Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Tâm sự của một founder startup từng mắc chứng cuồng công việc: Ham hố làm đến chết cũng là một căn bệnh!

Đây là câu chuyện của Khe Hy, một sáng lập startup từng mắc chứng cuồng công việc. Sau khi phải áp dụng các biện pháp trị liệu tâm lý từ bác sĩ, anh đã dần nhận ra vấn đề thực sự mà mình đang gặp phải.

Khi tôi 34 tuổi, tôi có một cuộc sống khá ổn định với công việc làm về kinh tế của mình. Nhưng cuộc sống của tôi luôn vội vã tới mức không thể kiểm soát. Tôi thường nói rất nhanh, nghe những đoạn audiobook với tốc độ 2.5 so với tốc độ chuẩn và có cả một danh sách những từ viết tắt để sử dụng trong chiếc điện thoại, ngay cả những từ cơ bản.

Đó là lúc tôi muốn thay đổi cuộc sống và tìm tới bác sĩ tâm lí. Vị bác sĩ kết luận cuộc sống tôi như vậy chính là do tôi... sợ chết. Đúng là như vậy, tôi luôn có tư tưởng đó từ khi còn rất bé. Theo đó, chính tư tưởng tiêu cực này đã làm tôi trở thành một con người tham công tiếc việc, tự dồn ép bản thân vào những căng thẳng, luôn lo lắng về mọi việc trong cuộc sống.

Sau đây là một số điều tôi đã hiểu ra được sau thời gian dài gặp các bác sĩ tâm lý, phần nào giúp tôi giảm tải đầu óc và trở lại cuộc sống.

Đừng để tâm trí dẫn bạn đi quá xa

Ở độ tuổi thanh niên, tôi có tham gia Crossfit, một trung tâm rèn luyện sức khỏe. Họ có những chương trình thi đua hàng ngày tại trung tâm để tăng cao khả năng cạnh tranh rèn luyện của các hội viên. Những chương trình đó làm tôi phát cuồng, tôi luôn muốn chiến thắng trong mỗi ngày tham gia. Tôi muốn chiến thắng tất cả mọi người trong phòng tập đó.

Cho đến khi nhận được các lời khuyên từ bác sĩ, tôi mới nhận ra, bằng cách nào đó tôi đã biến việc rèn luyện sức khỏe thành việc kéo dài tuổi thọ của mình. Tôi nghĩ rằng, mình cố gắng tập luyện khi còn trẻ thì sẽ sống thêm được vài tuổi nữa. May mắn là tôi vẫn rất yêu thích Crossfit nhưng không còn nghĩ về việc kéo dài thời gian sống nữa.

Sống với hiện tại

Rất nhiều người đang gặp khó khăn ở điểm này. Tôi còn nhớ nhà triết học Alain Watts đã viết trong cuốn The Wisdom of security của mình rằng: "Sẽ là vô ích nếu chúng ta có thể dự đoán và kiểm soát tương lai nếu không biết cách sống ở hiện tại. Càng vô nghĩa hơn khi bạn muốn sống lâu hơn chỉ để lo lắng về việc sống còn".

Nhờ có hai bác sĩ Atul Gawande và BJ Miller – hai người đi đầu trong liệu pháp chăm sóc giảm nhẹ, tôi đã thoát được khỏi nỗi ám ảnh về cuộc sống vội vàng của mình.

Họ đã giúp tôi lấy lại cuộc sống từ những khoảnh khắc nhẹ nhàng nhất của cuộc đời. Một nụ cười tinh nghịch từ cô con gái bé bỏng, hay một câu chuyện hài trong xe với vợ. Nhờ vậy mà cuộc sống của tôi trở nên dễ dàng hơn, tôi không còn quá bị ám ảnh bởi tương lai và những suy nghĩ.

Tự lượng sức mình

Điều này rất cần thiết cho cuộc sống của bất kì ai. Nó không chỉ giúp bạn đứng vững trong cuộc sống hay điều chỉnh tất cả các hành động để đạt được từng dấu mốc của bản thân, mà còn giúp chúng ta hiểu được mình cần đi đến đâu và làm những gì.

Không phải thành công là đặt mục tiêu lớn, thành công là đặt ra mục tiêu vừa sức và chinh phục nó. Tôi có thể sẽ thành lập một doanh nghiệp, nhưng tôi không cần trở thành Elon Musk thứ 2. Tôi có thể viết một cuốn truyện, nhưng không nhất thiết phải bán chạy như J.K.Rowling. Và ngay sau khi tôi nhận ra điều này, mọi khó khăn, trắc trở trong cuộc sống của tôi dường như biến đâu mất.

Hãy nhìn về phía trước, đừng mất niềm tin

Là một người cha, tôi có quyền lo về sự sống của mình vì nó liên quan đến vợ, con mình. Nhưng điều quan trọng nhất tôi học được là tôi không thể quyết được được việc đó nếu số mệnh đã hết.

Vì vậy, thay vào đó tôi tập trung vào các lĩnh vực mà tôi có thể kiểm soát như chế độ ăn uống lành mạnh kèm theo tập thể dục, tiêu dùng khôn ngoan và dành thời gian quý báu với những người mình yêu thương nữa.

Tôi từng tham gia vào một số diễn đàn, hội nhóm liên quan tới lĩnh vực đời sống. Thông qua đó, tôi hiểu ra rằng lí do tôi sợ cái chết là do tôi sợ mất đi những người thân yêu. Qua đó, tôi cũng hiểu ra, còn một điều quan trọng hơn mà tôi nên quan tâm, đó là mất đi cuộc sống có ý nghĩa. Cuộc sống có ý nghĩa hay không mới là điều mà con người có thể tạo nên.

Hoàng Yến
Theo Trí Thức Trẻ

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

[Báo Khám Phá] "Khởi nghiệp, tôi thích làm với người đã từng phá sản"

"Việc tìm được người đồng sáng lập phù hợp với tầm nhìn và tính chất công việc sẽ giúp con đường khởi nghiệp ít chông gai hơn. Tuy nhiên để tìm được đúng người, trong 4 lần khởi nghiệp thì đến 3 lần tôi mắc phải sai lầm", ông Cao Trung Hiếu – sáng lập Dân Trí Soft thừa nhận.
Câu chuyện tuyển dụng luôn là vấn đề với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bởi startup khởi đầu, chưa có danh tiếng lại không đủ nguồn lực, vậy làm thế nào để thu hút được các “nhân tài” về đầu quân cho công ty mình? 

Ông Cao Trung Hiếu – sáng lập của Dân Trí Soft chia sẻ với KhamPha.vn nhiều kinh nghiệm tuyển dụng “nhân tài” tham gia vào startup của mình.

- “Nhân tài” trong khởi nghiệp được định nghĩa như thế nào, thưa ông?

Ông Cao Trung Hiếu: Theo tôi, nhân tài là những người phù hợp với công việc, giá trị cốt lõi và tầm nhìn của startup mà người sáng lập hướng tới.

Trước hết, phải tìm nhân tài cho vị trí đồng sáng lập (co-founder). Điều này vô cùng quan trọng, quan trọng hơn nhiều so với việc tuyển dụng nhân viên. Tại vì theo thống kê, một trong ba nguyên nhân thất bại phổ biến của công ty khởi nghiệp đến từ người đồng sáng lập.

Thông thường, khi thành lập công ty, các founder (người sáng lập) hay rủ rê người quen như bạn bè, đồng nghiệp, người trong gia đình… tham gia vào, mà ít xem xét họ có thực sự phù hợp không.

Bản thân tôi, tôi thích làm việc với những ai đã từng phá sản ít nhất một lần. Bởi cách nhìn nhận vấn đề của họ rất thực tế và mình có thể học hỏi được nhiều điều từ họ.

Ông Cao Trung Hiếu - founder của Dân Trí Soft (Ảnh: NVCC).
- Vậy ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình tuyển dụng co-founder không?

Ông Cao Trung Hiếu: Để tìm người đồng sáng lập cho Dân Trí Soft, tôi đã tiếp xúc hơn 20 người làm ở lĩnh vực công nghệ thông tin. Tôi dành ra khoảng 3 tháng để đi nói chuyện, tìm hiểu và cuối cùng cũng tìm được người phù hợp. Người đồng sự của tôi cũng từng một lần thất bại khi khởi nghiệp.

Việc tìm được co-founder phù hợp với tầm nhìn và tính chất công việc sẽ giúp con đường khởi nghiệp ít chông gai hơn. Tuy nhiên để tìm được đúng người, trong 4 lần khởi nghiệp thì đến 3 lần tôi mắc phải sai lầm.

Lần đầu khởi nghiệp nhóm có 5 người. Lúc khó khăn thì vượt qua được nhưng khi có đồng ra đồng vào, tôi thấy “giá trị sống” của chúng tôi khác nhau quá. Tôi đành dừng lại và rút lui, sau này thì cả nhóm cũng tan rã.

Lần thứ hai, tôi tìm những người “siêu cấp” về nhiều mặt như tư duy, mối quan hệ, khả năng làm việc… Nhưng những người quá giỏi chỉ phù hợp với công ty lớn, có nguồn lực dồi dào, có ban bệ hoàn chỉnh. Mãi sau này tôi mới hiểu, họ thích hợp với vai trò điều hành hoặc quản lý cấp cao, còn làm với startup lại không đúng với sở trường của họ.

Lần thứ ba tôi làm việc với một người quen. Tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi vì việc quản lý nội bộ bị rối tung lên, do phải cư xử khôn khéo để không làm hỏng mối quan hệ quen thân giữa hai bên.

Qua những lần đó tôi rút được kinh nghiệm: Người đồng sáp lập quan trọng vô cùng nhưng chưa tìm được người phù hợp thì đừng vội vã tìm bằng mọi cách. Các bạn khởi nghiệp nên xác định cho mình tư tưởng: Nếu chỉ còn một mình bạn, bạn cũng sẽ khởi nghiệp tốt.

Tuyển dụng nhân sự cho startup là một vấn đề khó khăn (Ảnh: Internet).
- Vậy còn việc tuyển dụng nhân sự cho công ty khởi nghiệp thì sao?

Ông Cao Trung Hiếu: Là người làm khởi nghiệp, bạn cần có cái nhìn về thực tế “trần trụi, cay đắng” là thường người Việt có bệnh sĩ diện rất cao, nên tâm lý luôn chọn khu vực nhà nước, công ty nhà nước, công ty lớn có thương hiệu để làm việc.

Cũng có một bộ phận khá lớn thà thất nghiệp chứ nhất định không chịu làm những việc “vặt vãnh” cho startup. Vì vậy, việc tuyển dụng nhân sự cho công ty khởi nghiệp thật sự rất khó khăn.

Nhưng may mắn thay, với sự phát triển của mạng xã hội và Internet, ta có nhiều nguồn để tuyển dụng nhân sự. Cũng nhờ đây, mọi thông tin của ứng viên đều có thể “truy đến tận cùng” trước khi phỏng vấn.

