Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

Microsoft đang rục rịch "tiến quân" tham gia lĩnh vực sản xuất người máy

Có vẻ như Google không phải là công ty duy nhất có ý định đi lên mặt trăng bằng người máy rồi.
Nhóm nghiên cứu công nghệ Microsoft nghiên cứu đang tuyển người để tham gia dự án Aerial Informatics and Robotics (AIR) của họ, theo như Mary Jo Foley – đại diện của Microsoft cho biết.

Đội ngũ này sẽ chịu trách nhiệm “xây dựng những robot bay thông minh, tự động đảm bảo an toàn và thực hiện được những ứng dụng có ảnh hưởng tốt tới xã hội.” Nghiên cứu của họ sẽ tập trung vào những máy móc, robot thông minh, có khả năng hỗ trợ phương tiện bay/drone không người lái cũng như máy bay thương mai, theo như Microsoft miêu tả trên website.

Aerial Informatics and Robotics cũng chia sẻ mục tiêu của mình là:

“Việc tổng hợp các thuật toán và hệ thống này cho phép hỗ trợ các phương tiện bay như drone bốn cánh, máy bay cỡ nhỏ và máy bay thương mại. Những ứng dụng bao gồm giám sát radar, dự báo thời tiết hay cho khả năng kết nối điện tử,…”

Microsoft tỏ ra rất nghiêm túc về việc này, họ đã viết trong bảng tin tuyển dụng dành cho nhóm Strategic Prototying của Microsoft Research là “tìm kỹ sư phát triển phần mềm nổi bật để tiến hành nghiên cứu nhiều phương diện khác nhau của người máy, với mục tiêu là cho ta được những con robot tự động.”

Microsoft còn có những đội ngũ chế tạo robot khác, như Ambient Computing & Robotics.

“Nhóm Ambient Computing & Robotic đang làm ra những ứng dụng cho kỷ nguyên của máy tính, AI biết nhận thức, và máy móc tự động thay thế cho con người tại nơi làm việc. Chúng tôi sẽ sử dụng phương thức này để biến những công việc chân tay tại công trường, khu vực mang vác hành lý, bệnh viện, nhà máy, nhà hàng, trang trại và nhiểu hơn nữa,… thành nghĩa vụ của robot. Một khía cạnh quan trọng của công việc này đó là đánh giá xem liệu những người máy này có gây ảnh hưởng tới nền kinh tế đối với người dân hay không.”

Trong một ghi chú khác họ cũng cho biết:

“Chúng tôi đang xây dựng hàng loạt những app mới được thiết kế cho những công việc nặng nhọc và hoạt động nhờ dịch vụ đám mây, kết nối những thiết bị điện tử và các cảm biến với nhay, do nhiều thuật toán machine learning hiện đại có thể nhận ra người dùng cũng như hoạt động của họ và hỗ trợ họ làm việc, giải quyết những tình huống khẩn cấp.

“Bạn có háo hức muốn làm việc cho dự án V1 – kết hợp phần cứng (camera, mic thoại,…), phần mềm (dịch vụ đám mây, ML, máy tính, công nghệ thực tế ảo) và sẽ định nghĩa lại những công việc nặng nhọc, chân tay mà con người phải thực hiện? Bạn có muốn là một phần của cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4? Vậy thì hãy tham gia vào đội ngũ làm việc của chúng tôi!”

Mary Jo Foley cũng nói rằng vào tháng 9/2016, Microsoft đã đầu tư một khoản tiền vào công ty Sarcos Robotics – một nhà phát triển robot bốt công nghiệp tự động. Sarcos đã làm ra dòng robot Duardian có tác dụng thực hiện những công việc nguy hiểm tại công trường, nhà máy sản xuất xăng, dầu, khai thác quặng, quân đội,…

Việc Microsoft hé lộ HoloLens gây bất ngờ cho giới công nghệ, dù đã có một số thông tin xoay quanh những bằng sáng chế và hình ảnh rò rỉ trước đó. Tuy nhiên một con robot thì khó “giấu giếm” hơn nhiều, và chúng ta cũng không nên quá ngạc nhiên khi thiết bị này xuất hiện trong sự kiện lớn tiếp theo của họ.

Theo MSpoweruser

Theo Tuấn Hưng dịch
Trí Thức Trẻ

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

5 nguyên tắc để thành công mà mọi doanh nhân đều phải học từ ông chủ Facebook

Phân định rõ ràng giữa tình thân và lợi ích doanh nghiệp, luôn hành động nhanh và độc đáo, giảm bớt các tiểu tiết, suy nghĩ cho kế hoạch lớn nhưng bắt đầu từ những điều nhỏ nhất... là bí quyết Mark Zuckerberg xây dựng Facebook thành công.
Mark Zurkerberg - sáng lập và CEO Facebook
Chỉ vài năm trước thôi, khi Facebook gặp nhiều nguy hiểm. Nhiều ý kiến cho rằng Mark Zurkerberg không phải được sinh ra để làm CEO. Tất nhiên, thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Hiện nay, Facebook đã trở thành mạng xã hội phổ biến nhất trên thế giới, với tổng số vốn hóa trên 300 tỉ USD. Vậy, chúng ta có thể học điều gì từ thành công của những người lãnh đạo Facebook?

1. Phân định rạch ròi giữa công việc và tình bạn

Một trong những bài học sâu sắc chúng ta cần học từ Mark Zukerberg là khả năng phân định rạch ròi mối quan hệ cá nhân và công việc kinh doanh. Mark đã chủ động đề nghị những người đồng sáng lập Facebook tách cổ phần khi cảm thấy họ không còn tạo thêm giá trị cho công ty. Tất nhiên, những thành viên sáng lập Facebook vẫn đặt tình bạn lên trên lợi ích của công ty. Nhưng sự nhạy bén và trách nhiệm của họ đã không còn phù hợp với công ty khi mà quy mô của Facebook ngày càng lớn. “Khi những thành viên sáng lập trở thành những người quản lý nhỏ bé, họ sẽ ngăn sự phát triển tiếp theo của danh nghiệp”, Mark chia sẻ.

2. Hành động nhanh, phá vỡ quy tắc

Quy tắc này thể hiện triết lý hoạt động độc đáo của Facebook: đề cao sự đổi mới và tốc độ. Trong khi hầu hết các doanh nghiệp đấu tranh để bảo tồn cơ sở thành công nền tảng của họ, Mark khẳng định, những ý tưởng đột phá là điều cần thiết và doanh nghiệp của anh chuyển đổi liên tục. Điều này khiến Facebook thành công rực rỡ khi phát triển theo định hướng linh hoạt và phù hợp với xu thế.

3. Càng thêm nhiều chi tiết, càng khó hoạt động

Ban đầu, HouseSYSTEM là một ý tưởng nền tảng mạng xã hội cạnh tranh với Facebook. Chủ nhân của ý tưởng này, Aaron Greenspan từng đề nghị hợp tác với Mark. Nhưng anh trả lời rằng: “Nó đã quá hữu ích. Khi xây dựng sản phẩm những tiện ích cho người dùng là điều quan trọng. Nhưng nhà sản xuất chỉ nên lựa chọn những tiện ích thực sự cần thiết cho trải nghiệm người dùng. Nhồi nhét quá nhiều công cụ cho sản phẩm sẽ khiến nó hoạt động vào giây phút quan trọng nhất và có thể khiến sản phẩm của bạn thất bại”.

4. Nghĩ điều lớn lao, nhưng bắt đầu từ những điều nhỏ bé

Mark ra mắt Facebook với một thị trường mục tiêu thực sự nhỏ và dễ tiếp cận: sinh viên đại học. Khi Facebook trở nên quen thuộc, Mark mở rộng quy mô đối tượng tiếp cận và hướng đến nhiều nhóm đối tượng hơn nữa. Khi bắt đầu sự nghiệp, bạn nên suy nghĩ đến một mục tiêu lớn, nhưng hãy bắt đầu với những điều nhỏ. Đạt được nhiều mục tiêu nhỏ, kế hoạch lớn của bạn sẽ thành công vào một ngày không xa.

5. Luôn kết nối với sản phẩm

Mark chưa một giây nào ngừng theo dõi sản phẩm của anh. Mọi hoạt động từ sản phẩm Facebook luôn được “cha đẻ” dõi theo. Dù vai trò của bạn là CEO, quản lý hay một nhân viên, hiểu sâu, hiểu rõ về sản phẩm là điều quan trọng để đảm bảo mọi thứ hoạt động trơn tru và không bước nào bị lỏ lỡ.

Theo Hoài Trần
Trí Thức Trẻ

CEO Microsoft chia sẻ bí quyết lèo lái công ty vượt sóng gió trong suốt 3 năm qua

“Tại Microsoft, không một phận nào còn có thể dựa vào lối làm việc cũ được nữa.”
CEO Microsoft Satya Nadella
Khi CEO Satya Nadella bắt đầu lên nắm quyền điều hành Microsoft vào đầu năm 2014, công ty đang mắc kẹt trong một mớ bòng bong: Sự nổi lên của iPhone và Android đã khiến Windows dần rơi vào quên lãng. Microsoft thời điểm đó cũng thường được biết đến với những chiến lược kinh doanh cứng rắn chứ không phải đột phá sáng tạo.

Giờ đây, gã khổng lồ phần mềm không chỉ lấy lại được phong độ mà còn bước sang một chương huy hoàng mới, và Nadella chính là người có công thực hiện những thay đổi mang tính chiến lược để định hình lại bộ máy cũng như văn hóa công ty. Trong buổi báo cáo với các cổ đông vừa qua, Nadella đã chia sẻ về bí quyết thành công trong một câu nói ngắn gọn:

“Tại Microsoft, không một phận nào còn có thể dựa vào lối làm việc cũ được nữa.”

