Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Tâm sự của một founder startup từng mắc chứng cuồng công việc: Ham hố làm đến chết cũng là một căn bệnh!

Đây là câu chuyện của Khe Hy, một sáng lập startup từng mắc chứng cuồng công việc. Sau khi phải áp dụng các biện pháp trị liệu tâm lý từ bác sĩ, anh đã dần nhận ra vấn đề thực sự mà mình đang gặp phải.

Khi tôi 34 tuổi, tôi có một cuộc sống khá ổn định với công việc làm về kinh tế của mình. Nhưng cuộc sống của tôi luôn vội vã tới mức không thể kiểm soát. Tôi thường nói rất nhanh, nghe những đoạn audiobook với tốc độ 2.5 so với tốc độ chuẩn và có cả một danh sách những từ viết tắt để sử dụng trong chiếc điện thoại, ngay cả những từ cơ bản.

Đó là lúc tôi muốn thay đổi cuộc sống và tìm tới bác sĩ tâm lí. Vị bác sĩ kết luận cuộc sống tôi như vậy chính là do tôi... sợ chết. Đúng là như vậy, tôi luôn có tư tưởng đó từ khi còn rất bé. Theo đó, chính tư tưởng tiêu cực này đã làm tôi trở thành một con người tham công tiếc việc, tự dồn ép bản thân vào những căng thẳng, luôn lo lắng về mọi việc trong cuộc sống.

Sau đây là một số điều tôi đã hiểu ra được sau thời gian dài gặp các bác sĩ tâm lý, phần nào giúp tôi giảm tải đầu óc và trở lại cuộc sống.

Đừng để tâm trí dẫn bạn đi quá xa

Ở độ tuổi thanh niên, tôi có tham gia Crossfit, một trung tâm rèn luyện sức khỏe. Họ có những chương trình thi đua hàng ngày tại trung tâm để tăng cao khả năng cạnh tranh rèn luyện của các hội viên. Những chương trình đó làm tôi phát cuồng, tôi luôn muốn chiến thắng trong mỗi ngày tham gia. Tôi muốn chiến thắng tất cả mọi người trong phòng tập đó.

Cho đến khi nhận được các lời khuyên từ bác sĩ, tôi mới nhận ra, bằng cách nào đó tôi đã biến việc rèn luyện sức khỏe thành việc kéo dài tuổi thọ của mình. Tôi nghĩ rằng, mình cố gắng tập luyện khi còn trẻ thì sẽ sống thêm được vài tuổi nữa. May mắn là tôi vẫn rất yêu thích Crossfit nhưng không còn nghĩ về việc kéo dài thời gian sống nữa.

Sống với hiện tại

Rất nhiều người đang gặp khó khăn ở điểm này. Tôi còn nhớ nhà triết học Alain Watts đã viết trong cuốn The Wisdom of security của mình rằng: "Sẽ là vô ích nếu chúng ta có thể dự đoán và kiểm soát tương lai nếu không biết cách sống ở hiện tại. Càng vô nghĩa hơn khi bạn muốn sống lâu hơn chỉ để lo lắng về việc sống còn".

Nhờ có hai bác sĩ Atul Gawande và BJ Miller – hai người đi đầu trong liệu pháp chăm sóc giảm nhẹ, tôi đã thoát được khỏi nỗi ám ảnh về cuộc sống vội vàng của mình.

Họ đã giúp tôi lấy lại cuộc sống từ những khoảnh khắc nhẹ nhàng nhất của cuộc đời. Một nụ cười tinh nghịch từ cô con gái bé bỏng, hay một câu chuyện hài trong xe với vợ. Nhờ vậy mà cuộc sống của tôi trở nên dễ dàng hơn, tôi không còn quá bị ám ảnh bởi tương lai và những suy nghĩ.

Tự lượng sức mình

Điều này rất cần thiết cho cuộc sống của bất kì ai. Nó không chỉ giúp bạn đứng vững trong cuộc sống hay điều chỉnh tất cả các hành động để đạt được từng dấu mốc của bản thân, mà còn giúp chúng ta hiểu được mình cần đi đến đâu và làm những gì.

Không phải thành công là đặt mục tiêu lớn, thành công là đặt ra mục tiêu vừa sức và chinh phục nó. Tôi có thể sẽ thành lập một doanh nghiệp, nhưng tôi không cần trở thành Elon Musk thứ 2. Tôi có thể viết một cuốn truyện, nhưng không nhất thiết phải bán chạy như J.K.Rowling. Và ngay sau khi tôi nhận ra điều này, mọi khó khăn, trắc trở trong cuộc sống của tôi dường như biến đâu mất.

Hãy nhìn về phía trước, đừng mất niềm tin

Là một người cha, tôi có quyền lo về sự sống của mình vì nó liên quan đến vợ, con mình. Nhưng điều quan trọng nhất tôi học được là tôi không thể quyết được được việc đó nếu số mệnh đã hết.

Vì vậy, thay vào đó tôi tập trung vào các lĩnh vực mà tôi có thể kiểm soát như chế độ ăn uống lành mạnh kèm theo tập thể dục, tiêu dùng khôn ngoan và dành thời gian quý báu với những người mình yêu thương nữa.

Tôi từng tham gia vào một số diễn đàn, hội nhóm liên quan tới lĩnh vực đời sống. Thông qua đó, tôi hiểu ra rằng lí do tôi sợ cái chết là do tôi sợ mất đi những người thân yêu. Qua đó, tôi cũng hiểu ra, còn một điều quan trọng hơn mà tôi nên quan tâm, đó là mất đi cuộc sống có ý nghĩa. Cuộc sống có ý nghĩa hay không mới là điều mà con người có thể tạo nên.

Hoàng Yến
Theo Trí Thức Trẻ


EmoticonEmoticon