Ví dụ, tôi cần tuyển một bạn trẻ làm văn phòng, nếu bạn ấy không dùng Facebook, tôi loại đầu tiên. Tiếp đến, Facebook chính là nơi thể hiện một phần thế giới nội tâm của người đó, nếu thấy toàn tư duy tiêu cực tôi cũng loại. Để ý thêm các mối quan hệ, các bình luận của ứng viên trên mạng xã hội… tôi sẽ nhận ra thái độ, đạo đức và giá trị sống của bạn đó có phù hợp với doanh nghiệp của mình không.

Khi phỏng vấn bạn nên kiểm trả kỹ lưỡng ứng viên, lời khuyên của tôi là phỏng vấn ít nhất ba lần với ứng viên bạn cảm thấy có tiềm năng. Vì nguyên tắc tuyển dụng của startup là “tuyển dụng cẩn trọng – sa thải nhanh chóng”.

- Những người đáp ứng được yêu cầu của công ty thường sẽ đòi tiền lương cao, làm sao startup có chi phí để trả?

Ông Cao Trung Hiếu: Quan điểm của tôi là doanh nghiệp khởi nghiệp cần có chính sách lương cao và tốt hơn các doanh nghiệp lớn. Hãy tập trung vào hiệu quả thay vì chăm chăm vào chi phí. Lưu ý, chúng ta đang đầu tư vào con người, có con người phù hợp tiền sẽ tự động “chạy” về.

Còn sợ sai lầm ư? Thế thì đừng tuyển người đó.

Còn không đủ tiền chi trả ư? Thế thì hãy xem lại tài chính, dòng tiền, nếu không có khả năng thì đừng có tuyển người, hãy lo “cày tiếp đi” để tích lũy. Hãy tự làm một mình nhé! Vì nếu bạn tuyển người chưa có kinh nghiệm để trả chi phí thấp, khi họ làm bung bét cả ra thì tình trạng thiếu tiền của công ty sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

- Cảm ơn ông về buổi trò chuyện thú vị này. 

Tùng Lam
Báo Khám Phá



Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

Con đường thành công cần trải qua 7 giai đoạn nhưng ít ai đủ kiên trì: Bạn đang ở nấc thang thứ mấy?

Thành công là một cuộc hành trình cuộc đời được xây dựng bằng sự trưởng thành và những thăng trầm đáng giá. Phải trải qua đủ các giai đoạn thăng trầm bạn mới có thể hưởng trái ngọt.
Con đường đi tới thành công luôn gắn với những rủi ro, khó khăn chồng chất. Cuộc hành trình dài nhiều gian khổ dạy bạn cách đương đầu với các trở ngại, rèn luyện khả năng tự phục hồi sau những vấp ngã.

Giai đoạn 1: Khó khăn khi bắt đầu

Mỗi người thành công đều phải trải qua một hành trình nhiều khó khăn. Mọi con đường trải hoa hồng đều có thêm những mũi gai. Những trở ngại khó khăn trong giai đoạn này lại là động lực để giúp bạn có thêm sức mạnh tiến tới thành công. Bạn có thể chấp nhận giai đoạn đau khổ như một người bạn đồng hành chứ không nhất thiết phải tìm cách chống lại nó.

Mỗi ngày mới là một cơ hội để bạn thử thách bản thân và tìm thấy chính mình. Sự bất định và căng thẳng là điều không thể tránh khỏi. Chúng nhắc nhở bạn phải điều chỉnh để thích ứng hơn, đến gần với thành công hơn nữa. Một chút căng thẳng sẽ là động lực đẩy bạn về phía trước.

Giai đoạn 2: Muốn từ bỏ càng sớm càng tốt

Trên con đường thành công, bạn sẽ tự hỏi bản thân nhiều lần rằng liệu mình có đang đi đúng hướng. Bạn sẽ trải qua những giây phút căng thẳng, cảm giác mất mát và vô vọng. Đó là lúc bạn càng cần vững tin vào bản thân và chuẩn bị tinh thần để tiếp tục chiến đấu.

Cách nhanh nhất để từ bỏ giấc mơ của bạn là bỏ cuộc khi mọi thứ có vẻ không như ý. Càng kiên trì và nỗ lực, thành công càng sớm đến với bạn.

Giai đoạn 3: Mất dần những mối quan hệ

Khi bạn theo đuổi sự nghiệp, không phải ai cũng sẵn sàng giúp đỡ bạn. Thành công cần rất nhiều nỗ lực và hi sinh. Nhiều người thân - sơ có thể không chấp nhận việc bạn không có thời gian dành cho họ. Đầu tư thời gian và nỗ lực để tìm kiếm thành công, bạn sẽ phải hi sinh những mối quan hệ, sở thích...

Càng đến gần thành công, con đường càng nhỏ hẹp và bạn phải chấp nhận "đơn thương độc mã".

Giai đoạn 4: Nhiều người ngăn cản

Trong cuộc sống, có những điều bạn chỉ nên giữ riêng trong suy nghĩ. Chia sẻ những điều này với người khác bạn có thể chỉ nhận lại sự phản đối. Tâm trí con người dường như được lập trình để tin nhiều hơn vào những điều tiêu cực.

Trên hành trình tìm kiếm mục tiêu, bạn sẽ gặp không ít kẻ ngăn cản, làm bạn nản chí bởi những nỗi sợ hãi mơ hồ đến những khó khăn có thật. Đừng để những điều tiêu cực đó ảnh hưởng đến tinh thần của bạn. Hãy làm việc trong im lặng và để thành công nói lên tất cả.

Giai đoạn 5: Bị ghét không lí do

Thực tế, nhiều người có xu hướng không thích những người thành công. Người xuất chúng, nổi bật thường phải chịu sự ganh tị. Những người nhỏ nhen không thích kẻ có được những thứ họ thiếu. Thỏa hiệp với sự ganh tị là điều khó khăn, nhất là khi bạn muốn duy trì mối quan hệ với những người này. Hãy để họ đi, bởi những người này cũng không thể ảnh hưởng đến con đường bạn đi, công việc bạn làm. Hãy coi họ nhưng một thử thách để trải nghiệm. Rồi bạn sẽ nghiệm ra chân lí rằng, những người ghét bạn sẽ khiến bạn thành công hơn.

Giai đoạn 6: Nghi ngờ chính mình

Trong mỗi hành trình, sẽ có những thời điểm bạn cảm thấy "đóng băng" bởi sự nghi ngờ chính mình. Đôi khi, bạn không tin tưởng kiến thức bạn đang có, nghi ngờ định hướng và khả năng của chính bản thân. Tất cả những vấn đề này đều dẫn đến những xung đột bên trong. Nghi ngờ bởi bạn không muốn đưa ra quyết định sai lầm và kết thúc mọi chuyện. Hãy nhớ rằng, không có sai lầm nào không thể khắc phục, chỉ cần bạn luôn tìm ra hướng đi mới, vượt qua sự thiếu tự tin và luôn đặt ra nguyên tắc về thời gian. Sự chậm trễ, trì hoãn đôi khi là nguyên nhân chính của thất bại.

Giai đoạn 7: Thất bại

Không có con đường nào đảm bảo sự thành công. Bạn có thể thất bại một, hoặc một vài lần và chịu nợ nần. Bạn cũng có thể phải chịu sự sỉ nhục, chỉ trích bởi những sai lầm. Bạn có thể mất tất cả và làm lại từ đầu... Nhưng trước hết bạn phải dám thử sức để biết rõ những điều đang và sẽ xảy ra. Rủi ro đôi khi lại chính là cơ hội để bạn tiếp cận mục tiêu theo một hướng mới, cách mới. Mục đích của thất bại chính là giúp bạn tinh chỉnh các nỗ lực để hướng tới thành công nhanh hơn.

Thành công nào cũng có giá của nó!

Muốn đạt được mục tiêu, trước tiên bạn phải suy nghĩ tích cực và tin tưởng vào những gì bạn làm. Suy nghĩ đúng đắn, hành động chính xác, không gì có thể ngăn cản bạn thành công. Sự đấu tranh là thành phần không thể thiếu làm nên thành công. Mọi thứ đều bắt nguồn từ chính bạn, do bản thân bạn. Tầm nhìn của bạn ảnh hưởng đến mọi chuyện, số phận sẽ thúc đẩy bạn tiến lên. Thành tựu mà bạn đạt được sẽ chính là sự phát triển về tầm nhìn chứ không phải tiền bạc hay danh tiếng. Chỉ khi thành tựu của bạn có ý nghĩa và ảnh hưởng tích cực đến người khác, thành công mới thực sự có giá trị.

Theo Thu Hoài
Trí thức trẻ

Chuối “ế” và câu chuyện giải cứu nông sản của Việt Nam

Gần đây nhất, nhiều người trồng chuối ở phía Nam đang rơi vào tình trạng lao đao do mất giá và không tiêu thụ được cũng xuất phát từ kiểu làm ăn theo phong trào không có quy hoạch.
Sản xuất chạy theo phong trào, thấy giá tăng là nông dân đổ xô vào nuôi, trồng đã khiến nhiều nông sản luôn trong tình trạng rớt giá, “dội chợ.”

Gần đây nhất, nhiều người trồng chuối ở Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh… đang rơi vào tình trạng lao đao do mất giá và không tiêu thụ được cũng xuất phát từ kiểu làm ăn theo phong trào.

Chuối ế do đâu?

Theo thông tin từ một số doanh nghiệp, tình trạng chuối ế hiện nay ở một số địa phương có nguyên nhân xuất phát từ thời điểm khoảng 2 năm trước, bắt nguồn từ câu chuyện một số doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu để xuất khẩu và tiêu thụ chuối với giá khá tốt.

Cụ thể, vào khoảng quý 3/2015, diện tích trồng chuối của Trung Quốc bị thu hẹp do ảnh hưởng nặng nề bởi thời tiết, khiến năng suất, sản lượng chuối sụt giảm mạnh.

Thêm vào đó, trong năm 2016, Trung Quốc ngừng nhập khẩu chuối của Philippines, do phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức cho phép và thay vào đó là tăng cường nhập khẩu chuối từ Việt Nam.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit cho biết nhu cầu tiêu thụ tăng cao đã đẩy giá chuối tăng mạnh, thậm chí có thời điểm, giá chuối lên đến 23.000 đồng/kg. Do đó, nhiều nông dân đã tự ý chuyển sang trồng chuối.

Thậm chí, có địa phương thấy tình hình tiêu thụ chuối khá tốt đã triển khai rộng rãi mô hình trồng chuối cho nông dân, khiến diện tích trồng chuối tăng lên nhanh chóng.

“Trong năm 2016, khi thấy người dân một số tỉnh Đông Nam Bộ đổ xô vào trồng chuối, chúng tôi đã thấy không ổn. Nếu Trung Quốc không nhập hàng nữa coi như dân mình xong. Thực tế, từ đầu năm nay, khi Trung Quốc mở cửa khẩu, nhập chuối của Philippines trở lại giá chuối trong nước bắt đầu rớt thê thảm như hiện nay,” ông Nguyễn Lâm Viên cho hay.

Nói thêm về nguyên nhân khiến chuối khó tiêu thụ, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty ​Trách nhiệm hữu hạn Huy Long An, một doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chuối hàng đầu của Việt Nam cho biết ở Trung Quốc, tình trạng sản xuất chuối đã được phục hồi vào giữa năm 2016, hiện đang là mùa thu hoạch chuối ở thị trường này nên hạn chế nhập chuối của Việt Nam cũng là dễ hiểu.

