Người góp phần quan trọng làm thay đổi hình ảnh của Microsoft tại Việt Nam, từ một công ty chỉ chuyên bán phần mềm và thu phí bản quyền thành biểu tượng của ngành công nghệ, giúp toàn xã hội tận dụng công nghệ và phát huy tối đa công nghệ trong cuộc sống và kinh doanh… chính là Vũ Minh Trí.
|
Ông Vũ Minh Trí - giám đốc điều hành Microsoft Việt Nam hiện tại |
Sau 5 năm, bằng sự quyết liệt, đầy bản lĩnh, anh đã đưa công ty vượt qua khủng hoảng, củng cố niềm tin của toàn đội ngũ về vai trò của nhà tư vấn, truyền ngọn lửa đam mê và khát vọng cống hiến cho một sự nghiệp chung, trong đó có hai chữ Việt Nam… đưa Microsoft Việt Nam trở thành công ty tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu của tập đoàn, với mức tăng trưởng mỗi năm hai con số.
Theo đánh giá của TS Vũ Thành Tự Anh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là điện tử thông tin, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa... đang ập đến trước mắt, nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa, có doanh nghiệp mới chỉ ở cuộc cách mạng lần thứ 2! Vậy theo ông, ngành nào đang bị đe dọa nhiều nhất?
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem lại rất nhiều lợi ích cho nhân loại và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu không sẵn sàng, các doanh nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ đào thải rất lớn.
Bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là việc tận dụng các công nghệ của IoT, điện toán đám mây và phân tích dữ liệu lớn để giúp các tổ chức và cá nhân đạt hiệu quả cao hơn trong 4 lãnh vực sau: Tiếp cận và giao tiếp với khách hàng mục tiêu; tối ưu hóa chi phí hoạt động và sản xuất; gia tăng hiệu suất làm việc của nhân viên; đưa ra những sản phẩm và dịch vụ mới, sáng tạo.
Như vậy chúng ta thấy được thách thức không chỉ cho những ngành sử dụng nhiều lao động đơn giản như dệt may, da giày hay điện tử, mà cho tất cả các ngành nghề, kể cả các cơ quan quản lý Nhà nước.
Với xu thế công nghệ ngày càng được sử dụng nhiều để gia tăng mức độ tự động hóa trong các dây chuyền sản xuất, máy móc và robot dần sẽ thay thế con người trong những công việc đơn giản để gia tăng hiệu suất làm việc và tối ưu hóa chi phí sản xuất.
Hàng triệu lao động phổ thông sẽ đối diện với nguy cơ mất việc nếu không được đào tạo nâng cao các kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng về công nghệ thông tin
Làm thế nào để Việt Nam thoát khỏi thân phận gia công, công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp... trong bối cảnh thương mại toàn cầu không thuận lợi?
Cách duy nhất để thoát khỏi thân phận gia công là phải đưa ra được những sản phẩm made in Vietnam có hàm lượng chất xám và sáng tạo cao.
Có rất nhiều việc chúng ta cần phải làm để đạt được điều này. Theo tôi, Nhà nước đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tạo ra môi trường khuyến khích sáng tạo.
Khối doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước, các startup và các trung tâm R&D là lực lượng chính giúp gia tăng tính sáng tạo cho các sản phẩm Việt Nam.
Để doanh nghiệp Việt có thể tận dụng nguồn “nhân lực vàng” trong vài năm tới, chống lại sự già hóa của doanh nghiệp, các ông chủ doanh nghiệp cần phải thay đổi cách nghĩ, cách làm như thế nào?
Tới thời điểm này, định nghĩa của nguồn nhân lực vàng chủ yếu dựa trên độ tuổi và chi phí của lao động. Trong tương lai gần, tôi nghĩ sẽ có sự định nghĩa lại của khái niệm nguồn nhân lực vàng.
Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này, với các công nghệ như in 3D và trí tuệ nhân tạo, độ tuổi và chi phí của lao động sẽ không còn là yếu tố quan trọng nữa mà kỹ năng về CNTT của người lao động sẽ đóng vai trò quyết định trong việc tạo ra sự khác biệt của lực lượng lao động.
Sự thay đổi phải bắt đầu từ tư duy của các lãnh đạo. Nhưng lãnh đạo doanh nghiệp nào ngại học hỏi, ngại thay đổi, ngại tiếp nhận và đầu tư áp dụng công nghệ mới sẽ đẩy doanh nghiệp mình đến chỗ diệt vong.