Để minh họa, ông đã lấy ví dụ về cách Microsoft thay đổi chỉ số đánh giá kết quả kinh doanh của mình. Trước đây, công ty thường đánh giá độ lớn của các thương vụ qua số lượng PC và server cài đặt phần mềm của Microsoft, thế nhưng nay, họ đã chuyển sang đo lường bằng “mức độ tiêu thụ dung lượng đám mây (trong nhiều trường hợp)” – ý nói đến các mảng dịch vụ đang tăng trưởng nhanh như bộ Office 365 và nền tảng điện toán Microsoft Azure.

Nadella cho biết chuyển sang hướng suy nghĩ này là một thay đổi mang tính nền tảng trong nội bộ, nhưng cuối cùng thì nó vẫn cần được thực hiện để đảm bảo rằng công ty luôn tập trung vào đúng thứ cần tập trung cũng như đi giải quyết đúng những vấn đề quan trọng.

Ở điểm này, vị CEO gốc Ấn cũng thể hiện rõ lối “tư duy tăng trưởng” của mình. Trong một bản ghi nhớ năm 2015, ông cũng từng nhắn nhủ với các nhân viên của mình rằng: “Chúng ta cần sẵn sàng dấn thân vào sự bất định, dám mạo hiểm và nhanh chóng sửa đổi mỗi khi gặp sai lầm. Cần hiểu rằng thất bại xảy đến trên đường cũng là để chúng ta chế ngự mà thôi.”

Khi các chuyên gia phân tích hỏi về việc liệu có phải Microsoft đang thực hiện một thay đổi lớn trong chiến lược bán hàng, ông đã trả lời rằng công ty luôn luôn thay đổi chiến lược mỗi khi phát hiện ra những cơ hội mới và tìm cách nắm bắt chúng.

Cú chuyển mình này có thể chóng vánh ngoài sức tưởng tượng đối với một tập đoàn khổng lồ như Microsoft, thế nhưng đối với Nadella, chặng đường 3 năm ấy chẳng hề ngắn ngủi như người ngoài nhìn vào.

Theo Ngocmiz
Trí Thức Trẻ

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2017

Ông Nguyễn Đức Tài, chủ tịch Thế Giới Di Động chia sẻ về hai vũ khí sống còn của hệ thống

Ngay trước phiên tọa đàm "Nghĩ quốc tế - Làm quốc gia" là phần chia sẻ của ông Nguyễn Đức Tài về câu chuyện xây dựng Thế Giới Di Động. Ông Tài chia sẻ theo kiểu hỏi đáp ngẫu nhiên. Ở đó, người dẫn chương trình và khán giả đặt câu hỏi mà họ quan tâm, ông Tài trả lời.
Ông Nguyễn Đức Tài, chủ tịch Thế Giới Di Động chia sẻ
Nội dung câu hỏi đa dạng. Không phải tất cả nhưng phần lớn các câu hỏi đều được trả lời. Thông tin phản hồi ít nhiều hữu ích với các bạn trẻ. TBKTSG Online tổng hợp, lược ghi những chia sẻ của ông Tài trong phần này.

Với câu hỏi của chị Trương Lý Hoàng Phi, người dẫn dắt cuộc đối thoại 1 - 1 về những yếu tố giúp xây dựng và phát triển một chuỗi thành công, theo tôi, gồm có hai yếu tố là hệ thống quản trị, giám sát và con người thực thi.

Nhiều người nói mới khởi nghiệp, không có tiền để xây hệ thống? Tôi cho đây chỉ là cái cớ. Chúng tôi đã bắt đầu ý thức về việc phải xây hệ thống quản trị ngay từ khi đưa cửa hàng thứ hai ra thị trường. Thời đó, một cái ở Nguyễn Đình Chiểu, một cái ở Cộng Hòa, cách xa nhau. Nếu không xây hệ thống, sẽ không thể quản lý tốt được.

Kế đến, khi mở rộng ra các tỉnh khác, cửa hàng đầu tiên ở ngoài TPHCM, chúng tôi quyết định chọn đặt tại Buôn Ma Thuột. Đơn giản, bởi nơi đó xa. Và xa thì phải bắt buộc quản lý từ xa. Đó là cách chúng tôi thử nghiệm. Thử nghiệm chạy ổn ở đó rồi chúng tôi mới tự tin mở rộng sang các tỉnh thành khác.

Lúc đầu, không nhiều tiền, chúng tôi phải tính toán kỹ mọi thứ và chi tiêu tiết kiệm, ví dụ như với máy tính thì dùng máy đã qua sử dụng. Tôi cho rằng luôn có nguồn lực phù hợp cho mỗi giai đoạn. Đó là câu chuyện thuộc về nhận thức, chứ không phải tài chính.

Về nhân sự, để có đội ngũ nhân sự tốt - nền tảng của một dịch vụ tốt, cần phải hiểu rõ động lực của một người khi đi làm. Động lực đầu tiên là tài chính. Kế đến là niềm vui trong công việc.

Để nhân viên có được niềm vui trong công việc, chúng tôi xây dựng môi trường dân chủ, công bằng. Đồng thời phân quyền tối đa để nhân viên có sự tự chủ trong công việc. Ở TGDD, người nắm rõ công việc nhất sẽ là người đưa ra quyết định chứ không phải người ngồi ở vị trí cao nhất.

Khi mở rộng TGDD, vị trí 40 cửa hàng đầu tiên do tôi chọn. Từ cửa hàng 40 đến 80 do người khác được tôi hướng dẫn và chuyển giao dần theo thời gian. Và từ sau cửa hàng số 80, tại TGDD đã có rất nhiều nhân viên được phân quyền để đưa ra quyết định cửa hàng nên được đặt ở đâu. Dĩ nhiên bên cạnh việc phân quyền, vẫn cần đặt ra những tiêu chí cụ thể để quản lý, ví dụ như tỷ lệ chi phí thuê mặt bằng trên tổng doanh thu và một số yếu tố khác.

Khi số cửa hàng TGDD tăng trưởng nhanh, làm sao có thể "nhân bản" đủ đội ngũ quản lý để đảm nhận công việc?

Theo tôi, chỉ có cái gì đơn giản mới dễ nhân bản. Và chúng tôi đặt ra yêu cầu cho người quản lý đơn giản. Chỉ cần họ đáp ứng đủ hai yếu tố: một là biết cách phục vụ khách hàng; hai là biết động viên nhân viên. Những việc phức tạp còn lại, ví như lập báo cáo cuối ngày, chuẩn bị hàng cho những ngày kế tiếp... tất cả những việc này, hệ thống quản trị được xây dựng sẽ hỗ trợ người quản lý.

Về tài chính, chúng tôi trả lương cho nhân viên theo triết lý cùng làm cùng hưởng. Đây là cách chúng tôi làm khi đã kinh doanh tốt.

Còn khi mới khởi nghiệp, tôi chọn cách khác. Thời gian đầu, tôi thuyết phục người bạn về làm giám đốc tài chính cho chúng tôi. Mức lương anh ấy được trả là 200 đô la Mỹ, thấp hơn 800 đô la so với mức lương anh ấy đang nhận ở nước ngoài.

Thế nhưng anh ấy vẫn về làm cùng chúng tôi. Lý do? Bởi tôi đề xuất với anh ấy một tương lai, chứ không phải một vị trí công việc. Tôi chia sẻ với anh ấy rằng, chúng ta làm cái này, nếu thành công, sẽ như thế này... nếu thất bại thì tôi và anh đi bụi. Anh ấy tin tôi, tin vào tương lai của công ty và quyết định đi cùng.

Về lời khuyên lứa tuổi nào phù hợp để khởi nghiệp, theo tôi, không ai chọn tuổi để khởi nghiệp cả. Tuy vậy, đừng quá già, và cũng đừng quá trẻ. Già quá, rủi ro, không có cơ hội làm lại. Trẻ quá, dễ nản khi gặp khó khăn, chưa kể tính háo thắng và chủ quan cũng không tốt cho khởi nghiệp.

Đức Tâm
Saigontimes

“Chính phủ, doanh nghiệp cùng liêm chính”

Chính phủ nỗ lực xây dựng Chính phủ liêm chính, nhưng cũng đòi hỏi doanh nghiệp đi bằng chính đôi chân của mình, theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ...
Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.
2016 là một năm đặc biệt với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, với nguồn cảm hứng từ hàng loạt thông điệp, chính sách và hành động mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của Chính phủ. 

“Khi nỗ lực để xây dựng một Chính phủ liêm chính và tạo điều kiện tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp, Chính phủ cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực xây dựng văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh liêm chính, đi bằng chính đôi chân của mình”, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chia sẻ trước thềm xuân mới.

“Cởi trói” tối đa

Một điểm sáng nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2016 là sự phát triển bùng nổ về số lượng doanh nghiệp. Theo ông, điều gì tạo ra sự bùng nổ này?

Văn kiện Đại hội Đảng 12 lần đầu tiên chính thức xác định khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Quan điểm phát triển kinh tế tư nhân của Đảng bao hàm trong đó có cả việc tiếp tục khẳng định quan điểm của các kỳ Đại hội trước.

Đồng thời, có những nội dung phát triển mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn của sự nghiệp cách mạng, tạo những đột phá mới về môi trường đầu tư kinh doanh và điều kiện thuận lợi cho phát triển khu vực này tương xứng với vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong bối cảnh tinh thần “quốc gia khởi nghiệp” và sự hội nhập quốc tế của Việt Nam đang diễn ra sâu rộng.

Quốc hội cũng đã thông qua hàng loạt luật như Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi)... và những dự luật này bắt đầu tạo ra hiệu ứng tích cực cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Về phía Chính phủ, đó là sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ để vực dậy khu vực kinh tế này. Chính phủ xác định rất rõ quan điểm trong chỉ đạo, điều hành là phải quyết tâm ngay từ đầu mới có thể đạt được kế hoạch tăng trưởng kinh tế 5 năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng 12. Muốn vậy, một trong những giải pháp trọng tâm của Chính phủ là tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Chúng ta cũng biết là ít ngày sau khi được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ vào trung tuần tháng 4/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã triệu tập hội nghị doanh nghiệp, với sự tham gia của 4 phó thủ tướng, 17 bộ trưởng, trưởng ngành và đông đảo doanh nghiệp ở tất cả các thành phần kinh tế.