Bên cạnh đó, khâu bảo quản và chất lượng của sản phẩm chuối nông dân trồng vẫn còn hạn chế.

Từ khi thu hoạch chuối cho đến khi vào tay người tiêu dùng của nước nhập khẩu có khi phải mất 3 tuần để vận chuyển. Tuy nhiên, nếu khâu bảo quản không tốt, chỉ cần 2 tuần là chuối đã bị hư hết.

Hơn nữa, do hầu hết người dân đều trồng tự phát, không theo quy trình nên chất lượng sản phẩm không đảm bảo yêu cầu của nước nhập khẩu, các doanh nghiệp khác muốn bao tiêu cũng khó.

Làm gì để nông sản không ế?

Khi thấy tình trạng giá chuối rớt thê thảm, nhiều cuộc “giải cứu” được một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tổ chức thực hiện.

Trên mạng xã hội vài ngày gần đây liên tục xuất hiện những chương trình vận động, kêu gọi mọi người cùng tham gia hỗ trợ tiêu thụ chuối cho nông dân.

Một số doanh nghiệp chế biến cũng tham gia vào cuộc giải cứu này, nhưng tất cả cũng chỉ là “muối bỏ biển.”

Có thể, một thời gian nữa, tình trạng chuối ế sẽ trôi qua khi nông dân thấy không hiệu quả sẽ đồng loạt chặt bỏ để chuyển sang trồng các loại cây khác có hiệu quả hơn như tình trạng của nhiều cây, con khác.

Do vậy, nếu cái gốc vấn đề không được giải quyết vài tháng sau, có thể lại có hành ế, thanh long dư thừa, dưa hấu đổ bỏ... nhất là những sản phẩm có đợt thu hoạch rộ.

Dưới góc độ của chuyên gia, tiến sỹ Võ Thị Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng câu chuyện giải cứu nông sản ế phải có giải pháp tổng thể bắt đầu từ Nhà nước, phải thay đổi quy trình sản xuất nông nghiệp từ khâu dự báo thị trường, quy hoạch đến sản xuất mới giải quyết được tình trạng dư thừa nông sản.

Lâu nay nền nông nghiệp của Việt Nam cứ sản xuất không theo nhu cầu thị trường, nông dân thấy giá cao là đổ xô vào nuôi, trồng mà ít quan tâm đến nhu cầu thị trường như thế nào, bán đi đâu.

Nếu không thay đổi được điều này vẫn mải loay hoay trong vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá,” “dội chợ.”

"Phải tổ chức rộng rãi hình thức kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp, bởi chỉ có dựa trên mô hình hợp tác xã mới giải quyết được bài toán sản xuất manh mún, mới có thể đưa công nghệ sản xuất hiện đại, tổ chức liên kết với doanh nghiệp dễ dàng,” tiến sỹ Mai chia sẻ.

Trong số các nguyên nhân, vấn đề thương hiệu nông sản cũng là rào cản khiến tiêu thụ gặp khó.

Theo ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mặc dù có nhiều thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên cho đến nay, 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, kim ngạch còn thấp.

Nhiều sản phẩm đã được biết đến rộng rãi ở thị trường trong và ngoài nước, đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý nhưng vẫn còn đến hơn 80% lượng nông sản của ​Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, đặc biệt nhiều sản phẩm phải bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài.

Do vậy, việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản là một trong những giải pháp phát triển bền vững mà ngành nông nghiệp phải hướng đến.

Ngoài ra, một điểm mấu chốt nữa là trong bối cảnh tiêu thụ một số nông sản gặp nhiều khó khăn như hiện nay, đáng lẽ ra ngành chế biến phải phát huy hiệu quả, giải cứu cho nông sản thừa.

Tuy nhiên, công nghệ bảo quản sau thu hoạch và chế biến nông sản của Việt Nam vẫn còn khá hạn chế. Thậm chí, ngay cả một số tỉnh trọng điểm của vựa trái cây Đồng bằng sông Cửu Long cũng không có bất kỳ một doanh nghiệp nào tham gia trong lĩnh vực chế biến.

Dưới góc độ của một trong những doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực chế biến nông sản, ông Nguyễn Lâm Viên cho rằng chẳng có đất nước nào như Việt Nam có thể sản xuất hàng loạt sản phẩm nông nghiệp, nhưng lại chỉ trông chờ vào việc bán sản phẩm chủ yếu ở dạng thô.

Đã đến lúc Nhà nước phải xem xét lại điều này, phải đưa việc xây dựng khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch nông sản trở thành một trong những giải pháp chính để hỗ trợ tiêu thụ và giúp sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững hơn.

“Việc đầu tư vào ngành chế biến nông sản có thể bắt đầu từ việc xây dựng các kho mát, trữ đông ngay tại vùng nguyên liệu.

Nếu Nhà nước không làm được nên khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực này, với cơ chế hỗ trợ lãi suất vay khoảng 1%/năm chẳng hạn,” ông Viên đề xuất./.

Theo H.Chung
Theo Trí Thức Trẻ/Vietnamplus

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

Những điều cần biết về thảm hoạ bảo mật Cloudbleed vừa xảy ra.

Lỗi bảo mật Cloudbleed xảy ra có nguyên nhân từ công ty internet Cloudflare và đã làm rò rỉ thông tin cá nhân của người dùng, ảnh hưởng tới hàng ngàn website.
Thế giới internet mới đây lại vừa xảy ra một thảm hoạ bảo mật nghiêm trọng mang tên Cloudbleed. Cloudbleed là gì, nó ảnh hưởng tới bạn như thế nào, và bạn có thể làm gì để bảo vệ mình. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có câu trả lời cho những thắc mắc đó.

Cloudbleed là lỗi bảo mật nghiêm trọng mới nhất xảy ra với internet gây nguy cơ làm lộ thông tin cá nhân riêng tư của người dùng. Thông tin về lỗi này lộ ra vào cuối ngày 23/2 nhưng hiện vẫn còn rất nhiều tranh cãi về nó cũng như ảnh hưởng thực sự của nó với thông tin của người dùng. Dưới đây là những điều bạn cần biết về Cloudbleed cũng như cách phản ứng phù hợp với lỗi bảo mật này.

Cloudbleed là gì?

Cloudbleed là tên của một lỗi bảo mật lớn xuất phát từ công ty internet Cloudflare. Lỗi này làm lộ mật khẩu, các thông tin nhạy cảm khác của hàng ngàn website trong vòng 6 tháng qua. Tên này được đặt bởi chuyên gia bảo mật Tavis Ormandy đến từ đội Project Zero của Google. Chuyên gia này phát hiện ra lỗi và báo cáo nó cho Cloudflare. Cloudbleed được Ormandy đặt theo tên gọi của một lỗ hổng nghiêm trọng khác - lỗ hổng Heartbleed - từng gây xôn xao hồi năm 2014.

Cloudbleed có tồi tệ hơn Heartbleed?

Hiện tại, rất may câu trả lời vẫn đang là "không". Heartbleed ảnh hưởng tới nửa triệu website, còn lần này chỉ có 3.400 website được cho là bị ảnh hưởng bởi lỗi Cloudbleed.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại đó là 3.400 website này đã làm lộ thông tin cá nhân riêng tư của các khách hàng khác sử dụng dịch vụ của Cloudflare, bởi vậy, số website và người dùng thực sự bị ảnh hưởng có thể lớn hơn nhiều.

Cloudbleed vẫn còn đang nguy hiểm?

Không. Bạn có thể hiểu Cloudbleed giống như một người đã sống sót sau khi trải qua một cơn đau tim. Nạn nhân rất đau đớn, cần có các giải pháp để ngăn cơn đau quay lại, nhưng ít nhất thì nhất cơn đau đã qua đi. Cloudflare đã ngăn được lỗi trong vòng 44 phút kể từ khi nó được phát hiện, và tiến hành tìm hiểu, fix lỗi hoàn toàn trong 7 giờ đồng hồ.

Dù vậy, giới bảo mật tin rằng Cloudbleed đã ảnh hưởng tới các website từ tháng 9 năm ngoái, trong đó ảnh hưởng nghiêm trọng nhất xảy ra trong thời gian từ 13 đến 18/2 năm nay. Với thời gian lâu như thế, một khi các bên liên quan nghiên cứu và dò xét lại, nhiều khả năng thông tin cá nhân khách hàng của họ đã bị rò rỉ, ảnh hưởng.

Cloudflare là ai?

Cloudflare là hãng cung cấp hạ tầng internet và bảo mật thiết yếu cho hàng triệu website. Trên website của mình, Cloudflare liệt kê Nadaq, Bain Capital, OKCupid, ZenDesk, Cisco, cùng nhiều công ty khác, trong danh sách khách hàng của hãng.

Ngay cả khi bạn chưa từng nghe đến cái tên Cloudflare, nhiều khả năng những website bạn truy cập sử dụng dịch vụ của công ty này để bảo mật hay để cung cấp thông tin.

Những website nào bị ảnh hưởng?

Hiện tại, chúng ta mới biết rằng 3 website bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Cloudbleed là Uber, FitBit và OKCupid. Tuy nhiên, ngoài ra còn có hàng ngàn website khác.

Phản ứng trước thông tin về vụ rò rỉ bảo mật, các công ty đã lên mạng Twitter thông báo đang tìm hiểu về Cloudbleed và trấn an khách hàng.

Our investigation into the Cloudflare bug has revealed minimal exposure, if any. More details https://t.co/lYN7nq2oGq

— OkCupid (@okcupid) February 24, 2017

No 1Password data was put at risk through the bug reported earlier today. https://t.co/S7G62Qw85Q

— Cloudflare (@Cloudflare) February 24, 2017

Bao nhiêu người gặp nguy hiểm do Cloudbleed?

Rất khó để xác định con số chính xác, tuy nhiên, có thể khẳng định số người bị ảnh hưởng là không cao. Như đã nói ở trên, thời điểm mà Cloudbleed gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là từ 13 đến 18/2. Ở một bài viết đăng trên website, Cloudflare chia sẻ rằng, trong thời gian này, " chỉ 1 trong mỗi 3.300.000 yêu cầu HTTP qua Cloudflare tiềm ẩn nguy cơ gây lỗi rò rỉ bộ nhớ".

Loại thông tin gì bị rò rỉ?

Khi bạn nhìn vào địa chỉ web của website mà bạn đang truy cập, thi thoảng bạn sẽ thấy chữ "http" ở đầu. Nhưng khi bạn truy cập vào một website kiểu như trang web của ngân hàng hay các trang đăng nhập tài khoản, bạn sẽ thấy chữ "https" ở đầu, và nó có nghĩa là trang web sử dụng chuẩn bảo mật an toàn.

Các dịch vụ như Cloudflare giúp chuyển thông tin được nhập trên các website "https" giữa người dùng với máy chủ một cách an toàn. Sự việc xảy ra ở đây là một số thông tin bảo mật đó được lưu ở nơi không thuộc về chúng. Tệ hơn nữa, một số thông tin bảo mật được lưu lại này có thể được tìm thấy qua các công cụ tìm kiếm như Google, Bing, hay Yahoo.

