Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Năm nay là năm giảm phí cho doanh nghiệp".

Người đứng đầu Chính phủ nhận cam kết xóa bỏ những ưu ái công tư, thu hồi nguồn lực đang bị sử dụng lãng phí để phân bổ lại, góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp.

1h19 phút chiều, phát biểu bế mạc Hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến tinh thần chuyển lời nói thành hành động, thể hiện bằng chỉ thị số 20 ký ngay tại Hội nghị. Nội dung chỉ thị không được thanh tra doanh nghiệp quá một lần trong một năm. Với các cuộc thanh tra vi phạm, thanh tra đột xuất... không được mở rộng phạm vi.

"Cần xây dựng được môi trường kinh doanh tốt, năng lực cạnh tranh cao. Đó không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn phải có sự an toàn. Không chỉ có chi phí thấp mà còn phải rủi ro thấp. Đảm bảo cạnh tranh công bằng, lành mạnh. Môi trường kinh doanh tạo ra độ tin cậy cao, vững chắc, để mọi người không ngừng đầu tư, mở rộng sản xuất", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết có kiến nghị đặt tên 2017 là năm giảm chi phí của doanh nghiệp. Nhìn vào thực thế kinh doanh mới thấm thía nỗi niềm của giới kinh doanh.

Báo cáo nghiên cứu "Khảo sát về Môi trường kinh doanh" năm 2017 của Ngân hàng thế giới xem xét nhiều các vấn đề về chi phí kinh doanh nhất chỉ ra rằng chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản ở mức cao so với các nước trong khu vực như Singapore hay Malaysia.

Đặc biệt chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam cao gấp gần 49 lần so với Philippines. Chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4, ở mức 39,1% lợi nhuận, cao hơn 2 lần so với Singapore. Tương tự như vậy, chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần Singapore và hơn 3 lần so với Philippines. Đây thực sự là một vấn đề rất đáng ngại bởi nó làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Báo cáo của VCCI tổng kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 cũng chỉ ra 6 nhóm chi phí đang đè nặng lên vai các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Một là chi phí logistics: Chi phí về logistics vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam. Chẳng hạn: Chi phí vận chuyển một container hàng từ Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100 km), đắt gấp 2 lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam. Ngoài ra có những chi phí phát sinh liên quan đến thủ tục hành chính, nộp phí, thời gian chậm trễ, giá xăng dầu tăng, phụ phí vận tải biển…

Hai là về thuế xuất nhập khẩu: Ảnh hưởng của mức thuế nhập khẩu mởi đối với nguyên liệu đầu vào sản xuất của các công ty sản xuất bao bì nhựa phải chịu mức thuế nhập khẩu mới tăng gấp 3 lần kể từ đầu tháng 1/2017, việc áp thuế nhập khẩu hạt nhựa PP lên mức 3% tác động trực tiếp vào cơ cầu giá thành sản phẩm và gián tiếp tác động đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Thứ ba là Chi phí vay vốn: Vấn đề nổi lên là rủi ro vay nợ, đặc biệt là nợ ngắn hạn. Theo góc độ của các ngân hàng cho vay, để đảm bảo cho doanh nghiệp có chính sách giá cạnh tranh hơn, cần có sự chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn vay từ nợ ngắn hạn (tài trợ kinh doanh) sang gia tăng tỷ trọng nợ dài hạn nhằm ổn định trần chi phí lãi vay.

Thứ 4, Chi phí thuê mặt bằng kinh doanh trong nước quá cao gây khó khăn cho các DNNVV. Hầu hết các doanh nghiệp có quy mô trung bình trở xuống tại Việt Nam không thể chi trả những khoản chi phí cao để thuê mặt bằng tốt, có vị trí thuận lợi, bị lép vế so với các đối thủ quốc tế, là những nhà bán lẻ danh tiếng, giàu kinh nghiệm, có tiềm lực tài chính vững mạnh hơn. Giá thuê mặt bằng là nguyên nhân dẫn đén các chuỗi nhà hàng, dịch vụ ăn uống và bán lẻ nội địa bị lép vế hơn so với hầu hết các chuỗi bán lẻ của nước ngoài.

Thứ 5, Chi phí về lao động: Theo báo cáo "Khảo sát thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật bản tại châu Á và châu Đại Dương năm 2016" được tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố ngày 14/2/2017, tại Hà Nội cho thấy gần 60% doanh nghiệp lo ngại chi phí nhân công tăng cao tại Việt Nam. So với nhiều nước và ngay trong khối ASEAN, Việt Nam đang có mức đóng bảo hiểm cao nhất.