Đã có rất nhiều những bài học về điều này từ sự ra đi của những tập đoàn tầm cỡ thế giới. Chúng ta phải hiểu rằng, điều này sẽ xảy ra rất nhanh với doanh nghiệp của chúng ta nếu chúng ta không thay đổi.
Về phía Nhà nước, gần đây mọi người nói rất nhiều về “thành phố thông minh”. Không chỉ Việt Nam, ngân sách cho chính quyền ở tất cả các nước đều bị cắt giảm, hạ tầng chịu nhiều áp lực, do vậy làm sao sử dụng công nghệ để tăng tính minh bạch, năng suất và hiệu suất phục vụ của chính quyền là một đòi hỏi hết sức bức thiết.
Tốt nghiệp đại học Bách khoa ngành dầu khí, nhưng anh lại trải qua rất nhiều vai trò khác nhau để trở thành một CEO hàng đầu trong ngành công nghệ, điều gì quan trọng nhất trong lựa chọn nghề nghiệp của ông?
Ra trường cả tháng mới về nhà một lần, mình bắt đầu suy nghĩ. Kiến thức ba mẹ không cập nhật được để cho mình lời khuyên đúng về nghề nghiệp. Ba mẹ rất tự hào sau khi tốt nghiệp đại học, mình được vào thẳng Tổng công ty dầu khí Việt Nam.
Từ xưa tới giờ mình vẫn giữ theo nguyên tắc ba mẹ tin tưởng làm tốt sẽ được đền bù, nhưng cuộc sống không phải vậy. Suy nghĩ rất nhiều, tôi nghĩ mình phải tự quyết định.
Làm việc trong trung tâm nghiên cứu, trước nguyên dàn máy móc hiện đại, mình dần thấy không thực chất, chẳng giải quyết được gì hết. Rất nhiều đề tài bỏ bao công sức nghiên cứu cuối cùng chỉ để… cất vào tủ, giống như làm thủ tục để lấy tiền.
Ngành dầu khí Việt Nam lúc đó chủ yếu xuất dầu thô, hàm lượng công nghệ lọc hóa dầu chẳng có gì, thấy không đúng như mình nghĩ, tôi xin nghỉ.
Tìm cái gì gần với cái neo nghề nghiệp, lúc đó tôi hiểu rất rõ mục tiêu cuối cùng của mình là phát triển thành một CEO, và xây dựng đích đến rất rõ ràng cho sự nghiệp tương lai.
12 năm tiếp theo, tôi đã từ bỏ những cơ hội có thể kiếm tiền nhiều hơn để chọn những môi trường đầy thách thức nhưng có thể cho mình được học hỏi và trau dồi kinh nghiệm nhiều nhất.
Trải qua nhiều vị trí khác nhau trong các tập đoàn lớn, từ nhân sự, tài chính, bán hàng….tôi đã học được những trải nghiệm đắt giá, để giúp tôi nhận chức CEO đầu tiên ở Sony Ericsson, đưa doanh số lên hàng trăm triệu USD/năm, phát triển đội ngũ nhân viên lên 7-8 lần… trước khi mẹ tôi mất!
Từng được mệnh danh là “người có bảo chứng xây dựng đội ngũ, đưa công ty vượt qua khủng hoảng” trong vai trò CEO của Sony Ericsson, Yahoo, Qualcomm… và đưa Microsoft Việt Nam trở thành công ty tăng trưởng nhất toàn cầu của tập đoàn, có bao giờ ông phải đối diện với khủng hoảng của chính mình?
Gia nhập công ty công nghệ hàng đầu với tôi chính là để phát triển hạ tầng công nghệ thông tin cho chính phủ và doanh nghiệp Việt, gia tăng được năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và phát triển giáo dục…
Nhưng quả thực nhiều giai đoạn qua công ty mới đang gặp khủng hoảng, mất nửa năm mới giải quyết được chuyện công ty, mình cũng stress luôn. Nếu gia đình con cái không lo chu toàn chắc chắn gia đình không còn nữa. May mắn của mình là khi đó đã ngồi xuống với chuyên gia tâm lý để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống, tìm ra cách để cân bằng cuộc sống.
Quê cha ở Nam Định, quê mẹ ở Đà Nẵng, ông lại được sinh ra ở Biên Hòa, nhà bảy anh chị em đều ông phải chăng đều được thừa hưởng gien học giỏi và nhân cách sống từ cha mẹ?