Thông tin bị rò rỉ có thể là tên sử dụng và mật khẩu, một bức ảnh hay video cũng như thông tin máy chủ và các giao thức bảo mật. Hiện tại ở thời điểm này chưa có dấu hiệu nào cho thấy, thông tin bị rò rỉ đã bị hacker truy cập và khai thác.

Bạn nên làm gì?

Xác thực 2 bước là cách có thể giúp bạn bảo vệ tài khoản an toàn.

Bạn cần biết rằng những gì mình làm lúc này không thể cứu vãn những gì đã xảy ra. Nếu thông tin của bạn đã bị rò rỉ và mất cắp, bạn sẽ phải chấp nhận thực tế đó. Hành động vào lúc này chỉ giúp bạn tránh được những thảm hoạ bảo mật có nguy cơ xảy đến trong tương lai mà thôi.

Việc đầu tiên bạn cần làm đó là thay đổi mật khẩu tài khoản. Đó là cách để đảm bảo tài khoản của bạn không còn có nguy cơ bị thâm nhập thêm một lần nữa.

Tiếp theo, nếu một website hay dịch vụ mà bạn sử dụng có cung cấp bảo mật 2 bước, hãy sử dụng nó. Bảo mật 2 bước là cách bảo mật mà ngoài việc yêu cầu mật khẩu truyền thống, bạn còn phải nhập một đoạn mã được nhà cung cấp dịch vụ gửi về số điện thoại của mình, mới có thể đăng nhập được vào tài khoản.

Chuyện gì xảy ra tiếp theo?

Thông tin về Cloudbleed bị lộ ra và được đăng tải công khai hôm 23/2, và trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ có các thông tin mới về vụ việc. Liệu có dịch vụ nào khác ngoài Uber, Fitbit, và OK Cupid, bị ảnh hưởng hay không, chúng ta sẽ sớm có câu trả lời.

Theo MT
ICTnews

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

Suy nghĩ về phát biểu của ông Huỳnh Kim Tước, đại diện Facebook tại Việt Nam: kỹ thuật xảo trá trong ngôn từ.

Những suy nghĩ về lời phát biểu của mr Tước - đại diện FB tại Việt Nam, xảo trá trong ngôn ngữ, có note ở dưới để các bạn xem

01. Lời nói của mr Tước theo báo sẽ thấy một sự xảo trá trong ngôn ngữ - Mr Tước nói kiếm triệu đô nhưng chỉ nói là các ngành nghề liên quan tới thương mại điện tử và FB chứ không nói rõ ràng là bán hàng trên FB . Vì vậy đọc ba chớp ba nháng rồi hiểu là bán hàng qua FB thành triệu phú thì ôm hận nhé

02. Việc trở thành triệu phú đô la nhờ FB là có thật vì doanh số FB hút máu người Việt là hơn tỷ USD một năm - việc chia hoa hồng cho đại lý - những người xúi giục và hút máu đồng loại việt nam thì khá cao

03. Nếu thật sự bán e commerce thành triệu phú đô la thì bao nhiêu cao thủ không chết với e commere hàng trăm tỷ như bé yêu etc và hiện giờ Tiki. Họ là người bán nhiều nhất, hoạt động mạnh nhất thì chắc chắn phải biết.

04. Khi bạn đã lãi tới hàng triệu đô thương mại điện tử thì bạn sẽ phải gần như có mặt 100% tại TP HCM nơi quyết chiến điểm của thương mại và bạn phải cạnh tranh ngang ngửa với Tiki và Lazada, nếu có công ty như vậy liệu có thể tồn tại như những bóng ma không ai biết không.

05. Một bạn lãi 100.000 USD một tháng nếu kinh doanh e commerce thì sẽ phải có số lượng khách hàng đơn hàng vô cùng lớn, các bạn có thấy không.

Tóm lại Mr Tước này rất xảo trá trong ngôn ngữ cũng như bọn FB lập lờ trong từ ngữ không chính trực. Chốt lại, kiếm triệu đô nhờ FB là có thật tuy nhiên không phải bằng bán hàng mà qua cung cấp dịch vụ hút máu đồng loại Việt Nam và giữ tiền lại cho mình của các đại lý bán quảng cáo cho FB.

Ông Huỳnh Kim Tước, đại diện của Facebook trong phiên thảo luận tại Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam chiều nay (24/2) cho biết, tại Việt Nam, có khoảng 50 bạn trẻ (chỉ khoảng 19-20 tuổi) đã trở thành triệu phú đôla nhờ kiếm tiền trên mạng. Một người trong số họ tiết lộ: "Bình quân em chỉ được 100.000 USD/tháng thôi!".

Chú ý từ ngữ: kiêm tiền trên mạng không phải ghi rõ bán hàng qua mạng.

Ông cho biết trong một lần trò chuyện với một bạn trẻ Việt Nam hoạt động sôi nổi trên Facebook, ông đã hỏi vui một câu về thu nhập một tháng của cậu.

“Không nhiều bằng tháng trước”, bạn này nói, “bình quân em chỉ được 100.000 USD/tháng thôi”.

Bài chia sẻ từ facebook anh Vũ Tuấn Anh
Tác giá sách Khởi nghiệp ngay - sạt nghiệp luôn.
Sáng lập tổ chức kết nối doanh nhân Vietnam Business Matching.


- - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Tiết lộ gây sốc của đại diện Facebook về số lượng triệu phú đôla tự thân tuổi 20 ở Việt Nam

Ông Huỳnh Kim Tước, đại diện của Facebook trong phiên thảo luận tại Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam chiều nay (24/2) cho biết, tại Việt Nam, có khoảng 50 bạn trẻ (chỉ khoảng 19-20 tuổi) đã trở thành triệu phú đôla nhờ kiếm tiền trên mạng. Một người trong số họ tiết lộ: "Bình quân em chỉ được 100.000 USD/tháng thôi!".

Từ quan sát của mình, ông Huỳnh Kim Tước cho biết thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang rất sôi động và có nhiều dấu hiệu rất tích cực. Cụ thể, những chỉ số của Facebook cho thấy Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 7 đến 8 trên bảng tổng sắp và nếu trừ đi số ngày lễ, tết, chỉ số này còn có thể tăng hơn.

“Mặt bằng chung, Việt Nam không thể tham gia được vào các nước G7, nhưng nếu là Internet và Online thì chúng ta có thể đi tắt đón đầu và nhảy cóc. Nước ngoài họ cũng nhận xét là như vậy, nhưng hiện tại Việt Nam vẫn chưa tận dụng được cơ hội đó”, ông Tước nói.

Đại diện của Facebook cho rằng Việt Nam đang ở thời kỳ “thiên thời địa lợi” với dân số vàng. Bởi lẽ, giới 8X, 9X đủ trẻ để tiếp nhận và cũng đủ già để cảm nhận được những sự chuyển biến của Internet, đó là điều tốt. Tuy nhiên, ông cũng đánh giá những người trẻ này đang sử dụng nó nhiều khi tiêu cực.

“Hai nhà đồng sáng lập ra Google từng là hacker. Thời đi học, họ đã hack hệ thống server trường. Đơn giản, họ có tài năng nhưng chưa có sân khấu để diễn. Việt Nam cũng đang trong trạng thái đó”, ông Huỳnh Kim Tước cho biết.

Trong buổi toạ đàm, ông cũng kể một câu chuyện mà theo ông là nửa buồn, nửa vui về thế hệ trẻ Việt Nam trong thời đại công nghệ thông tin bùng phát.

Ông cho biết trong một lần trò chuyện với một bạn trẻ Việt Nam hoạt động sôi nổi trên Facebook, ông đã hỏi vui một câu về thu nhập một tháng của cậu.

“Không nhiều bằng tháng trước”, bạn này nói, “bình quân em chỉ được 100.000 USD/tháng thôi”.

“Anh chàng này mới chỉ 19 tuổi”, ông Tước cười nói. Đó là niềm vui với ông, bởi tính toán trên nền dữ liệu ông thu thập được, hiện có khoảng 50 triệu phú đô la như cậu chàng trên, và trong tương lai, số này sẽ tăng gấp đôi, đạt 100 người.

Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ, vui đó rồi lại buồn đó bởi không ai trong số những người trẻ trên muốn công khai danh tính, muốn chia sẻ câu chuyện, truyền cảm hứng cho cộng đồng.

“Họ không hề ngại về vấn đề nộp thuế. Cậu bạn 19 tuổi kia chỉ bảo, đăng ký rồi thì sẽ có chuyện gì xảy ra, em không muốn mỗi tuần đều có người đến nhà hỏi thăm em. Cái đó không rõ ràng, nhưng nó tồn tại, các em đã mơ hồ nhận ra cái gì đó, khiến bản thân e sợ”, đại diện Facebook phân tích.

Một câu chuyện khác ông Tước dẫn ra là việc Singapore trong tuần vừa qua đã đầu tư thêm 2 tỷ USD để nâng cấp hệ thống quản lý hỗ trợ các bạn trẻ làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và thương mại điện tử.

“Họ đầu tư tức là họ mang giải pháp kinh doanh để giải quyết khó khăn. Việt Nam mình thì dùng giải pháp chính sách với thông tư này, nghị định kia. Đấy là sự khác biệt!”, đại diện Facebook Huỳnh Kim Tước nói.

Theo Đức Minh
Trí thức trẻ

Bùng nổ cửa hàng tiện ích và siêu thị mini

3 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini tại Việt Nam lên đến 200%, trong khi đó, số cửa hàng tạp hóa đã giảm từ 62% xuống còn 52%.
Chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven vừa có thông báo tuyển dụng nhiều vị trí bán hàng tại TP.HCM. Như vậy là chỉ một thời gian ngắn nữa, hệ thống bán lẻ lớn nhất Nhật Bản này sẽ chính thức có mặt tại Việt Nam, thị trường bán lẻ sẽ thêm sôi động và nhiều thách thức.

Việc các đại gia bán lẻ mở rộng hệ thống cửa hàng tiện ích cho thấy họ rất hiểu những đặc tính như dân số dàn trải, thói quen ngại đi xa của người Việt. Nếu suy xét kỹ, việc phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích đang cạnh tranh trực tiếp với các cửa hàng tạp hóa, kênh bán lẻ truyền thống của Việt Nam.

Tại đường D1, quận Bình Thạnh, TP.HCM, trên đoạn đường dài chưa tới 1km nhưng đã có đến 5 cửa hàng tiện ích. Từ ngày các cửa hàng tiện ích xuất hiện, nhiều cửa hàng tạp hoá đã sụt giảm 2/3 doanh thu. 70% mặt hàng trong cửa hàng phải cắt giảm vì không bán được.

Sự chiếm ưu thế của các cửa hàng tiện lợi là do lượng hàng hóa phong phú, trưng bày đẹp mắt, giá cả niêm yết rõ ràng, không gian sạch sẽ và phục vụ 24/24h, do đó đã dần thay đổi thói quen của nhiều người tiêu dùng.

3 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini tại Việt Nam lên đến 200%, trong khi đó, số cửa hàng tạp hóa đã giảm từ 62% xuống còn 52%.