Sau hội nghị này, lần đầu tiên Chính phủ ban hành một nghị quyết riêng cho doanh nghiệp là Nghị quyết 35, tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ mang tính đột phá về cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm quyền kinh doanh, tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh...

Đồng thời với Nghị quyết 35, Chính phủ tiếp tục bổ sung lần thứ hai nội dung Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cùng với Chính phủ, 63/63 địa phương của cả nước đều tuyên bố cam kết tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Đặc biệt, một số địa phương điển hình như Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Tháp... tạo được sự chuyển biến rất tích cực tới sự phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn.

Chuyển động đồng tốc

Chính phủ quyết tâm làm trong sạch môi trường kinh doanh, nhưng quyết tâm này không thể từ một phía bởi có không ít doanh nghiệp sẵn sàng “đi đêm” để đổi lại là quyền lực, là lợi ích nhóm làm méo mó môi trường này, thưa ông?

Đúng là như vậy.

Tôi cũng đã phải nghe rất nhiều ý kiến từ chính doanh nghiệp than phiền về tình trạng một bộ phận doanh nghiệp thay vì làm ăn chân chính lại chạy theo quan hệ thân hữu để mưu cầu lợi ích, không chỉ làm môi trường kinh doanh kém trong sạch mà còn làm nản lòng những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Vì vậy, khi nỗ lực để xây dựng một Chính phủ liêm chính và tạo điều kiện tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp, Chính phủ cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực xây dựng văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh liêm chính, đi bằng chính đôi chân của mình.

Không chỉ các doanh nghiệp mà các bộ, ngành, địa phương cũng phải gắng sức chuyển động đồng tốc cùng Chính phủ?

Những quan điểm và giải pháp quyết liệt của Chính phủ trong các nghị quyết 19 và 35 có thể ảnh hưởng tới quyền lợi và lợi ích cục bộ của các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan, nên nguy cơ bị trì hoãn hoặc thực hiện không nhất quán, không quyết liệt, không thực chất là rất lớn, làm chậm quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế nói chung.

Lãnh đạo các ngành, các cấp cần vượt qua được chính mình, vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, vượt qua tư duy ngại khó, ngại khổ.

Phải biến khó khăn thành cơ hội để đạt mục tiêu cao hơn, vượt qua lợi ích cục bộ để hướng tới liên kết chặt chẽ giữa các ngành, vùng hiệu quả hơn, tránh bị cát cứ, chia cắt.

Để tiếp tục thống nhất nhận thức và hành động trong toàn xã hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 tới danh mục các luật, pháp lệnh cần ban hành hoặc bổ sung sửa đổi để hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Xử lý thua lỗ

Một điểm nhấn nữa rất đáng chú ý, là 2016 cũng là năm Chính phủ thể hiện thái độ cứng rắn nhất từ trước đến nay trong xử lý các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ... Thông điệp từ động thái này là gì, thưa ông?

Chính phủ quyết tâm xử lý dứt điểm các tồn tại trong doanh nghiệp Nhà nước để việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020 đạt được hiệu quả thực chất. Đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước phải được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác.

Hiện, Thủ tướng đã quyết định thành lập ban chỉ đạo của Chính phủ giúp Chính phủ, Thủ tướng xử lý những yếu kém của một số nhà máy, dự án thua lỗ thuộc ngành công thương. Tinh thần xử lý các dự án, nhà máy này là phải rất quyết liệt, khẩn trương, đồng bộ, đồng lòng, hợp sức, bảo đảm tới hết năm 2017 phải có chuyển biến căn bản về kết quả xử lý, phấn đấu tới hết năm 2018 cơ bản xử lý xong các dự án, doanh nghiệp này.

Nghị quyết 05 của Hội nghị Trung ương 4 khóa 12 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng đã nêu rất rõ: “Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo nguyên tắc và cơ chế thị trường”.

Còn để chậm trễ trong xử lý là còn chưa thực thi tốt trách nhiệm với việc sử dụng hiệu quả tiền thuế của nhân dân, sự phát triển của đất nước.

Cùng “nằm gai nếm mật”

Năm 2017 dự báo thiên tai sẽ vẫn diễn biến phức tạp, thêm vào đó nguồn vốn ngân sách ngày càng hạn chế, tình hình quốc tế khó lường…, Chính phủ sẽ làm thế nào để dẫn dắt nền kinh tế đạt được các chỉ tiêu quan trọng cũng như duy trì được sức phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, thưa ông?

Tôi có niềm tin rằng, khi Chính phủ và các địa phương nỗ lực tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, coi sự phát triển của doanh nghiệp là sự phát triển của nền kinh tế, thì thách thức nào cũng có thể vượt qua.

Như trong năm 2016, tại một số tỉnh miền Tây Nam Bộ phải chịu những tháng ngày khốc liệt vì hạn hán và xâm nhập mặn sâu, nhưng kinh tế ở các địa phương này vẫn phát triển sôi động với liên tục các nhà máy được khởi công, đi vào hoạt động và có hiệu quả khi lãnh đạo các địa phương đều xác định trách nhiệm của mình là phải “nằm gai nếm mật” cùng doanh nghiệp.

Chỉ đạo, nghị quyết của Chính phủ dù hay đến đâu cũng chỉ là trên giấy, nếu lãnh đạo địa phương không tích cực vào cuộc.

Năm 2017, các cấp, ngành phải thực hiện quyết liệt các Nghị quyết số 19 và 35 ngay từ những ngày đầu năm mới. Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc tinh thần các Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ, quán triệt đến cấp quận, huyện, phường, xã, chỉ đạo thực hiện một cách chủ động, quyết liệt và hiệu quả.

Lực cản là từ nhận thức

Vẫn câu chuyện thiên tai, đây cũng đang là mối đe dọa lớn chưa từng có trong nhiều năm qua. Vì thế, đã có nhiều chuyên gia cho rằng nhiệm kỳ này, GDP rồi cũng sẽ tiếp tục hụt đích như nhiệm kỳ trước. Xin cho biết ý kiến của ông?

Như tôi vừa nói, Chính phủ luôn có một quyết tâm là đạt mục tiêu tăng trưởng 5 năm theo mục tiêu đã đề ra dù dư địa giúp chúng ta đạt được mục tiêu này là rất ngặt nghèo.

Với bản lĩnh mới, cách làm mới, tư duy mới, Chính phủ chắc chắn sẽ vững vàng vượt qua thách thức, củng cố được niềm tin cho người dân về một thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Gần hai thập kỷ trước, vào thời kỳ những năm 1997-1998, Việt Nam cũng trải qua đợt El Nino mạnh kỷ lục gây ra hạn hán nghiêm trọng. Thời kỳ 1997-1998 còn là thời kỳ khủng hoảng kinh tế bao trùm châu Á và cả Việt Nam.

Trong bối cảnh phải chịu thách thức kép như vậy, GDP cả giai đoạn 1996-2000 vẫn đạt được mức tăng bình quân 7,6%/năm. Vì vậy, những thách thức đến từ thiên tai hiện nay, không phải là lực cản quá lớn đối với đất nước.

Vậy đâu mới thực sự là lực cản, thưa ông?

Khi chúng ta theo đuổi mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của đất nước, thì lực cản chính là từ nhận thức của chúng ta đối với việc vận dụng thành công thể chế kinh tế thị trường vào nền kinh tế đất nước.

Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế ở 5 lĩnh vực trọng tâm (cơ cấu lại khối doanh nghiệp mà trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng mà trọng tâm là các ngân hàng thương mại, cơ cấu lại đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công, cơ cấu lại thu chi ngân sách gắn với đảm bảo bền vững nợ công và cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập - PV) là quá trình phức tạp, đầy khó khăn nhưng cấp bách và phải được triển khai quyết liệt.

Từ các kịch bản tái cơ cấu nền kinh tế cho thấy, chỉ có thực hiện quyết liệt mới đảm bảo việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội 2016-2020 như đã đề ra.

Theo Linh Tâm
VnEconomy

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2017

(Saigontimes) Phần mềm quản lý bán hàng: cho trước nhận sau

(TBKTSG Online) – Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng các hộ kinh doanh cá thể sẽ được sử dụng phần mềm quản lý bán hàng miễn phí Dân Trí Soft từ năm 2017.
Anh Cao Trung Hiếu hướng dẫn cho các chủ doanh nghiệp dùng phần mềm Dân Trí Soft. Ảnh: TL.
Theo số liệu từ công ty khảo sát thị trường TNS, hiện nay trên cả nước có gần 600.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng 1,3 triệu hộ kinh doanh cá thể sản xuất các mặt hàng tiêu dùng và kinh doanh các loại hình dịch vụ như quán ăn, nhà hàng, tạp hóa… Đây là những khách hàng tiềm năng mà Dân Trí Soft đang nhắm đến.

 “Nếu các doanh nghiệp nhỏ không ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị, họ sẽ bị tụt hậu, không duy trì được sự cạnh tranh với các cửa hàng tiện lợi, chuỗi bán lẻ và cung ứng dịch vụ khác”, anh Cao Trung Hiếu, giám đốc Công ty Khai Dân Trí sản xuất phần mềm Dân Trí Soft nhận xét.

Ý tưởng Dân Trí Soft được anh Hiếu thai nghén từ năm 2009. Đến năm 2013, khi gia đình anh mở một quán cà phê lớn ở Bà Rịa, anh đưa phần mềm này vào ứng dụng và liên tục cải tiến để tối ưu hóa các tính năng cho người dùng. Sau đó, anh Hiếu quyết định tập trung phát triển phần mềm.