Dù gia đình rất khó khăn nhưng bố tôi luôn dạy các con phải học thật giỏi. Tỉnh Đồng Nai năm nào cũng trông cậy vào gia đình tôi sẽ mang về những tấm huy chương vàng học sinh giỏi toàn quốc cả về toán, văn, vật lý… cho tỉnh, vì anh em tôi sinh năm một. Cha dạy cho con, anh chị dạy cho em, cả gia đình đều tự học, học để lớn lên làm người tốt.
Bố mẹ tôi đều theo đạo Phật, từ nhỏ tôi đã theo mẹ đi chùa. Lớn lên đọc sách, thấu hiểu người tốt là thế nào.
Cuốn sách "Bảy thói quen cho người thành công" cho tôi một định nghĩa khá rõ ràng về vai trò làm con, làm cha, làm chồng, làm sếp...
Thành công chỉ một vai trò cũng là thất bại. Biết mình có nhiều vai trò, không theo cái này bỏ cái kia, mà luôn phải tìm cách để làm tròn mọi vai trò.
Quan niệm sống nào giúp ông có thể làm tròn nhiều vai trò cùng một lúc?
Với bố mẹ, anh chị em, khách hàng, cho đi luôn là tốt nhất. Cho sẽ nhận được rất nhiều. Tôi nhận thấy điều đó rất rõ từ khi có con, nhìn con vui, hạnh phúc, là lúc mình nhận được nhiều nhất. Với tôi, vai trò nào cũng vậy, không chỉ trong tình cha con…
Có những gia đình bà con tôi biết suốt ngày cha mẹ chỉ nói với nhau về tiền, làm sao lấy được tiền của người khác bằng mọi cách, thì con cái sau này cũng y như vậy, không sửa được. Cha mẹ mỗi lần nói chuyện với con trong nhà cũng phải hướng đến việc xây dựng những đức tính tốt.
Khi tôi gửi con học trường quốc tế, cũng có người nói học trường quốc tế ra giống… gà công nghiệp! Học trường Việt Nam láu cá hơn! Tôi nghĩ học tử tế mới khó chứ học láu cá thì nhanh lắm.
Trường quốc tế dạy nhiều thứ liên quan đến ứng xử với con người, với môi trường thế nào cho đúng. Trẻ em rất cần điều đó.
Tôi đi nước ngoài nhiều, thấy người Việt Nam qua đó lập tức trở thành người tử tế, sẵn sàng nhường đường cho người khác, nhưng về đây thì… lập tức láu cá, leo lề, xả rác luôn.
Thôi con mình có khờ khờ tí cũng được, nhưng tử tế.
Gắn bó với các em bé câm điếc ở làng Hy Vọng, Đà Nẵng, năm nào ông cũng cùng bạn bè ở Microsoft tổ chức Noel cho các bé?
Đó là quê mẹ tôi. Tổ chức vận động ngân sách cho làng Hy Vọng, làm sao cho các em năm nào cũng có quà, có bánh, có đủ đầy yêu thương là trách nhiệm và cũng là niềm hạnh phúc.
Tôi đang cùng bạn bè lập trang web cho làng, để vận động đóng góp, kết nối các nhà hảo tâm trên toàn thế giới, cho họ thấy rõ mỗi em mình nhận nuôi phát triển ra sao, có hệ thống liên lạc giữa người đóng góp và người được đóng góp. Trên trang web có hệ thống nhận tài trợ luôn.
Tôi ảnh hưởng điều đó từ truyền thống gia đình. Tôi đã học được từ bố mẹ, anh chị em mình về sự cho đi.
Triết lý đạo Phật thiên về làm điều tốt sẽ nhận được cái tốt, làm sao cho mọi người cùng tốt, không phải để làm sao mình thắng mà người khác thua. Khi hai bên cùng thắng, trở về thấy yên bình lắm, cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa, và hôm sau lại hăng hái làm tiếp.
Tôi hay nói với nhân viên mình nếu một ngày bước ra khỏi công ty thấy làm được điều gì đó tốt hơn ngày hôm qua sẽ có động lực để làm việc. Tôi bước vào thể thao cũng rất hăng hái, vì có mục tiêu rõ ràng để mình tốt hơn ngày hôm qua…
Theo Kim Yến
Trí Thức Trẻ