Thống kê từ Nielsen, tại Việt Nam, số lượng cửa hàng tạp hóa truyền thống vẫn đang nhiều gấp 40 lần so với các cửa hàng bán lẻ hiện đại. Mặc dù giảm về doanh thu nhưng với đặc thù dân số dàn trải, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn đang đáp ứng tới 85% nhu cầu tiêu dùng của người Việt.

Thế nhưng từ trước đến nay, gần như không có một chính sách hỗ trợ nào cho kênh bán lẻ này, chính vì thế, dù sẵn có tiềm năng nhưng các cửa hàng tạp hoá truyền thống vẫn đang loay hoay trước sự đổ bộ như vũ bão của các doanh nghiệp ngoại.

Theo PV
VTV

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

Taxi truyền thống đòi giảm thuế cho bằng Uber, Grab tại Việt Nam

Trong khoảng hơn 2 năm gần đây, sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của dịch vụ vận chuyển Uber và Grab đã làm “dậy sóng” thị trường vận tải hành khách trên cả nước. Lượng tài xế chạy Uber, Grab tăng lên, Uber, Grab cũng liên tục tung ra những chính sách hỗ trợ để thu hút tài xế, khuyến mại giá cước cho khách hàng… điều này tạo ra áp lực lớn đối với sự cạnh tranh của taxi truyền thống.
Cụ thể, theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Tp.HCM, hiện nay số lượng xe hợp đồng dưới 9 chỗ được cấp phù hiệu tại Tp.HCM là dưới 20.000 xe trong khi đó, từ năm 2010 đến nay, số lượng xe taxi vẫn giữ nguyên khoảng 11.000 xe. Chính sự phát triển của Uber, Grab đã và đang thu hẹp thị phần của taxi truyền thống một cách nhanh chóng, đẩy taxi truyền thống vào thế thua ngay trên sân nhà, do giảm lượng khách, giảm lái xe, giảm doanh thu.

Về thuế, ông Hỷ nhấn mạnh đây là một trong những bức xúc của taxi truyền thống khi đang phải gánh chịu nhiều loại thuế, trong đó có hai loại thuế khá cao là thuế giá trị gia tăng 10% và thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%.

Trong khi đó, đối với Uber, Bộ Tài chính áp thuế cho Uber theo thuế suất 3% thuế giá trị gia tăng trên doanh thu được hưởng. Nếu lấy mức 20% doanh thu mà Uber được hưởng thì mức thuế Uber phải nộp là 0,6% trên tổng doanh thu chung.

Đối với các cá nhân là đối tác trực tiếp của Uber cũng áp dụng thuế suất giá trị gia tăng là 3% trên doanh thu được hưởng. Như vậy, các cá nhân này chỉ nộp mức thuế giá trị gia tăng bằng 2,4% trên tổng doanh thu chung.

Cách tính trên cũng được Cục thuế Tp.HCM áp dụng với Grabcar và các đối tác của họ.

“Cách tính thuế nói trên là thấp so với mức thuế taxi truyền thống đang gánh chịu gồm 10% VAT và 20% thu nhập doanh nghiệp. Cách tính này không chỉ thiếu công bằng giữa các đơn vị vận tải taxi và Uber, Grab mà còn thất thu ngành thuế”, ông Hỷ nói.

Bên cạnh đó, theo ông Hỷ, năm 2016, chỉ riêng các doanh nghiệp taxi tại Tp.HCM đã nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng thuế, phí. Với cách tính nói trên dành cho Grab và Uber, liệu Nhà nước sẽ thu được bao nhiêu tiền thuế, trong khi trên thực tế, số phương tiện hoạt động của Uber, Grab cao hơn rất nhiều so với taxi truyền thống.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, Grab và Uber hiện đang được hưởng mức thuế doanh thu 3% trên 80% doanh thu và 1,5% thuế thu nhập tính cho 80% doanh thu. Do chỉ phải tính thuế trên 80% doanh thu nên thực chất Grab và Uber đang hưởng ưu đãi với mức thuế 2,4% trên doanh thu và 1,6% thuế thu nhập.

Trên cơ sở, đó, ông Bình kiến nghị đối với các xe Grab và Uber hoạt động tại Hà Nội phải được quản lý như taxi truyền thống.

“Đề nghị tạm dừng hoạt động của đề án thí điểm Grab và Uber để đánh giá ảnh hưởng của loại hình vận tải này đến quản lý thuế, môi trường và tình trạng ùn tắc giao thông của Hà Nội. Uber và Grab cũng phải chịu mức thuế 10% trên tổng doanh thu chuyến đi và 20% thuế thu nhập giống như mức thuế áp dụng với taxi truyền thống”, ông Bình cho hay.

Còn Hiệp hội Taxi Tp.HCM thì cho rằng, để đảm bảo công bằng các cơ quan chức năng nên áp dụng thống nhất chính sách thuế cho taxi truyền thống và xe hợp đồng - Grab và Uber. Ví dụ, thuế giá trị gia tăng VAT hoặc là 10% hoặc là 5% trên doanh thu. Dù có xé lẻ, tách nhỏ doanh thu cho từng bộ phận thì tổng thuế phải nộp cũng dựa trên cơ sở tỷ lệ 100% doanh thu.

“Chúng tôi kiến nghị thuế giá trị gia tăng các doanh nghiệp kinh doanh taxi Grab và Uber nên ở mức 5%”, ông Hỷ kiến nghị.

Trước những đề xuất của hai đơn vị này, đại diện Vụ chính sách thuế, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng không có sự khác biệt giữa doanh nghiệp nộp thuế kê khai hay doanh nghiệp nộp thuế ấn định trên doanh thu.

Nếu chỉ nhìn mức thuế 3% hay 10% để nói 3% nhỏ hơn rất nhiều 10% là không đúng. Bởi vì doanh nghiệp nộp thuế VAT 10% còn được khấu trừ thuế VAT từ đầu vào như chi phí nhà xưởng, mua sắm tài sản cố định… 20% thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng sau khi đã trừ đi chi phí nhà xưởng, tài sản cố định, giá xăng…

“Doanh nghiệp nộp thuế kê khai 10% VAT và 20% thu nhập doanh nghiệp không khác với doanh nghiệp nộp thuế ấn định trên doanh thu 3% và thu nhập cá nhân 1,5%. Nếu các anh đề xuất giảm VAT xuống 5% thì thuế suất ấn định sẽ giảm xuống theo, vì căn cứ tỷ lệ hoạch định chính sách giá trị gia tăng ngành mang lại 30% mà giảm VAT 5% thì tỷ lệ ấn định là 1,5%”, vị này nói.

Theo Khánh Linh
VnEconomy

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

Bệnh nan y khó chữa: “TÍNH KHÔN LỎI” của bộ phận người Việt.

Tôi có quen với những người bạn làm trong lĩnh vực du lịch, tổ chức sự kiện, teambuilding… Thi thoảng nghe kể về những câu chuyện mà cười ra nước mắt. Như câu chuyện sau:

Công ty của anh nhận được yêu cầu báo giá từ một khách hàng ABC khá lớn, mà anh chăm sóc lâu nay. Khách hàng cần tổ chức sự kiện du lịch nội bộ cho hơn 200 người. Sau khi nắm bắt nhu cầu, yêu cầu lên kế hoạch tổ chức, nguồn lực tài chính của khách hàng, đội thiết kế sản phẩm của công ty mà anh là chủ lực, vắt óc suy nghĩ để lên chương trình cho hấp dẫn.

Làm xong, xem tới xem lui sao cho hợp lý và phù hợp với ngân sách khách hàng, cũng chỉ tính toán khoảng lợi nhuận đủ để vận hành, vì thời gian này khó có hợp đồng, nhân viên đã ngồi chơi dài dài, có hợp đồng này anh em sẽ có thêm công việc để tran trải chi phí. Hy vọng lắm!

Rồi công ty anh gửi kịch bản kèm báo giá theo đúng nhu cầu. Nhận được phản hồi khen tích cực từ bộ phận nhân sự, vui lắm thay. Chờ đợi công việc.

Nhưng đời không như mơ, bộ phận nhân sự phía khách hàng phản hồi công ty dịch lại thời gian, vài tháng tới mới tổ chức vì nhiều lý do, bla… bla …. Thôi, đành chờ khách hàng vậy.

Kinh doanh của bên anh vẫn chăm sóc khách hàng nhưng dần dần nhận ra kế hoạch đã bị hủy mà theo thông tin là để tiết kiệm chi phí nên công ty không tổ chức nữa.

Bằng thời gian sau, nhân một sự kiện gặp người bạn thân của khu du lịch. Nói chuyện về công việc, người bạn chia sẻ vừa rồi công ty ABC tổ chức cái sự kiện hơn 200 khách tại đây, họ tự tổ chức, thấy nó thiếu chuyên nghiệp lắm. Hỏi kỹ hơn về chương trình, anh té ngửa kịch bản đó là của công ty anh và công ty ABC đã dựa vào đó để tự tổ chức. Có lẽ để tiết kiệm ít chi phí nếu phải thuê đối tác làm dịch vụ.

Họ có biết không, kịch bản đó là trí tuệ, là kinh nghiệm và sức lực của cả một đội ngũ, mà con người thì không thể sống bằng hít không khí và uống nước lã được, công ty của anh vẫn phải đóng thuế, trả tiền thuê văn phòng, lương…, lấy gì để tồn tại nếu “bị cướp” như vậy.

Anh kể cho tôi nghe và chỉ cười trừ và bảo “số lượng đó ít em à nhưng nó thể hiện cái tính khôn lỏi của bộ phận người Việt”.

Tôi cũng kể anh nghe câu chuyện kinh doanh của tôi. Tôi có làm mảng làm áo thun đồng phục tại Bà Rịa Vũng Tàu, thi thoảng có khách hàng yêu cầu tôi lên nhiều thiết kế mẫu để họ lựa chọn. Thời gian đầu, tôi cũng chăm chỉ, cố gắng lắm, chăm sóc khách hàng sao cho thật tốt. Có những khách hàng tôi thiết kế đến 5 – 7 mẫu, đa số là tốt đẹp cả. Thế nhưng, bị vài vố đau tương tự như anh, có vài khách hàng sau khi nhận file thiết kế thì lặn tăm luôn, bảo không còn nhu cầu nữa, bla ….bla ….

Thế là tôi đi tìm giải pháp, tôi chỉ nhận thiết kế mẫu và thu phí là 300.000 vnd/mẫu, nếu khách hàng chấp nhận làm áo thun đồng phục bên tôi thì sẽ trừ chi phí thiết kế mẫu ra khỏi đơn hàng (là free thiết kế vậy).

Với nguyên tắc này, hợp đồng nào tôi chắc hợp đồng đó và cũng không ít khách hàng liên hệ, sau khi nghe nguyên tắc này họ bỏ rơi tôi. Nhưng không sao, tôi cần là cần khách hàng có uy tín, vì tôi làm việc uy tín, tôi không cần những kẻ kinh doanh khôn lỏi, thiếu uy tín.

Hy vọng qua hai câu chuyện trên sẽ giúp bạn rút ra cho bản thân bài học gì đó có giá trị với công việc kinh doanh hiện tại của bạn.

HÃY CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY NẾU BẠN ĐỒNG CẢM VỚI TÔI NHÉ!