Đầu năm 2015, Dân Trí Soft ra mắt rộng rãi, miễn phí dùng vĩnh viễn cho các nghiệp chủ 3 module chuyên về tính tiền là module quản lý hệ thống, module danh mục, module bán hàng. Trong 2 năm 2015 và 2016 đã có hơn 22.000 cơ sở kinh doanh đã tiếp cận và ứng dụng Dân Trí Soft vào quản trị kinh doanh.

Năm 2017, công ty Khai Dân Trí quyết định miễn phí sử dụng bản full Dân Trí Soft cho các nghiệp chủ, gồm tất cả các module: Quản lý hàng hóa, giá cả; Quản lý kho hàng, nhập xuất tồn, tính định lượng; Quản lý công nợ phải thu, phải trả; Quản lý thông tin khách hàng, lịch sử giao dịch chi tiết; Quản lý chương trình khuyến mãi, thẻ VIP tích điểm; Báo cáo kết quả kinh doanh toàn diện.

Bản full này nếu bán ra trên thị trường sẽ có giá 14.900.000 đồng, anh Hiếu hy vọng trong năm 2017 này sẽ có thêm trên 20.000 cơ sở kinh doanh nữa sử dụng bản full miễn phí Dân Trí Soft. Theo anh Hà Huy Giáp, chủ cửa hàng văn phòng phẩm Huy Hoàng ở tỉnh Lạng Sơn, Dân Trí Soft giao diện đẹp, dễ sử dụng, tính ổn định và chính xác cao, được hỗ trợ kỹ thuật 24/24.

Dân Trí Soft còn kỹ đến mức chia phần mềm quản lý kinh doanh ra thành ba dòng để phù hợp cho ba mô hình kinh doanh tương đối khác nhau: Mô hình bán lẻ, bán lẻ, đại lý, nhà phân phối hàng tiêu dùng; Mô hình bán hàng theo khu vực, phòng bàn dành cho quán ăn, giải khát, nhà hàng; Mô hình bán hàng theo giờ dành cho sân bóng, bida, karaoke…

Mỗi doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể dùng bản full Dân Trí Soft miễn phí vĩnh viễn sẽ được cấp một tài khoản cho người chủ sử dụng. “Khi họ đã có kế toán, thủ kho và các bộ phận khác, họ sẽ phải dùng nhiều tài khoản. Lúc này chúng tôi sẽ bán từ tài khoản sử dụng phần mềm thứ hai trở đi với giá hợp lý. Có kế toán, thủ kho và các bộ phận chứng tỏ doanh nghiệp của họ đã đủ lớn để không phải dùng miễn phí, hãy để phần đó cho những doanh nghiệp nhỏ hơn khác”, anh Hiếu cho biết.

Cho trước, nhận sau như vậy, Dân Trí Soft lấy tiền đâu để vận hành, phát triển? Công ty hiện đang phân phối các thiết bị phần cứng nhập ngoại phục vụ kinh doanh như máy in hóa đơn, máy quét mã vạch, ngăn kéo đựng tiền, màn hình tính tiền cảm ứng, cân điện tử, máy chấm công… các đơn vị kinh doanh dùng phần mềm Dân Trí Soft không yêu cầu phải dùng máy họ phân phối.

Dân Trí Soft tổ chức bộ máy đến mức tối giản nhất. Cả công ty chỉ có 3 người, tất cả các công việc kỹ thuật, viết phần mềm đều thuê các cộng tác viên bên ngoài thực hiện. “Mình đưa ý tưởng, yêu cầu, họ làm rất nhanh, mình khỏi tốn chi phí trả lương nhân viên, thuê văn phòng và vận hành bộ máy”, anh Hiếu cho biết. Còn việc bán, cài đặt, vận hành, bảo trì phần mềm và phần cứng ở các tỉnh thành được khoán cho các đại lý với mức hoa hồng cao, Dân Trí Soft hiện có 60 đại lý ở 40 tỉnh thành.

Doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể có thể nhận phần mềm Dân Trí Soft khi đăng ký biểu mẫu tại: https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLScygIibPF1NqLOv0BgVQP35XrfL9IcY6vQ2EM950gjSGZa8BA/viewform. Công ty sẽ gửi phần mềm và các video hướng dẫn sử dụng qua email.

Đinh Hiệp
Thứ Năm,  26/1/2017, 15:37 (GMT+7)

Link gốc đăng tại Thời báo Kinh Tế Sài Gòn (SaiGonTimes)

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2017

Hàng giả Trung Quốc tuồn mạnh vào Việt Nam

TTO - Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã liên tục đặt ra những câu hỏi cho các cơ quan quản lý thị trường trên cả nước rằng: tại sao có nhiều chương trình, kế hoạch nhưng hàng lậu, hàng giả vẫn ngày càng tăng?
Hải quan Cát Lái kiểm tra lô hàng nhập lậu bị phát hiện gồm quần áo, rượu, thực phẩm, xe cũ... - Ảnh: Hữu Khoa
Tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2017 của lực lượng quản lý thị trường do Bộ Công thương tổ chức chiều 23-1, các ý kiến đều nhìn nhận tình trạng hàng lậu, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, khó ngăn chặn.

Ngập tràn hàng giả, hàng nhái

TP.HCM được xem như một đầu mối vận chuyển, buôn bán hàng giả, mà phần lớn là hàng tiêu dùng và hàng thời trang. Theo ông Phan Hoàn Kiếm, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM kiêm chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, các mặt hàng giả phổ biến là đồng hồ, túi xách, quần áo, giày dép có mẫu mã đa dạng, giả mạo các nhãn hiệu nước ngoài như Gucci, Chanel, Louis Vuitton, Nike, Adidas...

“Phần lớn hàng giả mạo nhãn hiệu nêu trên đều là hàng nhập lậu xuất xứ Trung Quốc. Nhiều mặt hàng mỹ phẩm được làm giả, nhái như hàng thật từ bao bì, màu sắc, mùi hương, bán giá rẻ, không đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn cho người sử dụng...” ông Kiếm  nói.

Cũng theo ông Kiếm, tình hình hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ còn diễn biến phức tạp do có lợi nhuận cao, người tiêu dùng thích sử dụng hàng có gắn mác thương hiệu nổi tiếng, giá rẻ. Trong khi đó,  sản phẩm VN sản xuất có ít mẫu mã, hình thức không bắt mắt, giá cao hơn nhưng chất lượng chưa cao.

Các mặt hàng phục vụ sản xuất như phân bón, vật tư nông nghiệp... cũng có tình trạng hàng giả. Theo đại diện Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang, hàng giả không đảm bảo chất lượng thường có mẫu mã, bao bì, kiểu dáng được thiết kế đẹp, tinh vi, rất khó phân biệt với hàng thật.

Tại phía đầu nguồn nhập khẩu hàng giả, hàng lậu từ Lạng Sơn, ông Nguyễn Văn Trường, quyền chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Lạng Sơn, cho biết tình hình buôn lậu cuối năm gia tăng. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu như quần áo may mặc sẵn, hàng điện tử, điện dân dụng, thực phẩm, hàng vi phạm an toàn thực phẩm...

Nhiều kẽ hở cho hàng giả tuồn vào

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Tuấn Anh đặt  câu hỏi vì sao việc đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả rất quyết liệt với hàng loạt kế hoạch nhưng thực tế hiện tượng làm hàng giả, hàng kém phẩm chất, vi phạm trên nhiều lĩnh vực vẫn ngày càng gia tăng và tinh vi?

Dẫn ra một số mặt hàng, địa bàn luôn là “điểm nóng” về hàng giả như đường, phân bón, thuốc lá..., ông Tuấn Anh tiếp tục hỏi tại sao những mặt hàng là “cố hữu, thường xuyên” mà hoạt động buôn lậu vẫn diễn ra công khai?

“Tại sao có đủ lực lượng chức năng nhưng phối hợp không đồng bộ và để tồn tại buôn lậu biên giới và nội địa? Tại sao nhiều mặt hàng, phương thức, thủ đoạn buôn lậu vẫn chưa tổng kết để có kế hoạch hành động hữu hiệu?” - bộ trưởng hỏi.

Ông Nguyễn Văn Trường cho rằng một số văn bản pháp luật đã bộc lộ những bất cập nhưng chưa được sửa đổi, dẫn tới các đối tượng lợi dụng để hợp thức hóa hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng giả.

“Với những trường hợp là hàng lậu nhưng lại có hóa đơn bán hàng và đã được chuyển quyền sở hữu cho người mua, việc xử lý, tịch thu hàng hóa nhập lậu rất lúng túng, không có quy định rõ ràng, không thống nhất giữa các văn bản pháp luật”, ông Trường  nói.

Nhìn nhận đang còn những bất cập trong quy định pháp luật, công tác phối hợp, song ông Tuấn Anh thẳng thắn chỉ rõ có nhiều vụ việc xảy ra không chỉ do trình độ chuyên môn mà còn có yếu tố liên quan phẩm chất cán bộ thực thi pháp luật. Do đó, để đấu tranh và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái hiệu quả thì tới đây có thể tính đến việc xem xét trách nhiệm người đứng đầu khi để hàng giả, hàng lậu hoành hành, công khai.

Tăng hơn 1.000 vụ vi phạm so với năm 2015
Theo ông Trịnh Văn Ngọc, cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), trong năm 2016 đã phát hiện, xử lý 104.807 vụ vi phạm gian lận thương mại, tăng trên 1.000 vụ so với năm 2015. Một số mặt hàng trọng điểm như số vụ phân bón tăng lên tới 150%, với số tiền xử phạt tăng 200%; vi phạm thuốc lá tăng 16%...

NGỌC AN
Báo Tuổi Trẻ

​Ông Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP

TTO - Ngày 23-1 tân tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ba sắc lệnh, trong đó có sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm tờ sắc lệnh ông vừa ký quyết định rút Mỹ khỏi TPP tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ở thủ đô Washington, DC ngày 23-1-2017 - Ảnh: AFP
Theo hãng tin AFP, cùng với đó là hai sắc lệnh liên quan tới việc tạm dừng tuyển dụng các công chức làm việc cho chính phủ liên bang và ngừng cấp ngân sách cho các tổ chức phi chính phủ ủng hộ việc phá thai.