Việt Nam quy định đóng bảo hiểm ở mức 32,5% mức lương tháng trong đó DN đóng 22%, người lao động đóng 10,5%. Trong khi Malaysia chỉ đóng BHXH 13%, Phillippines 10%, Indonesia 8%. Tỷ lệ đóng bảo hiểm giữa DN và người lao động ở Việt Nam cũng khác xa, trong khi nhiều nước quy định doanh nghiệp và người lao động đóng bằng nhau, mỗi bên 50%. Điều đáng nói là với chi phí như vậy đòi hỏi người lao động phải tạo ra một giá trị nhất định thì DN mới có thể tồn tại được, tức là năng suất lao động phải đặt ở mức đủ cao.

Trong khi đó, theo nghiên cứu của Tổ chức lao động Thế giới, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Singapore tới 16 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. Nhưng năng suất lao động thấp rõ ràng không hoàn toàn nằm trong khả năng kiểm soát của doanh nghiệp.

Thứ 6 là về chi phí không chính thức: Theo kết quả nghiên cứu của Báo cáo PCI 2016 của VCCI, 66% trong số 11.000 doanh nghiệp được hỏi xác nhận trả loại phí này. Nhìn chung tình hình không có mấy cải thiện qua các năm. Có từ 9-11% doanh nghiệp tham gia điều tra từ năm 2011-2016 cho biết các khoản chi phí cho riêng mục này chiếm tới 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn 5 năm trước.

Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn phổ biến, chỉ tiêu này dù được cải thiện trong 2 năm qua (giảm từ 65% năm 2013-2014 xuống còn 58% năm 2016) nhưng vẫn cao so với kết quả điều tra các năm trước đó. Các DN thường phải trả các chi phí không chính thức khi làm thủ tục cấp mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện.

Thảo Nguyên
Theo Trí Thức Trẻ

Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2017

Chiến lược tiếp theo của Microsoft là làm cho iOS và Android trở nên tốt hơn.

Theo CEO Microsoft, Satya Nadella, dự đoán thì đến một lúc nào đó, mọi người sẽ sở hữu trung bình 6 thiết bị, và công ty hiểu hầu hết trong số này không chạy Windows. Vậy nên Microsoft sẽ tìm cách khiến trải nghiệm iOS và Android của người dùng tốt hơn lên.
Mảng kinh doanh di động của Microsoft không hề thuận lợi. Dù trong lúc này, chúng ta đang còn tranh cãi xem Windows Phone đã chết hay chưa thì Microsoft đã quyết định sẽ tiếp tục tiến lên. Sau khi để lỡ "chuyến tàu di động", Microsoft quyết định sẽ chen chân vào iOS và Android. Trước kia, chúng ta từng chứng kiến Microsoft tập trung vào các ứng dụng iOS và Android, nhưng tai sự kiện Build ở Seatte vào tuần này, thông điệp của công ty còn rõ ràng hơn: Microsoft cuối cùng sẽ trở nên thực tế.

Nỗ lực gần đây nhất của Microsoft đó là thuyết phục người dùng Windows rằng hãng có thể đảm bảo họ vẫn có thể tiếp tục các ứng dụng và hoạt động của mình thậm chí kể cả khi đang dùng iPhone hay Android. Ý tưởng rất đơn giản: Dù bạn dùng thiết bị nào đi nữa thì miễn một trong số đó chạy Windows là được. Microsoft có rất nhiều cách để biến điều này thành sự thực, và hãng thực sự tin tưởng rằng điều này có thể giúp các thiết bị iOS và Android tốt hơn.

Phóng viên trang The Verge đã có dịp ngồi lại với ông Joe Belfiore, người chúng ta thường xuyên thấy xuất hiện trong các sự kiện lớn của Microsoft và cũng là người trình bày ý tưởng về sản phẩm HoloLens. Sau một năm đi du lịch vòng quanh thế giới cùng gia đình, ông đã được thấy một thế giới mà hầu hết những người ở Microsoft không thể thấy.

Theo CEO Microsoft, Satya Nadella, dự đoán thì đến một lúc nào đó, mọi người sẽ sở hữu trung bình 6 thiết bị, và công ty hiểu hầu hết trong số này không chạy Windows. Vậy nên Microsoft sẽ tìm cách khiến trải nghiệm iOS và Android của người dùng tốt hơn lên. Điều này nghe có vẻ trái ngược nhưng sẽ hữu ích hơn đối với những người dùng Windows thông thường, còn hơn là họ phải bán chiếc điện thoại của mình đi.