Ngày 23/03/2016
Cao Trung Hiếu

Microsoft vừa có một chiến thắng quan trọng trước Amazon trong cuộc chiến đám mây

Microsoft vừa ký kết hợp đồng độc quyền với công ty thương mại điện tử lớn nhất tại Ấn Độ.
Microsoft vừa có một chiến thắng quan trọng trước đối thủ Amazon Web Services trong cuộc chiến đám mây. Đó là giành được hợp đồng độc quyền cung cấp dịch vụ và nền tảng điện toán đám mây Azure cho Flipkart.

Flipkart là nền tảng thương mại điện tử lớn nhất tại Ấn Độ, do đó hợp đồng độc quyền này có ý nghĩa rất lớn đối với Microsoft. Bản hợp đồng này không chỉ giúp Microsoft có thêm một khách hàng lớn, mà còn giúp ngăn chặn đối thủ Amazon tiếp tục bành trướng thế lực tại các thị trường mới nổi.

Thỏa thuận giữa 2 công ty đã được công bố trong một sự kiện gặp gỡ giữa CEO Satya Nadella và nhà đồng sáng lập kiêm CEO Binny Bansal của Flipkart. Thỏa thuận hợp tác sẽ bắt đầu với một cơ sở hạ tầng điện toán đám mây lưu trữ dữ liệu, sau đó sẽ mở rộng ra các dịch vụ cao cấp hơn như phân tích dữ liệu điện toán đám mây.

CEO Satya Nadella của Microsoft cũng là một người gốc Hyderabad, Ấn Độ. Cũng chính vì vậy mà vị CEO này có được nhiều mối quan hệ tốt với các công ty tại Ấn Độ. Ông cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Flipkart, cho rằng đây là công ty thương mại điện tử có quy mô và công nghệ hàng đầu tại Ấn Độ.

Trên mặt trận thương mại điện tử, Flipkart cũng chính là đối thủ cạnh tranh của Amazon. Có lẽ một phần vì thế mà Microsoft dễ dàng giành được hợp đồng độc quyền này. Tuy nhiên trước đây, không phải Amazon chưa từng cung cấp dịch vụ AWS cho các đối thủ của mình (Netflix là một ví dụ).

Amazon cũng tuyên bố sẽ chi 5 tỷ USD để phát triển nền tảng AWS của mình tại Ấn Độ, bước đầu tiên chính là xây dựng một trung tâm dữ liệu tại Mumbai hồi năm ngoái. Tuy nhiên Microsoft lại có được ưu thế lớn hơn trong cuộc chiến này, khi giành được một trong những khách hàng lớn nhất tại Ấn Độ.

Để cạnh tranh, Microsoft cũng sẽ tiếp tục nâng cấp nền tảng và dịch vụ điện toán đám mây Azure của mình. Bước tiếp theo sẽ là sử dụng trí tuệ nhân tạo, machine learning và phân tích dữ liệu trong Azure, nhằm phục vụ các nhu cầu bán hàng, quảng cáo, tiếp thị và chăm sóc khách hàng một cách hiệu quả nhất.

Theo TVD
Trí Thức Trẻ

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

Triệu phú tự thân Ramit Sethi: Đam mê không từ trên trời rơi xuống, bạn phải tự tìm ra cho riêng mình

Bạn cũng mong muốn một sự nghiệp rực rỡ, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu vì “đam mê còn chưa tới”. Nếu bạn mong chờ đam mê sẽ tự tìm đến bạn như quả táo rơi trúng đầu Issac Newton, có lẽ, bạn sẽ phải chờ đợi mãi mãi.
Đừng ngốc nghếch, đam mê không tự rơi từ trên trời xuống.
Chúng ta đều biết rằng, những doanh nhân thành công đều bắt đầu sự nghiệp của họ với niềm đam mê mãnh liệt. Họ đam mê thứ họ theo đuổi đến nỗi có thể nói cả ngày về nó, và có thể lay động người khác khi kể về công việc.

Ramit Sethi, triệu phú tự thân người Mỹ, tác giả cuốn sách Dạy bạn cách làm giàu, đã chia sẻ với khán giả trong chương trình The James Altucher Show, con đường để tìm kiếm đam mê, xây dựng một cuộc sống giàu có bắt đầu với việc kinh doanh.

Theo Sethi, bạn không nên suy nghĩ rằng bản thân không đủ đam mê với bất kỳ điều gì để có thể khởi nghiệp với nó. “Rất nhiều người chờ đợi niềm đam mê tự đến với họ. Đam mê không tự rơi từ trên trời xuống. Bạn phải hành động để tìm thấy đam mê của cuộc đời mình. Bạn sẽ đam mê công việc khi bạn thực hiện nó thật tốt”. Khi bắt đầu viết sách về việc phát triển và quản lý tài chính cá nhân, Sethi vẫn tiếp tục học tập và tìm hiểu nhiều hơn về lĩnh vực này. Kiến thức giúp ông phát triển bản thân và thực hiện tác phẩm tốt hơn. Chính điều đó khiến Sethi đam mê lĩnh vực này nhiều hơn nữa: “Tôi có thể nhìn thấy sự thay đổi của nhiều người. Họ bắt đầu đầu tư và tiết kiệm nhiều hơn”.

Bất kỳ ai cũng có những ý tưởng, những một doanh nghiệp cần học cách đặt các ý tưởng đó trong hệ thống để có thể phát triển nó. Niềm đam mê bắt đầu với sự quan tâm và lợi ích, nhưng nó không đơn thuần chỉ là phát hiện ra, bạn cần tích cực đào sâu và phát triển nó hơn nữa. Bạn chỉ tìm thấy niềm đam mê khi thực sự cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và tràn đầy năng lượng khi thực hiện những điều liên quan. Hay nói một cách khác, không quan trọng việc bạn chưa có một mục tiêu hay một giấc mơ thực sự khiến bạn thao thức hàng đêm. Hãy tích cực thực hiện những điều bạn cảm thấy hứng thú, tò mò hoặc có kỹ năng tương đối, niềm đam mê sẽ phát triển dần theo thời gian.

Bạn không nên giới hạn các mối quan tâm, sở thích của bản thân. Hãy trải nghiệm tất cả, bạn có thể khám phá ra niềm đam mê và mục đích sống thực sự. Mọi đam mê đều cần có thời gian, công sức và cần sự hỗ trợ từ người khác. Khi bạn chưa có ý thức rõ ràng về đam mê của bản thân, hãy nỗ lực, thử sức với những công việc khác nhau. Cuộc sống của bạn chỉ có thể do chính bạn tạo ra, niềm đam mê chỉ có thể do chính bạn đi tìm.

Theo Thu Hoài
Trí thức trẻ/Businessinsider

Thúc đẩy khởi nghiệp không đúng cách là tội ác đối với tuổi trẻ.

Trưa chủ nhật sau khi dạy xong, tôi định ăn cơm. Có điện thoại reo và một giọng nam "anh có phải là anh tuấn anh phụ trách hỗ trợ khởi nghiệp của tập đoàn Hoa Sen”. Tôi cũng không bât ngờ vì số phone được đặt trên FB và các bạn khởi nghiệp vẫn hỏi tôi về một câu chuyện gì đó cần tư vấn. Tuy nhiên giọng của cậu thanh niên tỏ rất lo lắng và sợ hãi. Tôi nhận lời.

Tới gặp một cậu thanh niên khoảng 27-28 khá thông minh và sáng sủa tuy nhiên gương mặt thất thầt và đầy lo âu. Cậu tâm sự: em là sinh viên kinh tế của 1 trường (không tiện nêu tên) nằm trong top 5 trường kinh tế tại TP HCM. Em vào đại học năm 2009 và ra trường đúng thời điểm năm 2013 có phong trào khởi nghiệp. Em quê miền trung gia đình khá khó khăn. Trong 4 năm làm sinh viên em có dạy thêm và kiếm được gần 30 triệu sau 4 năm có 1 xe máy. Trong số sinh viên cùnng khóa em có thể gọi là thành đạt. năm 2013 sau khi được truyền cảm hứng vì phong trào khởi nghiệp từ quốc gia khởi nghiệp của Trung Nguyên em biết anh từ hồi đó khi anh làm diễn giả trong buổi chung kết.

Em quyết định khởi nghiệp quán café và sau 1 năm thì lỗ banh vốn phải bán xe đi trả nợ, tay trắng hoàn tay trắng. Em liều về nhà nói dối bố mẹ là xin việc trong 1 doanh nghiệp và cần 50 triệu để xin vào vị trí ngon. Bố mẹ tin em cầm cố ruộng cho em 50 triệu. Em vào trong TP HCM khởi nghiệp lần 2 bằng cách mở cửa hàng online, mở shop online theo phong trào haravan. Cũng hơn năm banh xác vì tiền marketing, tiền trà mặt bằng, tiền mua hàng một đống tồn kho để đấy cộng thêm nợ vài chục triệu từ bạn bè người thân. 

Giờ em không dám gặp ai, trốn nợ trong thành phố Hồ Chí Minh. Tết vừa rồi em không dám về nhà vì bố mẹ hỏi đòi tiền để trả nợ, cả gia đình em ở quê có hai đứa em cũng phải làm thêm để trả nợ khoản tiền cầm cố, đứa em thứ nhất của em học giỏi nhưng năm nay không dám xét tuyển đại học vì gia đình không có tiền. Em ở đây thi sống chui sống nhủi có 1 -2 đứa bạn cưu mang sống qua ngày.

Em nghĩ lại thiệt là dại, mấy đứa bạn em cùng lớp học kém hơn em giờ đi làm việc lương cũng gần chục triệu một tháng. Em dại quá nghe theo phong trào khởi nghiệp giờ thành gánh nặng cho gia đình, khi hô hào khởi nghiệp thì ai cũng hồ hởi tuy nhiên tới lúc làm thì chẳng có ai giúp mình cả, em có đọc quyển sách khởi nghiệp ngay sạt nghiệp luôn của anh vô cùng thấm thía. Và đó cũng là lý do em gọi anh để được nghe lời khuyên làm thế nào bây giờ.

Tôi nghe xong vị đắng café còn mãi. Tôi là 1 trong những người phản đối mãnh liệt việc hô hào phong trào khởi nghiệp một cách không cẩn thận chẳng khác nào lùa hàng triệu bạn sinh viên vào lò sát sinh khởi nghiệp. Khởi nghiệp nó khắc nghiệt trần trụi chẳng kém gì showbiz, một ca sỹ thành danh trên ánh đèn sân khấu là hàng chục ngàn bạn trẻ banh thây khi cố gắng làm ca sỹ. 

Còn bao nhiêu bạn trẻ như thế này nữa, còn bao nhiêu bạn startup đang đốt thời gian sức lực vào giấc mơ ảo vọng mở doanh nghiệp lên sàn gọi vốn hàng tỷ đô.

Tôi có khuyên bạn đó hãy bình tĩnh chấp nhận thực tại, hãy nói thật với gia đình và bè bạn, đừng sĩ diện trong hào quang startup giả tạo, hãy sống thật với mình, hãy quay lại làm thuê, làm thuê cần phải coi là quốc sách thay vì hô hào nhà nhà khởi nghiệp người người startup hiện nay. 