"Chúng tôi đã bàn về điều này từ rất lâu rồi", ông Trump nói như vậy khi ký vào sắc lệnh quyết định rút nước Mỹ khỏi TPP tại Phòng Bầu dục. "Một một điều tuyệt vời cho người lao động Mỹ mà chúng tôi vừa làm xong".

Sau khi ký xong sắc lệnh, ông Trump cho biết ông sẽ trở lại thương lượng song phương với từng nước trong số các quốc gia tham gia TPP về các điều khoản thích hợp hơn cho nước Mỹ.

Ông nói: "Chúng ta vẫn có hoạt động thương mại, nhưng chúng ta sẽ tiến hành nó theo cách song phương. Và nếu ai đó hành xử không đẹp, chúng ta sẽ gửi thư chấm dứt, trong 30 ngày và họ hoặc phải giải quyết vấn đề, hoặc là chúng ta sẽ từ bỏ".

Hiện chưa rõ liệu các quốc gia thành viên khác của TPP, sau rất nhiều năm tổn hao sức lực đàm phán TPP, có sẵn lòng bước vào các cuộc thương lượng mới với Mỹ hay không.

Trước đó ông Trump cũng tuyên bố sẽ đàm phán lại Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) với Mexico và Canada.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ chấm dứt các thỏa thuận tự do thương mại đã có và lấy lại cho người lao động Mỹ những việc làm đã bị rơi vào tay người nước ngoài.

Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cảnh báo, những công việc ấy sẽ chẳng bao giờ trở lại Mỹ, ngay cả với những chính sách này của ông Trump. Bởi theo họ, nguyên do chính của tình trạng mất việc làm là vì quá trình tự động hóa chứ không phải thương mại.

Theo các phân tích của Viện Petersen, Mỹ là nước hưởng lợi nhiều nhất trong TPP nếu hiệp định này chính thức đi vào đời sống với mức tăng trưởng xuất khẩu thường niên là 357 tỉ USD.

Viện nghiên cứu này cũng cho rằng TPP cũng sẽ không gây ảnh hưởng đáng kể tới tình hình việc làm của người lao động Mỹ.

Chính quyền của tổng thống Obama từng khẳng định TPP là một đối trọng chiến lược đối với Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ John McCain gọi quyết định rút Mỹ khỏi TPP của tân tổng thống Donald Trump là "một sai lầm nghiêm trọng sẽ để lại những hậu quả lâu dài cho nền kinh tế Mỹ và cả vị thế chiến lược của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương".

D. KIM THOA
Báo Tuổi Trẻ

'Trí khôn' của một tiệm phở ở sân bay Tân Sơn Nhất

(PLO)- Việc niêm yết giá phải minh bạch đúng nghĩa, chứ không phải theo kiểu lập lờ để khách order một món mà phải trả nhiều thứ tiền khác nhau, trong khi họ không hề biết trước.
Trí khôn của ta đây
LTS: Tình trạng các dịch vụ ăn uống trong sân bay Tân Sơn Nhất có giá cao ngất trời đã từng được báo chí phản ảnh nhiều lần. Cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc chấn chỉnh. Thế nhưng đến nay lại phát sinh những chiêu "lách luật" khá tinh vi khiến người dùng ngỡ ngàng khi móc ví trả tiền. Dưới đây là bài viết của một khách hàng về vấn đề này, PLO xin giới thiệu tới bạn đọc.  

***

Hôm qua "được" thưởng thức một tô phở giá 105.000 đồng tại BigBowl trong ga nội địa, sân bay Tân Sơn Nhất.
Bụng đói nên mình tranh thủ thời gian trước khi bay vào xơi tô phở. Thấy BigBowl đề hình ảnh tô phở hấp dẫn, giá 55.000 đồng, nên gọi. Bạn tiếp viên niềm nở "anh dùng phở bò, gà hay thập cẩm ạ?". Mình bảo cho mình một tô tái-nạm và hai chai nước suối.

Ung dung móc ví ra cầm tờ 100.000 đồng, "chảnh chọe" tin rằng vẫn còn tiền thừa, không ngờ cô gái bán phở in tờ hóa đơn và báo "Dạ của anh 145.000". Mình choáng! Định thần lại nhìn hóa đơn thì thấy em ấy ghi trong này hai, ba thứ như trong ảnh.

Mình thắc mắc tại sao kêu 55.000 mà tính thêm nhiều vậy. Hỏi ra mới hay vì "anh yêu cầu tái-nạm, tức là thêm thịt". (mỗi phần thịt được thêm giá 30.000 nhưng khách không hề được biết).

Cô gái xinh xắn mang phở ra, mình giữ lại hỏi tiếp: Vậy tô phở giá 55.000 là phở cho "trẻ con" hả em? Cô ấy trả lời "Dạ". Mình thắc mắc là sân bay này không biết từ khi nào lại phục vụ cho khách chính là trẻ con? Mình hỏi tiếp "Vậy hồi nãy nếu may mắn anh gọi phở thập cẩm (có năm món thịt) thì tô phở của anh sẽ là: 55.000 phở trẻ con + 20.000 phở người lớn + 120.000 tiền thịt. Nghĩa là 195.000 hả em?". Cô gái ái ngại trả lời (cười rõ xinh): "Dạ".

Thế tại sao quán không niêm yết luôn giá "người lớn" là 75.000 và lưu ý khách về việc gọi các loại phở? Cô gái này không trả lời, chỉ bảo ở đây có camera giám sát nên em không được phép nói chuyện nhiều với khách, rồi lấy hóa đơn trên bàn dọn vào luôn.


"Trí khôn của tiệm phở"
Dù tiệm BigBowl niêm yết 55.000 và ghi "+ 20.000 tô lớn" nhưng khi thực khách order thì không giải thích, dường như "làm lơ" để khách hiển nhiên dính cái màn hết sức khó chịu này. Hóa ra, một tô phở thập cẩm có giá đến 195.000; còn một tô phở có vài lát thịt cho em bé ăn thì giá 55.000.

Đó là chưa tính đến chuyện hai chai nước suối 40.000, trong khi các tiệm thức ăn nhanh, tạp hóa bán cho khách ngồi máy lạnh, dùng Wi-Fi uống chỉ có 5.000 đồng/một chai.

***

Tôi không biết gọi cái màn của BigBowl là trí khôn của một tiệm phở hay là gì. Tôi nhớ ngày tôi đến Nhật. Người ta ăn uống ở sân bay cũng không khác so với các nhà hàng bình dân bên ngoài. Thế nên người ta ăn uống, mua sắm trong sân bay y như siêu thị vậy. Nhất là người nước ngoài. Không phải họ chỉ chuộng đồ Nhật, mà còn vì giá cả rất phải chăng.

Quan điểm của tôi là giá trong sân bay có thể cao hơn bình dân bên ngoài nhưng không thể cao hơn gấp bốn lần (400%) như giá chai nước suối; hay như gấp ba lần giá tô phở bên ngoài.

Thứ hai, việc niêm yết giá phải minh bạch đúng nghĩa, chứ không phải chơi theo kiểu lập lờ để khách order một món mà phải trả nhiều thứ tiền khác nhau, trong khi họ không hề biết trước.

Chưa biết gọi cái kiểu làm ăn vầy là gì, đành gọi đó là "trí khôn của ta đây"!

BÌNH SƠN
Báo Pháp Luật

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2017

Nhân viên nghỉ việc không phải vì lương thấp, cũng chẳng bởi tính khí quái gở của sếp mà là do 8 nguyên nhân sau

Có người thấy áp lực công việc ngành tài chính quá lớn, có cố gắng cũng chẳng ích lợi gì. Có người lại thẳng thắn thừa nhận, dù công ty có trả lương cao nhưng lại không cho thấy được tương lai tươi sáng trong ngành.
Nhân viên nghỉ việc đầu năm trở thành vấn đề nhứt đầu với chủ doanh nghiệp
Trên thế giới này, ngày nào cũng có người bỏ công ty này, chạy sang công ty khác để kiếm việc mới. Bạn luôn tự hỏi: “Vì sao nhân viên của mình lại nhảy việc?”

Lúc bạn tiếc nuối, nổi giận hoặc thờ ơ với quyết định xin nghỉ của nhân viên, bạn có bao giờ nghĩ đến nguyên nhân sâu sa bên trong không? Lẽ nào người ta nghỉ chỉ vì chênh lệch tiền lương hoặc tính khí của bạn?

Đó là lý do ấu trĩ nhưng lại là cái cớ mọi người thường dùng nhất. Khi nghiên cứu 50,000 trường hợp liên quan, chúng tôi phát hiện rằng: Động cơ khiến một nhân viên ưu tú tìm việc mới, không phải vì tiền hay không chịu nổi ấm ức. Có người thường nói: “Ở lại đây tôi không thấy hi vọng.” Vậy hi vọng đó là gì?

Đôi khi những tội đồ trong lịch sử cũng không hẳn đã thiếu tiền. Tại sao một số người giàu lại phản bội đất nước của mình? Theo nghiên cứu, thì chẳng phải vì họ mưu cầu danh lợi, phần lớn lý do nằm ở “tư duy” và “đức tin”.

Fisher, trưởng phòng hành chính của WJS New York bị cuốn vào làn sóng nhảy việc diễn ra mạnh mẽ gần đây. Anh không hiểu công ty vẫn tăng lương nhiều hơn bình thường (bất chấp tình hình kinh doanh khó khăn) mà không ngăn nổi 12 nhân viên trụ cột liên tục từ chức trong vòng 4 tháng? Anh đã nghĩ rằng: “Chắc chắn có công ty săn đầu người nào đó muốn khoét chân tường của chúng tôi.”

