây dựng nên đội ngũ bán hàng cho công ty. Cô cũng là người kiên trì theo đuổi những mục tiêu của công ty đến cùng.
“Chính tư duy vượt ra ngoài khuôn khổ, sự hăng hái và nguồn năng lượng vô tận của Rhonda Kallman đã giúp tôi rảnh tay để tập trung tối đa vào việc sản xuất bia và các hoạt động khác”.
Giúp tất cả nhân viên hiểu rõ công ty
Trong phong cách quản trị của Jim Koch, tất cả nhân viên, dù ở phòng ban nào, cũng đều phải hiểu được công ty đang kinh doanh thứ gì và giá trị của sản phẩm đó ra sao trên thị trường. Cụ thể, Jim Koch luôn muốn toàn bộ nhân viên công ty hiểu được tinh thần của nghề làm bia cũng như các khía cạnh khác nhau của nghề này.
Theo đó, Jim Koch thường phát động các cuộc thi trong nội bộ công ty, một cuộc thi tiêu biểu trong số đó là thi ủ bia tại nhà (home-brew kits) cho mọi nhân viên để khuyến khích họ sáng tạo những hương vị mới. Sau mỗi năm, sản phẩm bia tại nhà của hàng trăm nhân viên sẽ được tập hợp lại để chấm điểm dưới một quy trình khắt khe và chuyên nghiệp, từ đó chọn ra một người chiến thắng.
Công thức chiến thắng sẽ được công ty áp dụng, đưa vào sản xuất và phân phối thí điểm trên khắp nước Mỹ. Ngoài ra, vỏ chai bia đó sẽ được in tên và hình ảnh của chính người sáng tạo ra nó.
“Điều làm tôi tự hào nhất, trong cuộc thi này, không phải là những công thức bia mới, mà đó là những người chiến thắng cuộc thi thường đến từ các phòng ban như kế toán, bán hàng, kỹ thuật… – những người luôn bị xem là suốt ngày chỉ cắm đầu vào chiếc điện thoại hay màn hình máy tính, trong khi những gã chuyên ủ bia, những gã ngày qua ngày tiếp xúc với sản phẩm của công ty, thì lại chẳng mấy khi được đề tên lên bảng vàng”.
Tuyển dụng chậm, sa thải nhanh
Một trong những quy tắc quản trị làm nên tên tuổi của Jim Koch, chính là tuyển dụng nhân sự một cách chậm chạp nhưng sa thải nhân viên một cách nhanh chóng.
“Chúng tôi có một quy tắc, đó là tuyển dụng chậm và sa thải nhanh. Sở dĩ việc tuyển dụng luôn mất thời gian, vì chúng tôi phải tạo ra một quy trình phỏng vấn tỉ mỉ, kỹ lưỡng, chi tiết để tìm ra người có những tố chất, kinh nghiệm, những biểu hiện phù hợp với tính chất và đặc thù mà vị trí còn trống đòi hỏi. Chúng tôi luôn cố gắng thuê những nhân viên ở một đẳng cấp cao hơn mức trung bình của toàn công ty, đồng thời có lộ trình cụ thể để theo dõi và thúc đẩy sự phát triển của họ trong tương lai. Chúng tôi không bao giờ thuê một ứng viên do sự gấp rút của thời gian”.
Jim Koch cũng nói vui, kỷ lục hiện nay cho thời gian thuê một nhân viên của công ty thuộc về một cô gái tên là Andrea, khi Jim Koch cùng đội ngũ của mình mất tới 18 tháng, trải qua hàng ngàn hồ sơ và hàng trăm cuộc phỏng vấn, mới tìm ra cô.
“Và cũng chính bởi chúng tôi đã có quy trình và kế hoạch rất cụ thể từ trước cho các vị trí, nên khi một nhân viên có vấn đề, chúng tôi có thể biết ngay mình cần làm gì để chấn chỉnh cũng như đưa ra những đánh giá nhanh chóng cho việc có nên giữ người ấy lại công ty hay không. Bởi nhân sự là một vấn đề vô cùng quan trọng, nên bạn càng chậm giải quyết vấn đề chừng nào, thì tác hại mà nó gây ra sẽ càng lớn chừng đó”.
Theo PHẠM TÚ
Doanh nhân Sài Gòn
EmoticonEmoticon