Việt Nam cần phải là quốc gia đi làm việc chuyên nghiệp trước khi đại nhẩy vọt thành quốc gia khởi nghiệp ngay – quốc gia sạt nghiệp luôn.

Khởi nghiệp cần được hiểu là tâm thế là sáng tạo là đổi mới chứ không phải là mở hàng trăm ngàn doanh nghiệp bé tý xíu rồi banh xác ngày mai.

Nhấn nhủ các bạn trẻ, lúc vui thì nhà nước đoàn thể lãnh đạo vỗ tay vào tới lúc phá sản hoạn nạn thì chẳng có mặt  nào bên cạnh các bạn để giúp các bạn khi phá sản khi trả nợ 

Bài viết từ facebook Vũ Tuấn Anh
Tác giả sách Khởi nghiệp ngay - Sạt nghiệp luôn.


Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

Giá xăng tăng lần đầu tiên trong năm 2017

Theo thông báo của Liên bộ Tài chính - Công Thương, từ 15h ngày 18/2, giá xăng A92 tăng 504 đồng/lít. Mức tăng này đúng theo xu hướng tăng của giá thế giới thời gian gần đây.
Giá xăng tăng lần đầu tiên năm 2017 vào 15h ngày 18/02/2017
Như vậy, giá bán lẻ xăng RON 92 đến người dùng sẽ lên mức 18.098đồng/lít. Xăng E5 cũng tăng 496 đồng/lít, giá bán lẻ tối đa là 17.818 đồng/lít.

Các mặt hàng dầu có mức tăng nhẹ hơn, chỉ dưới 300 đồng/lít. Cụ thể, dầu diesel tăng 238 đồng/lít, lên mức tối đa 14.305 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 238 đồng/lít lên 12.758 đồng/lít. Dầu mazut tăng nhẹ 117 đồng/kg, lên 11.323 đồng/kg.

Bộ Công Thương cũng công bố mức trích lập Quỹ bình ổn được giữ nguyên như hiện hành.

Cụ thể, trích lập với giá xăng khoáng 300 đồng/lít, xăng E5 mức 0 đồng/lít và giữ nguyên với các mặt hàng dầu.

Mức tăng này tương đương với dự báo của các doanh nghiệp đầu mối phía Nam trước phiên điều chỉnh giá hôm nay. Do các đơn vị nhập khẩu đầu mối đang lỗ nếu tính trên giá cơ sở.

Theo dự đoán trước đó của một doanh nghiệp đầu mối phía Nam, nếu giữ nguyên mức xả quỹ bình ổn như hiện tại thì giá xăng và dầu có thể tăng lần lượt là 800 và 600 đồng/lít

Đây là lần tăng giá đầu tiên trong năm 2017 đối với xăng sau 3 lần giữ giá tại các đợt điều chỉnh liên tiếp từ đầu tháng 1.

Trong 3 phiên điều chỉnh trước đó, giá xăng vẫn được duy trì ở mức 17.590 đồng. Trong khi các mặt hàng dầu giảm nhẹ trong phiên điều chỉnh gần nhất (3/2).

Theo Bình Nguyên
Zing

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2017

Hướng dẫn cài đặt ứng dụng xem báo cáo online DanTriSoft trên smartphone, máy tính bảng.

Dân Trí Soft sử dụng công nghệ mới nhất nhằm đơn giản hóa khâu setup, tự tin là đơn vị tiên phong tại Việt Nam ứng dụng công nghệ này (tính đến tháng 03/2017).
Giải thích về mô hình

1. Phần mềm được cài đặt vào máy tính khách hàng nên dữ liệu được đặt tại đó. Điều này có mấy điểm thuận tiện:
- Dữ liệu quản trị nội bộ, an toàn tuyệt đối, hacker có tài giỏi đến mấy cũng không hack được ngoại trừ có nội gián nhé.
- Dữ liệu quản trị nội bộ nên không bị ảnh hưởng khi mất internet hay wifi hoạt động không ổn định. Do đó, mọi nghiệp vụ bán hàng diễn ra luôn ổn định.

2. Ứng dụng xem báo cáo online DanTriSoft được download tại CH Play (với Android), App Store (với IOS), cài đặt vô cùng đơn giản, không giới hạn số lượng máy điện thoại cài đặt, tất cả là free – đây là điểm khác biệt với nhiều công ty sẽ thu phí trên mỗi thiết bị.

3. Server kết nối là điểm mấu chốt của giải pháp: DanTriSoft tạo ứng dụng qua một server có nhiệm vụ làm cầu nối giữa Máy tính đặt tại công ty khách hàng và Ứng dụng được cài đặt trên smartphone, máy tính bảng. Cầu nối này sẽ truy xuất dữ liệu để lên báo cáo.

Với giải pháp này có tính bảo mật cực cao vì tất cả đều được “ảo hóa” như đúng với tư duy phát triển của DanTriSoft “ảo hóa, là vô hình, là gió”, điều đó sẽ giúp khách hàng an tâm về dữ liệu.

Hướng dẫn cài đặt
Gồm 2 bước

Bước 1: Setup để máy tính khách hàng trở thành máy một máy chủ ảo.
1.1 Máy tính cần cài đặt .NET Framwork 4.5 trở lên: với Windows 8, 10 đã tích hợp sẵn, với Windows 7 thì download tại đây và cài đặt.
1.2 Download và giải nén file Dân Trí Soft service data:  download tại đây.
1.3 Copy và paste file DTS.SeriveData vào thư mục RUN trên máy tính khách hàng, thông thường là ổ C>>DanTriSoft>>POS (hoặc Restaurant…), ta paste file setup hệ thống vào đây.
1.4 Khai báo để kết nối (rất quan trọng): công việc này thường chỉ làm 1 lần duy nhất.
1.4.1 Nhấp double file DTS.ServiceDaTa để thiết lập. Một số trường hợp khi nhấp double cửa sổ thiết lập không được bật lên, bạn kiểm tra trên thanh taskbar vì có thể đang bị chạy ẩn, bạn nhấp double để cửa sổ thiết lập được bật (Title của cửa sổ là ServiceClient).
1.4.2 Nhấn vào nút Thiết lập, sẽ hiện ra cửa sổ để đăng ký (Title của cửa sổ là Register-DanTriSoft):
+ Mã gian hàng: là định danh duy nhất trên hệ thống, thường dùng số di động để đăng ký vì số di động là duy nhất.
+ Email: thông tin email thường sử dụng của khách hàng, sau này khách hàng có thể dùng email này để yêu cầu hỗ trợ trên hệ thống.
+ Mật khẩu: đây là mật khẩu để xem ứng dụng báo cáo online DanTriSoft, tuyệt đối không gõ mật khẩu email nhằm phòng ngừa rủi ro.
+ Đơn vị triển khai: mỗi đại lý sẽ có 1 mã đơn vị triển khai (thông thường sử dụng chính số di động của đại lý làm mã đơn vị triển khai), mục tiêu để hệ thống tổng kết doanh số đại lý và hơn nữa khi khách hàng này tiếp tục gia hạn dịch vụ thì đại lý vẫn nhận được hoa hồng của các năm tiếp theo (bản chất là win – win vĩnh viễn).
Check chọn phần mềm sử dụng: Restaurant-Cafe hay Karaoke-Bida hay POS
Sau đó nhất lưu để hoàn tất khâu đăng ký.
1.4.3 Kiểm tra xem thiết lập đã thành công hay chưa: Vào lại cửa sổ ServiceClient, kiểm tra thông tin Mã gian hàng, Email, Đơn vị triển khai đã ok chưa, thông thường sẽ mặc định lấy lại thông tin khai báo bước trước, nếu chưa bạn vui lòng gõ lại thông tin.
Quan trọng nhất là bạn xem dòng: Status là đã có thông báo Connected chưa; bắt buộc phải Connected thì khai báo mới thành công, nếu chưa vui lòng làm lại các bước trước.
Bạn nhớ check chọn Khởi động cùng Windows. Sau đó nhấn Ẩn xuống thanh taskbar, không nhấn Thoát nhé vì nhấn Thoát tức là tắt luôn dịch vụ.

Bước 2: Cài đặt ứng dụng DanTriSoft lên smartphone, máy tính bảng.
- Rất đơn giản bạn vào download tại CH Play (với Android), App Store (với IOS) tìm từ khóa DanTriSoft, cài đặt vô cùng đơn giản.
- Sau khi cài đặt thành công. Bạn khai báo thông tin Mã gian hàng, Email và Mật khẩu ở bước đăng ký trên và nhấn Login để đăng nhập.
(Hiện tại Dân Trí Soft đang set hệ thống là active tự động 15 ngày để khách hàng trải nghiệm ứng dụng này, sau 15 ngày sẽ tắt muốn gia hạng cần đăng ký gói trả phí).
Đại lý dùng thông tin sau để đăng ký máy chủ và đăng nhập ứng dụng
Gian hàng: số di động của đại lý (ví dụ: 0988123126)
Email: sodidong@gmail.com (ví dụ: 0988123126@gmail.com)
Mật khẩu: dantrisoft.

Thấy gì từ câu chuyện Diêm Thống Nhất chết vì cái bật lửa?

Nhu cầu giảm và những sản phẩm mới thay thế thông minh hơn, tiện lợi hơn, phù hợp với đời sống của con người đã khiến những cái chết của những que diêm, máy đánh chữ, điện thoại để bàn hay máy fax… trở thành một lẽ tất yếu.
Khi những chiếc bật lửa chưa phổ biến, diêm Thống Nhất là sản phẩm không thể thiếu trong sinh hoạt của người Việt. Bao diêm có logo hình chú chim bồ câu trắng, phía dưới dòng chữ “Diêm Thống Nhất” cỡ lớn chạy ngang mặt bao cho in nơi sản xuất tại Công ty Cổ phần diêm Thống Nhất.

Hình ảnh bao diêm loại 82 que quá quen thuộc trong các gia đình, xuất hiện ở hàng nước, trong chùa… giờ đã đi vào dĩ vãng. Dù sản phẩm này gắn liền với kỷ niệm của bao người, là niềm tự hào 60 năm của cả một thương hiệu lớn… nhưng nó vẫn không thể thay thế được giá trị sử dụng trong cuộc sống hiện đại.

Dù vẫn giữ cái tên “diêm Thống Nhất”, nhưng que diêm đã không còn là sản phẩm chính trong một doanh nghiệp tuổi đời 60 năm ở Việt Nam. Chính lãnh đạo của công ty này cũng thừa nhận: “Diêm là sản phẩm tiêu dùng thông thường nhưng tính thương mại kém, giá trị thấp và có nhiều sản phẩm thay thế. Sự sụt giảm trong tiêu thụ là hệ quả tất yếu khi diêm đang bị thay thế bằng sản phẩm bật lửa các loại”.

Khi cung không gặp cầu

Tình hình hoạt động của Công ty cổ phần Diêm Thống Nhất - đơn vị giữ thị phần gần như tuyệt đối về sản xuất diêm ở Việt Nam vừa công bố cho thấy, số lượng bao diêm mà đơn vị này tiêu thụ trong năm 2016 chỉ đạt 109 triệu bao, giảm 3 triệu bao so với năm 2015, giảm 6 triệu bao so với năm 2014 và gần 30 triệu bao so với năm 2013.