Nhưng nghiên cứu những nhân viên nghỉ việc lại cho kết quả khác. Sự lo lắng của Fisher cũng có lý. Trong số 12 nhân viên từ chức, đúng là có 1 người nhận được lời mời của công ty săn đầu người. Tuy nhiên anh ta không nhận việc mà trở về quê, làm cố vấn tài chính cho một công ty kỹ thuật kiểu mới. Nói cách khác anh ta chọn con đường riêng, làm người hành nghề tự do.

11 nhân viên còn lại cũng có lý do riêng, khiến việc tăng lương cũng không thể “níu kéo” họ từ bỏ quyết tâm nghỉ việc. Có người thấy áp lực công việc ngành tài chính quá lớn, có cố gắng cũng chẳng ích lợi gì. Có người lại thẳng thắn thừa nhận, dù công ty có trả lương cao nhưng lại không cho thấy được tương lai tươi sáng trong ngành.

Chúng tôi đã từng làm ba nghiên cứu quy mô lớn về vấn đề từ chức ở Mỹ, để phân tích lý do nhân viên nhảy việc. Đại khái có 8 nhân tố thúc đẩy việc từ chức, đi tìm việc mới.

Vì muốn khởi nghiệp

Những người từ chức vì lý do này thường là người tỉnh táo, họ làm công việc hiện tại với mục đích rõ ràng: để chuẩn bị cho việc khởi nghiệp sau này. Đợi đến khi họ nắm được tình hình trong ngành, hiểu rõ một số tiêu chí như quy ước, chế độ, kỹ thuật, chi phí,... Đợi khi xây dựng được nền tảng, anh ta sẽ dứt áo ra đi.

Công ty dành ưu đãi cho người như thế cũng chẳng thu được gì. Bởi vì anh ta rất lý trí, anh ta không hứng thú với việc phát triển sự nghiệp lâu dài ở đây.

Vì muốn phát triển

Anh ta cho rằng mục tiêu phát triển của công ty không thống nhất với mục tiêu phát triển của bản thân, hoặc cũng có thể do công ty gây ảnh hưởng lớn đến không gian phát triển của anh ta. Để lo cho con đường phát triển của mình, khi có cơ hội thích hợp, anh ta sẽ rời bỏ bạn để đến một công ty phù hợp hơn.

Công ty đưa cho anh ta “quả táo” không có hương vị anh ta mong muốn. Bản thân anh ta cũng không muốn cam chịu, nên buộc phải ra đi.

Vì muốn thử thách và thăng chức

Loại người này ưa thử thách và mạo hiểm, anh ta muốn chinh phục những đỉnh cao mới trong cuộc đời nên luôn bước tới nơi có yêu cầu cao hơn. Anh ta cho rằng ở đây đã trải qua tất cả, nhưng không có chiếc bánh gato mới nào đáng để anh ta theo đuổi.

Vì lựa chọn khác

Có những người muốn thay đổi lĩnh vực công tác và tính chất ngành nghề, nhưng không tìm được vị trí phù hợp nên liên tục nhảy việc. Ví dụ sau 2 năm đi làm, một nhân viên Nhà nước chợt cảm thấy mình hợp với doanh nghiệp tư nhân hay đa quốc gia hơn là đốt thời gian ở môi trường khép kín này. Đó là động lực để anh ta nghỉ việc.

Với người như này, bạn phải để anh ta kiên trì với lựa chọn hiện tại, tịn rằng làm việc ở đây là bước đi đúng đắn nhất trong cuộc đời anh ta. Bằng không với tính cách đa nghi và do dự, sớm muộn khi phát hiện ra lý tưởng tan nát, anh ta cũng sẽ nghỉ việc.

Vì tiền

Với người coi tiền là mục tiêu, lương cao là nhân tố duy nhất có thể giúp bạn giữ chân anh ta. Một khi có người trả lương cao hơn, anh ta sẽ từ chức mà không hề do dự.

Nếu bạn không thể trả cho người này mức lương như anh ta mong muốn, hoặc bạn cho rằng năng lực của anh ta không đáng được nhận mức lương ấy, thì nên dứt khoát cho anh ta nghỉ việc, không cần lưu luyến.

Vì hành động theo cảm tính

Nhiều người thích làm việc theo cảm tính, thích thì làm, không thích thì lập tức quay mông bỏ đi. Họ luôn tin rằng cuộc sống phải “thuận theo quy luật tự nhiên”, nhưng trên thực tế, họ không hề có thực tế, không biết mình muốn cái gì. Hoặc cũng có thể nói, về căn bản họ không muốn nghĩ đến vấn đề này.

Vì thói quen

Có người luôn muốn có được cảm giác mới mẻ trong cuộc sống. Mục đích nghỉ việc của họ không phải là để thay đổi công việc, mà chỉ vì họ cảm thấy quá nhàm chán, vô vị nên muốn thoát khỏi môi trường làm việc cũ rích.

Loại người này có xu hướng thường xuyên nhảy việc, vì họ sợ những mối quan hệ phức tạp. Họ không muốn ép cuộc sống của mình đi vào khuôn khổ nào cả.

Vì lựa chọn bị động

Nguyên nhân cuối cùng dẫn đến nhảy việc là bị ép đến đường cùng. Nhân viên thường phát sinh mâu thuẫn trong môi trường công sở. Khi anh ta xảy ra tranh cãi với cấp trên hoặc đồng nghiệp, nếu bạn không xử lý ổn thỏa, có thể anh ta sẽ từ chức. Sai lầm trong công việc cũng là một nhân tố quan trọng khiến nhân viên chủ động xin nghỉ.

Tóm lại, bạn cần hiểu lý do và suy nghĩ của nhân viên khi muốn nhảy việc để đưa ra đối sách chính xác. Khi nhân viên chuẩn bị sơ yếu lí lịch, và đặc biệt quan tâm đến thông tin tuyển dụng của công ty khác, bạn hãy cẩn thận vì có thể anh ta sắp rời bỏ bạn, để đi tới ăn máng khác.

* Nội dung trích từ cuốn “Thuật tẩy não” của tác giả Cao Đức.

Bảo Dương
Theo Trí Thức Trẻ

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

Tỷ phú Elon Musk: "Tôi không làm việc với người có tính cách tồi"

“Sai lầm lớn nhất của tôi là từng đặt kỳ vọng quá nhiều vào tài năng của một cá nhân mà bỏ qua tính cách của họ. Một trái tim tốt chắc chắn quan trọng hơn năng lực”, Elon Musk khẳng định.
Tỷ phú người Mỹ: Elon Musk
Thành công với 3 công ty thuộc 3 lĩnh vực khác nhau, tỷ phú Elon Musk được ví như “Người Sắt” trong giới công nghệ. Không giống đa số những người giàu có khác, thay vì dùng tiền cho cuộc sống xa hoa, ông chủ Paypal chi tiền cho đam mê nhằm thay đổi thế giới của mình. Tự học lập trình và nhiều kỹ năng khác từ khi còn nhỏ, ông chia sẻ 8 bài học mà có thể ai cũng biết, nhưng ít ai làm được:

1. Tập trung vào giấc mơ của bạn

Xác định mục tiêu của chính mình theo cách cụ thể nhất và có kế hoạch dài hơi để thực hiện nó. Bạn mới chính là người quyết định vận mệnh tương lai của chính bạn.

2. Không ai làm những điều tuyệt vời chỉ vì tiền

Trong số hơn 100 người thành công, không ai thực hiện những điều tuyệt vời chỉ vì mục đích kiếm tiền. Để thực sự thành công, mục tiêu của bạn cần vượt lên hơn cả những lợi ích tài chính cá nhân.

Hãy tin rằng, thành công của bạn là những việc có thể ảnh hưởng đến tương lai của cả nhân loại. Nếu bạn muốn làm được những điều tuyệt vời cho thế giới, hay chính bản thân bạn, đừng chỉ tập trung vào lợi ích tài chính.

3. Nguyên tắc đầu tiên

Người ta có thể phân tích nhiều điều từ thành công của Musk. Nhưng tóm tắt lại, muốn làm được điều khác biệt, bạn cần nắm chắc nền tảng cơ bản và phát triển các ý tưởng khác từ đó. Để cải thiện suy nghĩ của bạn, hãy tạm gác lại sự khôn ngoan để nhìn thế giới qua lăng kính thuần khiết, khách quan và nhạy bén nhất. Mọi điều vĩ đại đều có nền móng từ những thứ đơn giản nhất.

4. Kiên trì sẽ đem lại kết quả

“Đừng bao giờ bỏ cuộc trừ khi bạn bị ép buộc làm điều đó”. Sự nghiệp của Elon Musk cũng có những thăng trầm và khó khăn. Thành công sẽ không bao giờ đến với những kẻ dễ dàng bỏ cuộc.

Hãy thử nhiều lần, bằng nhiều cách. Sự kiên trì là điều rất quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của chúng ta.

5. Một nhân tài có thể đánh bại đám đông

Một số ông chủ giải quyết vấn đề của doanh nghiệp bằng cách tập trung tất cả nhân lực hiện có, đó có thể là một quyết định sai lầm. Càng nhiều người sẽ khiến vấn đề càng phức tạp, nhiều người không có kỹ năng sẽ không làm việc hiệu quả bằng một nhân tài. Tập trung nhiều người sẽ chỉ khiến tiến độ công việc chậm hơn.

Để giải quyết bất kỳ vấn đề nào, bạn nên dùng trí tuệ để nhận biết điểm mấu chốt trước khi chọn phương án giải quyết thích hợp.

6.Tài năng không thể bù đắp cho một tính cách tồi

Elon Musk là người rất coi trọng yếu tố tính cách cá nhân. Ông từng nói: “Sai lầm lớn nhất của tôi là từng đặt kỳ vọng quá nhiều vào tài năng của một cá nhân mà bỏ qua tính cách của họ. Một trái tim tốt chắc chắn quan trọng hơn năng lực”.

Elon Musk khẳng định, ông không làm việc với những người có tính cách tồi.

