Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam từ đầu năm đạt tăng trưởng ấn tượng, vượt cả dầu thô.
"Chính phủ quyết định dành một gói tín dụng lên tới 50 - 60 nghìn tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất". Thông tin được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tại hội nghị xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam, chiều 18/12.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tới đây cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ ra quyết liệt trên toàn cầu, riêng Việt Nam có 3 thế mạnh rất quan trọng: Đó là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; công nghệ thông tin và du lịch.
Theo Thủ tướng, Việt Nam có đầy đủ điều kiện, khát vọng xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, đa chức năng, có khả năng cạnh tranh quốc tế; nỗ lực phấn đấu vươn lên, từng bước đứng trong nhóm các quốc gia nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, có vị thế quan trọng trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
11 tháng vừa qua, ngành xuất khẩu nông sản Việt Nam cũng đã gặt hái được nhiều niềm vui. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam từ đầu năm đạt 2,18 tỷ USD, tăng trưởng ấn tượng gần 31% so với cùng kỳ 2015.
Mặt hàng rau quả từ vị trí xuất khẩu khiêm tốn ngày càng tỏ rõ vai trò quan trọng khi các mặt hàng xuất khẩu nông sản khác có dấu hiệu chững lại.
So sánh với những mặt hàng vốn là được xem là chủ lực của Việt Nam như gạo (2,01 tỉ USD), dầu thô (2,13 tỉ USD) thì hiện đã bị rau quả vượt qua về kim ngạch. Rau quả hiện là mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu nhiều thứ 4 của Việt Nam sau thủy sản, cà phê và hạt điều.
Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành, rau quả Việt Nam vào được các thị trường khó tính như Mỹ, Úc,… còn khá ít với kim ngạch từ 30-60 triệu USD. Trong khi đó kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc là chiếm tới 65%.
Việc chưa thể đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc có thể gây ra rủi ro toàn ngành là bị áp đặt tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó diện tích trồng rau quả tại Việt Nam đa số là của hộ nông dân có quy mô nhỏ lẻ nên việc kiểm soát chất lượng và giá cả khá khó khăn. Do đó xu hướng trong thời gian tới của các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây là trở thành nhà sản xuất với việc đầu tư đất đai, công nghệ để kiểm soát chất lượng.
"Phải tổ chức lại sản xuất của các hợp tác xã, hộ cá thể, chứ để các hộ nhỏ li ti như hiện nay thì khó cạnh tranh trong kinh tế thị trường", Thủ tướng cũng từng nói trong hội nghị mới đây. Theo đó Thủ tướng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, tạo thuận lợi cho quá trình tích tụ ruộng đất, có chính sách cho nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp; rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi về đất đai để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Thảo Nguyên
Theo Trí Thức Trẻ
EmoticonEmoticon