Sự xuất hiện của chiếc bật lửa đã làm nên cái chết nhẹ nhàng cho những que diêm, không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nơi trên thế giới. Theo một báo cáo mới nhất của đơn vị trên, sau gần 20 năm xuất hàng cho đối tác truyền thống Malaysia, đến hết năm 2015, diêm hộp xuất khẩu gần như đã phải chấm dứt hoàn toàn do nhu cầu sử dụng không còn.

Đây không phải là điều tất yếu với que diêm mà còn là số phận của máy đánh chữ, là cái chết được báo trước của những chiếc điện thoại để bàn, máy fax, rồi đây là xe đạp truyền thống khi dần được thay thế bởi những sản phẩm mới như CP, laptop, điện thoại di động - smartphone…

Nếu có ai còn để ý thì hình như tiếng chuông điện thoại bàn đã không còn reo lên trong mỗi hộ gia đình như thời gian cách đây hơn 10 năm nữa, mà thay vào đó tiếng chuông của những chiếc smartphone.

Theo những số liệu mới công bố, số thuê bao cố định trong ngành viễn thông Việt Nam năm 2015 chỉ còn là 5,9 triệu thuê bao, giảm 1,23 triệu trong 10 năm. Nếu như năm 2005, thị phần thuê bao cố định vẫn là 45% thì đến năm 2015, con số này chỉ còn vỏn vẹn 4%.

Điều này thể hiện rõ nhất tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - doanh nghiệp duy nhất có vị trí thống lĩnh trên thị trường thuê bao điện thoại cố định, ở thời điểm cực thịnh đã sở hữu tới 13 triệu thuê bao nhưng giờ đây, số thuê bao cứ thường hụt đi khoảng 25% mỗi năm.

Tính riêng ở thủ đô, Bưu điện Hà Nội (đơn vị trực thuộc VNPT, cung cấp dịch vụ điện thoại cố định tại Hà Nội với thị phần khoảng 85%) báo cáo rằng, mỗi năm có khoảng 60.000 thuê bao cố định thuộc quản lý của đơn vị này ngừng hoạt động.

Rồi đây, theo sự thay đổi chóng mặt của cuộc sống, những sản phẩm huy hoàng một thời sẽ dần đi vào dĩ vãng.

Theo báo cáo của Minneapolis Star Tribune, doanh số thị trường xà phòng bánh ở Mỹ đã giảm 85% trong vòng 20 năm qua. Phần lớn nguyên nhân là do người dân nước này bắt đầu tin rằng, xà phòng bánh kém vệ sinh hơn, bất tiện khi mang đi và cũng như chất lượng không bằng xà phòng dạng gel và sữa tắm.

Trên các đường phố, đặc biệt ở Việt Nam mấy năm trở lại đây, hình bóng chiếc xe đạp truyền thống cũng trở nên “cô đơn” hơn trong biển xe máy, ô tô. Và đâu đó, trong các văn phòng, máy fax từng tồn tại từ rất lâu giờ cũng đã đến lúc trở thành “đồ cổ” khi email và máy scanner ngày càng phổ biến.

Muốn kinh doanh tốt bạn cần tìm được điểm gặp nhau giữa cung và cầu sản phẩm. Cung một phần nào đó mang tính chủ quan do bị ảnh hưởng bởi tâm lý – ví dụ như động lực của nhân viên – nhưng về cơ bản, nó khách quan và phụ thuộc vào những thứ như nguồn lực lao động, vốn, nguyên vật liệu) và công nghệ (cách phối hợp những nguồn lực đó).

Ngược lại, cầu – những gì người tiêu dùng mua ở các mức giá khác nhau – chủ yếu mang tính tâm lý. Nó dựa trên cơ sở giá trị mà khách hàng nhận thấy trong hàng hóa hoặc dịch vụ và bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố, bao gồm giá cả, thu nhập, thói quen, xu hướng, lòng tham, tính độc nhất, sự khan hiếm, sự đáng tin cậy, sự thoải mái và mong muốn gây ấn tượng với người khác. Thông thường, bản chất chủ quan của việc tạo ra giá trị nằm ở chỗ thứ thực sự tạo ra giá trị cho khách hàng là một bí ẩn và hơi luẩn quẩn, kiểu như "mọi người mua những gì họ muốn và muốn những gì họ mua."

Hồng Minh
Theo Trí Thức Trẻ

Nhật ký của một nhân viên công nghệ: Sếp đòi môi trường chuyên nghiệp "như Tây", nhưng có thực hiểu "chuyên nghiệp" là gì?

Khi sếp chuyên nghiệp "như Tây" nhưng kết quả công việc lại đi xuống...
Chắc hẳn một số vị nhân viên sẽ ấm ức vì bài viết mới đây: “Em muốn có một môi trường làm việc chuyên nghiệp nhưng không hiểu chuyên nghiệp là gì”. Và câu chuyện có thực dưới đây của một nhân viên công ty công nghệ có trụ sở tại quận Đống Đa (Hà Nội) sẽ chia sẻ với các nhân viên gặp phải câu nói trên, nhưng mà là từ các sếp đáng kính.

Ngày 1

Chi nhánh có sếp mới, từng làm sếp ở công ty Tây nhiều năm. Nhân viên người trông chờ, người hơi lo lắng. Vì trước kia chi nhánh hoạt động kiểu rất “startup”, đi muộn về muộn, lăn lộn làm, có gì khó hay cần nhiều sức là xúm nhau vào làm. Nhiều cái không có trong quy định thì leader mail năn nỉ sếp tổng giải quyết.

“Anh muốn có một môi trường làm việc chuyên nghiệp nhất”. Buổi họp đầu tiên với các leader của sếp bắt đầu bằng câu như thế. Một số nhân viên không thích kiểu “thiếu chuyên nghiệp” của cách làm việc cũ, như nắng hạn gặp mưa rào, hi vọng một tương lai chuyên nghiệp “như Tây”.

Ngày 2

“Quy trình tuyển dụng bây giờ sẽ tối thiểu là 7 ngày, bao gồm 1 tới 2 ngày leader gửi yêu cầu nhân sự, trưởng chi nhánh duyệt, nhân sự gửi thông báo tuyển dụng, nhận hồ sơ, phỏng vấn, phỏng vấn xong sẽ phải chờ 2 ngày mới thông báo cho ứng viên trúng tuyển…”

Ngày 3

“Tại sao giữa các bộ phận lại không có quy trình hợp tác với nhau, phải rõ ràng các thứ chứ, nếu không sai sót đâu ai chịu trách nhiệm”.

Rất nguyên tắc, rất hợp lý, tránh ngay trường hợp cha chung không ai khóc, rồi bệnh “Ơ kìa, em tưởng” khi có gì lệch pha khi làm việc giữa các bộ phận.

Ngày 4

“Tại sao một công ty lớn như thế này, mà các bạn lại hay đi muộn như vậy. Giờ làm là 7h thì chậm nhất là 7h30 các bạn phải có mặt đầy đủ. Nghỉ trưa 2 tiếng quá nhiều, chỉ 1 tiếng thôi. Các bạn làm đủ 8 tiếng là được về, 6h chiều về còn chăm sóc bản thân, gia đình, tái sản xuất sức lao động”.

Ngày 5

“Việc tăng lương, thưởng, thưởng nóng chúng ta phải áp dụng quy trình. Các bộ phận phải có KPI tới từng nhân viên. Từ đó, 1 năm xét tăng lương chúng ta sẽ đối chiếu theo KPI các bạn đạt được”.

Ngày 6

“Bộ phận Kỹ thuật vừa phá kỷ lục, anh thưởng nóng 5 triệu. Ngoài ra, anh sẽ đầu tư 100 triệu máy móc mới để các em gặt hái thành tựu lớn hơn”. Rõ là sếp chi nhánh, nói phát có tiền đầu tư cho anh em luôn.

Ngày 7

“Bộ phận Marketing phải thử mô hình này”, “Sale phải tiến vào thị trường mới kia, rất có tiềm năng”,… Nhân viên cứ gọi là thổn thức, sếp quan tâm tới anh em thế, tầm nhìn lại xa.


Ngày 15

-Này, sao bên Thiết kế vừa đăng tuyển dụng, hôm sau đã có người vào làm thế?

-À, chị nhân sự bảo là tình hình gấp, công ty cần người, phải châm chước.

Ngày 25

Marketing gửi mail yêu cầu có chế độ làm thêm giờ, vì các bạn làm muộn, làm thứ 7 Chủ nhật do yêu cầu công việc nhưng không có đãi ngộ gì khác, trong khi vẫn phải đi làm đúng giờ.

Ngày 25.1

Nhân sự phản hồi, đồng ý chế độ thêm giờ. Marketing chạy thị trường nhiều, nhưng chỉ có theo dịp đặc biệt, vậy là giờ hành chính thì lên ngồi chơi, check in rồi rủ nhau trốn đi xem phim trong giờ làm, nhưng tới cuối tuần thì tính làm thêm giờ.

Ngày 25.2

Thấy quá lố, nhân sự không cho phép tính lương thêm giờ, chỉ đổi ngày làm thêm thành ngày phép bù. Sau đó bắt phải dùng hết phép bù trong tháng.

Ngày 35

-Ủa, sao 1 năm xét lương 1 lần mà con bé A. được tăng lương 2 lần, chưa tới 1 năm?

-Chắc bên đó làm ăn tốt.

-KPI có hoàn thành đâu mà kêu tốt, mà tăng lương. Càng ngày càng đi xuống ấy.

-À thì…

Ngày 45

-Kỹ thuật dạo này làm ăn chán nhỉ, mà sản lượng thấp, đáng ra được đầu tư cả người lẫn của thế phải làm tốt chứ?

-Biết gì không? Vì Kỹ thuật làm tốt hồi trước là do ăn may thôi, giờ thị trường thay đổi rồi, không ăn may thế được đâu.

-Sao sếp không điều chỉnh gì?

-!!!

Ngày 55

-Này, sao bên ông không làm theo sếp chỉ đạo?

-Để mà chết à bà? Chỉ đạo gì toàn đưa anh em xuống hố, chẳng có tí chuyên môn nào.

-Ừ, tưởng sếp ở công ty Tây thì phải giỏi cái này chứ

-Hic, trước làm kỹ thuật mà giờ cứ ham chỉ đạo kinh doanh với marketing, sao nổi hả bà?

Ngày 65

-Này, sao giờ cái gì bên ông làm cũng chậm thế, trước nhanh lắm mà?

-Thì vì sợ phạt do làm không đúng quy trình, nên đẩy ngày trả sản phẩm lên gấp đôi đấy.

Ngày 100

-Sao các em lại lên công ty giờ này?

-Dạ, bọn em chạy thị trường giờ mới về, làm nốt báo cáo gửi đối tác cho kịp ạ.

-Thôi muộn rồi, về đi, tốn điện công ty. Mai lên mà làm nhé.

Nói xong sếp chuyên nghiệp lùa đám nhân viên thiếu chuyên nghiệp, làm việc không theo giờ giấc về, đóng cửa, tắt điện.

Huê Tửu
Theo Trí Thức Trẻ