7. Thường xuyên tự hỏi

Bạn nỗ lực làm việc và thỏa mãn với thành công của mình? Elon Musk chia sẻ rằng, ông không bao giờ ngừng phấn đấu để hoàn thiện bản thân. “Tôi luôn luôn tự nhìn lại thành quả của bản thân và không ngừng suy nghĩ về cách làm cho mọi thứ tốt đẹp hơn”.

Ông chủ Paypal không bao giờ cho phép bản thân nghỉ ngơi và thỏa mãn với thành công.

8. Tìm đúng câu hỏi cho mỗi cuộc chiến

Cuốn sách yêu thích của Elonn Musk là câu chuyện thiếu nhi The Hitchhiker’s Guide to the Galaxy. Bài học lớn nhất ông học được là: Tìm kiếm điều khó khăn nhất là tìm ra những câu hỏi.

Khi bạn xác định đúng câu hỏi cần trả lời, giải quyết phần còn lại sẽ rất dễ dàng.

Hoài Trần
Theo Trí thức trẻ/INC.

Thư cảm ơn những ân nhân của Dân Trí Soft

Như các bạn đã biết, Dân Trí Soft với sứ mạng khai mở dân trí người làm kinh doanh Việt, chấn hưng tinh thần dân tộc Việt, nhằm phát triển công cuộc kinh doanh, để đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp ngoại, từ đó kiến tạo quốc gia hùng mạnh, sánh ngang cường quốc năm châu và tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp phần mềm quản lý kinh doanh phổ biến nhất tại Việt Nam. 
Ngay từ đầu Dân Trí Soft đã định vị chiến lược  kinh doanh “cho là nhận”, “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” nên đã xây dựng ngay phần mềm tính tiền miễn phí vĩnh viễn, có chất lượng cao đáp ứng đại đa số những cửa hàng, quán xá kinh doanh nhỏ, lẻ.

Mùa xuân đến, cùng lan tỏa yêu thương.
Cách đây 2 năm trước, Dân Trí Soft tạo phiên bản miễn phí gồm 3 module chuyên về tính tiền, gồm module bán hàng, module danh mục và module quản lý hệ thống và trong thời gian ngắn có hơn 5.000+ doanh chủ download, áp dụng vào kinh doanh với nhiều phản hồi tích cực.

Đầu năm 2017, Dân Trí Soft tiếp tục “cho đi nhiều hơn” khi tung ra phiên bản phần mềm quản lý bán hàng full chức năng miễn phí dành cho user người chủ, gồm quản lý kho, quản lý công nợ, quản lý tính tiền, quản lý khuyến mãi – thẻ VIP, quản lý thu chi, quản lý khách hàng – nhà cung cấp …, và dĩ nhiên cũng miễn phí vĩnh viễn. Và đến nay, hơn 22.000+ doanh chủ đã tiếp cận và ứng dụng Dân Trí Soft vào quản lý kinh doanh.

Điểm khác biệt lớn nhất về phần mềm tính tiền miễn phí vĩnh viễn Dân Trí Soft so với thị trường là “phần mềm tuy là miễn phí vẫn được thụ hưởng hệ thống chăm sóc khách hàng tương đương bản quyền”, thông qua hệ thống video hướng dẫn chi tiết từng bước (step by step), tài liệu hỗ trợ chu đáo và nhất là cộng đồng hỗ trợ trực tuyến tại facebook là Cộng đồng Dân Trí Soft… và còn nhiều hơn thế nữa. Nên người dùng bản free hoàn toàn an tâm về chất lượng cũng như tính ổn định của phần mềm.

Nhiều người thường thắc mắc “làm phần mềm miễn phí như vậy thì Dân Trí Soft lấy tiền đâu để vận hành và phát triển?”.

Thì có mấy lý do như sau ạ,

Thứ nhất, Dân Trí Soft thực hiện lối sống tiết kiệm, lao động năng suất cao và vận hành hiệu quả tối ưu, điều đó giúp “việc cho đi” trở nên đơn giản hơn, khác xa với những doanh nghiệp cồng kềnh, cơ cấu nặng nề. Hơn nữa, Dân Trí Soft không tham lam vượt quá khả năng, chúng tôi biết thế nào là đủ, thế nào là hạnh phúc để từ chối các cám dỗ giản đơn.

Thứ hai, cuộc sống này luôn tuân theo quy luật nhân quả, ở đó “cho đi tức là đã nhận”. Dân Trí Soft cho đi và giúp đỡ bạn, chúng tôi không cầu mong bạn sẽ trả lại, chúng tôi chỉ mong bạn hãy tiếp tục chia sẻ để giúp đỡ người khác, hãy lan tỏa điều tốt đẹp đến với cuộc sống. Và cứ thế … cứ thế … điều tốt đẹp, lòng yêu thương được nhân rộng ra. Và bạn biết không, khi cho đi đủ đong đầy, Dân Trí Soft nhận lại nhiều quả ngọt yêu thương. Có rất nhiều khách hàng có tài chính khi thấu hiểu việc làm cho đi ấy, thường ngay lập tức sử dụng dịch vụ phần mềm bản quyền của Dân Trí Soft mà chẳng lăn tăn điều gì cả.

Nếu bạn đọc được những dòng này, bạn đã tức là ân nhân của chúng tôi đấy. Nhiều người chẳng bỏ thời gian để đọc hết bài này đâu. Cảm ơn bạn người ân nhân của Dân Trí Soft.

"Nếu là con chim, là chiếc lá
Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh.
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình".

Bài chia sẻ của anh Cao Trung Hiếu
Sáng lập và điều hành Dân Trí Soft

Link đăng ký phần mềm tính tiền miễn phí Dân Trí Soft: phanmemmaytinh247.blogspot.com/p/phan-mem-mien-phi-tang-ban.html

Hướng dẫn sử dụng bản full phần mềm Dân Trí Soft: www.caotrunghieu.com/2017/01/neu-la-con-chim-la-chiec-la-con-chim-phai-hot-chiec-la-phai-xanh.html


Thứ Năm, 19 tháng 1, 2017

Khởi nghiệp: "tay trắng" làm thế nào để thu hút được nhân tài? (phần 2)

Bạn tìm được những người đồng sáng lập phù hợp với giá trị sống, phù hợp tầm nhìn, phù hợp tính chất công việc sẽ giúp con đường khởi nghiệp ít chông gai hơn. Với trải nghiệm của tôi, 4 lần “khởi nghiệp ngay – sạt nghiệp luôn” thì có đến 3 lần tôi bị mắc phải lỗi lớn này. Mỗi một lần khởi nghiệp tôi lại bị mắc cái lỗi khác nhau.

Như lần đầu tiên khởi nghiệp nhóm có 5 người, lúc khó khăn thì vượt qua được, nhưng khi có đồng ra đồng vào thì mới hiểu rằng “giá trị sống” khác nhau quá, tôi đành dừng lại và rút lui, sau này thì rã cả đám. Lần thứ hai, tôi đi tìm những người 'siêu cấp' về nhiều mặt như tư duy, mối quan hệ, khả năng làm việc…, nhưng tôi đã nhận ra, những người 'siêu cấp' phù hợp với một công ty lớn, với nguồn lực dồi dào, có ban bệ hoàn chỉnh, mãi sau này tôi mới hiểu “họ phù hợp hơn với vai trò điều hành (CEO) hoặc quản lý cấp cao”, còn giai đoạn khởi nghiệp là không đúng sở trường, họ sẽ là những nhà đầu tư thiên thần rất ổn đấy. Lần thứ 3 thì tôi làm việc với người quen thân và bao câu chuyện quản lý nội bộ bị rối tung lên vì là người quen thân, tôi cảm thấy quá mệt mỏi. Thế đấy, bài học thường xuất hiện khi vào thực tế và dĩ nhiên thực tế trải nghiệm còn hàng trăm ngàn điều thú vị, khó viết ra hết được.

Người thành công chẳng phải là không vấp ngã, không thất bại mà thành công là đã học được gì từ những cái sai đó, áp dụng như thế nào cho những lần tiếp theo. Người thành công rút kinh nghiệm nhanh còn kẻ thất bại té nhiều lần với cùng một cái lỗi.

Tôi nhắc lại một số liệu thống kê: một trong ba nguyên nhân chính gây nên thất bại của startup đó là vì những người sáng lập. Bạn phải cần thực sự chú ý điều này!

Nếu bạn chưa tìm được người đồng sáng lập phù hợp thì cũng đừng vội vã bằng mọi cách phải có. Bạn cần luôn có tư tưởng rằng “nếu chỉ còn một mình bạn, bạn cũng sẽ khởi nghiệp tốt, bạn vẫn làm việc với hiệu quả cao nhất”. Bạn không làm được điều đó, tôi khuyên hãy quay lại đi làm thuê, tiếp tục tích lũy nhiều hơn các bài học kinh nghiệm nhé.

Vậy còn tuyển dụng nhân sự cho công ty khởi nghiệp cần làm gì?

Về nhận thức, bạn là người làm khởi nghiệp cần có cái nhìn về thực tế rất “trần trụi, cay đắng” như sau “Bản tính người Việt mình có bệnh sỉ diện rất cao – tôi nhấn mạnh là rất cao nhé – nên tâm lý là thường lựa chọn khu vực nhà nước, công ty nhà nước, công ty lớn có thương hiệu để làm việc. Và còn đau đớn hơn nữa, là bộ phận khá lớn thà thất nghiệp chứ nhất định không chịu làm các công việc “vặt vãnh” của công ty khởi nghiệp”. Vì vậy công ty khởi nghiệp tuyển dụng nhân sự rất khó khăn.

Tôi thường nói vui, chúng ta sợ ma vì chẳng biết hình hài con ma ra sao, nếu biết thì chẳng sợ ma nữa. Bởi thế, khi biết sự thật “trần trụi và cay đắng” ấy thì bạn chẳng việc gì phải sợ khi không tuyển được nhân viên nhé.

Về hành động tuyển dụng, tôi dùng bài học từ ông bà ta dạy về cách chọn người.

"Trai khôn tìm vợ chợ đông,  
Gái khôn chọn chồng giữa chốn ba quân".


Ứng dụng vào thực tiễn với công ty khởi nghiệp như sau:

- Chọn người tài đầu tiên là chọn ở thái độ, ở cái đạo đức của người ấy. Người “con gái không chịu ra chợ” thì vứt, “thằng đàn ông không ra chốn ba quân” cũng bỏ xó mà thôi, chẳng phải đó là thái độ với cuộc sống. Ngày nay, với mạng xã hội phổ biến, với internet nên mọi thông tin của ứng viên đều có thể 'truy đến tận cùng' trước khi phỏng vấn đấy. Tôi lấy ví dụ, tôi cần tuyển một bạn trẻ làm văn phòng, nếu bạn ấy không dùng facebook tôi loại đầu tiên. Tiếp đến, facebook chính là nơi thể hiện một phần thế giới nội tâm của người đó, tôi thấy toàn tư duy tiêu cực là loại luôn. Để ý thêm, các mối quan hệ, các bình luận của ứng viên trên mạng xã hội… tôi sẽ nhận ra cái thái độ, đạo đức và giá trị sống của bạn đó có phù hợp với doanh nghiệp của mình không để loại hồ sơ cho nó nhanh.

- Người tài, yếu tố tiếp theo là đến kiến thức. Người phụ nữ đi chợ chẳng biết đâu là cá thu, đâu là con cá nục, thằng đàn ông ra chiến trường chẳng có hiểu về 36 kế, chẳng biết gì về võ Vovinam, Thiếu Lâm, thì vứt vào sọt “ngay và luôn” nhé. Khi lướt qua facebook, một người có kiến thức tốt sẽ không nói nhăn nói cụi, để bừa bãi với tường facebook của mình. Tiếp đó, khi phỏng vấn bạn sẽ kiểm tra kỹ lưỡng hơn và lời khuyên của tôi bạn ít nhất phỏng vấn 3 lần với ứng viên phù hợp nhé. Vì nguyên tắc tuyển dụng của startup là “tuyển dụng cẩn trọng – xa thải rất nhanh”.

- Cái cuối cùng để làm việc hàng ngày là kỹ năng làm việc, cũng giống như người phụ nữ chỉ cần nhìn, sờ con cá là biết nó còn tươi ngon không, thằng đàn ông lướt qua cái là biết đối thủ đang dùng mưu kế gì dùng mưu gì để trị, nhìn xuất vài chiêu là hiểu nó thuộc môn phái nào, sẽ dùng món nào để thắng áp đảo hay cần bỏ chạy dài… Một người chăm chỉ, chịu khó thường có kỹ năng tốt hơn và tôi thường chọn người đó.

Sẽ có người đạt yêu cầu như vậy, nhưng đòi hỏi tiền lương không hề thấp, làm sao khởi nghiệp tuyển dụng được?

Như đã trình bày ở bài trước, doanh nghiệp khởi nghiệp cần có chính sách lương cao và tốt hơn các doanh nghiệp lớn, hãy tập trung vào hiệu quả thay vì chăm chăm vào chi phí. Lưu ý, chúng ta đang đầu tư vào con người, có con người phù hợp là sẽ có tất cả.

Còn sợ sai lầm ư? Thế thì đừng có tuyển người đó.

Còn không đủ tiền chi trả ư? Thế thì hãy xem lại tài chính, dòng tiền, nếu không có khả năng thì đừng có mà tuyển người, hãy lo “cày tiếp đi” để tích lũy, hãy tự làm một mình nhé. Vì nếu bạn tuyển người “chưa có kinh nghiệm” như bài trước tôi đề cập, tình trạng thiếu tiền của bạn sẽ ngày càng trầm trọng đấy.

Cái cần quan tâm ở đây, là làm sao phát triển người tài để đạt năng suất cao nhất, vượt qua các giới hạn.

Vậy làm thế nào để phát triển người tài vượt qua các giới hạn? Bạn hãy đón xem ở bài viết tiếp theo nhé.

TP HCM ngày 19/01/2017
Cao Trung Hiếu.

Đọc thêm

Những dấu ấn của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang được hình thành trên nền tảng của cuộc cách mạng lần thứ ba, mà trực tiếp là cuộc cách mạng số.
Nhân loại hiện đang bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (FIR) (Ảnh minh họa: KT)
Cách đây đúng một năm (20/1/2016), ông Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF-46) tại Thụy Sỹ đã khẳng định rằng: “Nhân loại hiện đang bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (FIR) làm thay đổi cơ bản lối sống, phong cách làm việc và cách thức giao tiếp”.

Năm nay, ngày 12/1/2017, tại Brussels, Ủy ban châu Âu (EC) lại đang chuẩn bị khuôn khổ pháp lý cho robot tham gia thị trường lao động. Đây sẽ là bộ luật đầu tiên của thế giới về người máy ra đời và cũng là những dấu ấn của FIR được giới nghiên cứu và dư luận rất quan tâm.

Từ các bước đột phá…

FIR đang được hình thành trên nền tảng của cuộc cách mạng lần thứ ba, mà trực tiếp là cuộc cách mạng số. Đặc trưng của cuộc cách mạng lần này là một loạt công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học.

Theo giới chuyên gia, FIR đang hình thành tác động toàn diện đến cả hệ thống nền công nghiệp toàn cầu với nhiều bước đột phá khiến tốc độ phát triển với cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng.

Mặt khác, nó đang làm biến đổi tất cả các nền công nghiệp của mọi quốc gia trên thế giới. Về chiều rộng và độ sâu của những thay đổi này tạo nên sự biến đổi của toàn bộ các hệ thống sản xuất, quản lý, quản trị và kinh doanh.

Hàng tỷ người được kết nối với nhau qua điện thoại di động tốc độ cao, với sức mạnh xử lý, dung lượng lưu trữ và sự tiếp cận tri thức chưa từng có trước đó, là không giới hạn, nhờ vào những đột phá về công nghệ trí thông minh nhân tạo, robot, Internet siêu tốc, công nghệ in 3D, nano, sinh học; vật liệu mới, lưu trữ năng lượng và tin học lượng tử…

Trí thông minh nhân tạo, những chiếc xe, thiết bị bay không người lái, những trợ lý ảo và phần mềm phiên dịch... Trong những vừa năm qua, đã có những bước tiến ấn tượng nhờ sự gia tăng cấp số nhân sức mạnh điện tử và sự tiếp cận nguồn dữ liệu rộng lớn.

Công nghệ chế tạo số hóa tương tác với thế giới sinh học, giới khoa học cũng đang kết hợp thiết kế qua máy tính với gia công, chế tạo vật liệu và sinh học tổng hợp để khám phá ra sự cộng sinh giữa các vi sinh, cơ thể con người, các sản phẩm chúng ta sử dụng. Bộ não nhân tạo nay đã thông minh đến mức “tự nó học hỏi và nâng cao trình độ” năng lực, trí thức…

Những tiến bộ đó, đã khiến các cuộc xung đột, mâu thuẫn hiện nay giữa các quốc gia, khu vực đang ngày càng “đan xen, lai tạp” về bản chất là sự kết hợp các kỹ năng chiến đấu truyền thống với các yếu tố có liên quan trước đó với các đối tượng phi nhà nước. Khiến ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình, giữa chiến binh và dân thường, thậm chí là giữa bạo lực và phi bạo lực ngày càng trở nên ít rõ ràng hơn.

Tuy vậy, những tiến bộ về công nghệ cũng đồng thời tạo ra tiềm năng giúp làm giảm quy mô và tác động của bạo lực bằng cách phát triển các phương thức bảo vệ mới, chẳng hạn như độ chính xác cao hơn trong tiêu diệt các mục tiêu quân sự của đối phương.

Giới nghiên cứu vẫn khẳng định rằng, không có công nghệ hay sự đột phá nào nằm ngoài sự kiểm soát của con người. Vì thế, con người cần nắm lấy cơ hội và sức mạnh sẵn có để làm chủ FIR và hướng nó tới một tương lai phản ánh những mục tiêu và giá trị chung tốt đẹp của nhân loại.

Đến xuất hiện các siêu sản phẩm…

Theo một Báo cáo công bố hồi tháng 9 năm ngoái của WEF, thì đến năm 2025 sẽ có 21 sản phẩm công nghệ định hình tương lai kỹ thuật số và thế giới siêu kết nối như: Xe chạy trên đường không người lái ở Mỹ là 10%; sản phẩm tiêu dùng của thế giới được sản xuất bằng công nghệ in 3D chiếm 5%, trong đó chiếc ô tô và ca cấy ghép gan đầu tiên được thực hiện bằng công nghệ này; và dược sỹ robot đầu tiên cũng xuất hiện tại Mỹ.

Internet vạn vật (Internet of Things - IOT), tạo điều kiện cho 90% dân số thường xuyên truy cập internet; 90% dân số dùng điện thoại thông minh; 80% người dân hiện diện số trên internet. 10% khiến dân số thế giới sử dụng quần áo kết nối Internet; 10% số người sử dụng mắt kính kết nối với internet; và điện thoại di động cấy ghép vào người đạt quy mô thương mại.

Một nghìn tỷ cảm biến kết nối với internet; thành phố đầu tiên với hơn 50.000 người không có đèn giao thông; hơn 50% lượng truy cập internet ở nhà liên quan đến các thiết bị dân dụng; 90% dân số lưu trữ dữ liệu không giới hạn và miễn phí; 30% việc kiểm toán ở công ty được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo.

Lần đầu tiên chính phủ thu thuế qua một blockchain; chính phủ đầu tiên thay thế điều tra dân số bằng các nguồn dữ liệu lớn; 10% GDP toàn cầu được lưu trữ trên blockchain; máy trí tuệ nhân tạo đầu tiên được sử dụng cho một hội đồng quản trị công ty; việc giải trình, kích hoạt, hay chỉnh sửa bộ gen nay chỉ mất vài giờ với chi phí dưới 1.000 USD.

Theo Nguyễn Nhâm
VOV