Microsoft sẽ hé lộ hàng loạt tính năng mới trên Windows 10 sẽ giúp việc chuyển nội dung tới các thiết bị như iPhone hay Android trở nên đơn giản hơn. Bạn có thể lập luận rằng rất nhiều trong số những tính năng này được truyền cảm hứng từ macOS của Apple, nhưng Microsoft không cố gắng trói buộc bạn vào hệ sinh thái của hãng.

Hiện tại, bạn sẽ cảm thấy rất phức tạp nếu bạn muốn sử dụng máy tính xách tay Windows cùng với các thiết bị iOS hoặc Android. Microsoft có nhiều ứng dụng dành cho các nền tảng này, nhưng chúng không phải lúc nào chúng cũng tương thích với nhau như đáng lẽ nên vậy.

Belfiore giải thích: "Có những việc chúng ta có thể làm để giúp mọi người sống cuộc sống phức tạp theo một cách có tổ chức hơn. Chúng tôi sẽ tập trung vào một loạt ý tưởng dựa trên một chủ điểm chính là Windows PC yêu tất cả các thiết bị".

Cụ thể, Microsft sẽ giới thiệu những tính năng Timeline và Cortana mới, cho phép bạn dùng các ứng dụng và tiếp tục ở ngay tại điểm mà bạn đang dở dang trên Windows 10 và thậm chí trên điện thoại iPhone và Android. Công ty cũng sử dụng dịch vụ đám mây Microsoft Graph để thúc đẩy các nhà phát triển liên kết các ứng dụng của họ với điện thoại và PC. Graph sẽ đóng vai trò như một cánh cổng cho phép những ứng dụng di động này trò chuyện với các ứng dụng trên desktop và đem đến nhiều chức năng phong phú như đưa bạn về đúng vị trí bạn đang đọc trên ứng dụng hoặc tiếp tục xử lý một bản Word ở ngay đúng đoạn bạn đang làm.

Ngoài ra, còn có thêm tính năng clipboard cho phép bạn sao chép nội dung từ một PC Windows 10 trực tiếp vào iPhone và Android. Mcirosoft sẽ tận dụng việc mua lại SwiftKey để đem tính năng clipboard này trực tiếp tới bàn phím của các thiết bị khiến bất cứ ứng dụng nào cũng đều hỗ trợ.

Việc phát triển này mới chỉ ở giai đoạn đầu, nhưng chắc chắn đây là một hướng đi đầy liều lĩnh. Microsoft sẽ chuyển hướng sang việc hỗ trợ các thiết bị khác tốt hơn, kể cả những thiết bị không chạy Windows. Hãng đang đặt cược vào việc đưa trải nghiệm Windows đi xa hơn những chiếc laptop hay PC vào vào trong các ứng dụng quan trọng với smartphone, từ đó sẽ khiến người dùng tiếp tục quay trở lại Windows.

Điều này sẽ không dễ dàng đối với Microsoft. Apple hạn chế hệ sinh thái của mình theo rất nhiều cách, cụ thể là khi công ty muốn truy cập vào những thứ đơn giản như tin nhắn văn bản. Nhưng điều đó không thể ngăn quyết tâm của Microsoft. "Một sự khác biệt lớn về điều chúng tôi đang làm từ những gì tôi quan sát ở Apple từ trước đến nay đó là chúng tôi sẵn sàng cung cấp sự linh hoạt ở cấp độ cao cho người dùng và khách hàng có thể lựa chọn bất cứ thiết bị nào".

Microsoft cam kết sẽ làm tất cả để người dùng có được trải nghiệm tốt nhất dù họ lựa chọn nền tảng nào đi nữa.

Nhìn về tương lai, Microsoft tự nhận hãng là một công ty hỗ trợ đa nền tảng. Ông Belfiore chia sẻ: "Đối với chúng tôi, tầm nhìn là lấy con người làm trung tâm. Bạn là người thực hiện các hoạt động, bạn là người lựa chọn các thiết bị khác nhau từ các công ty khác nhau thế nên chúng tôi sẽ giúp bạn trở thành tâm điểm".

Liệu Microsoft có thành công khi muốn đem một cuộc sống số tới tất cả người dùng dù họ sử dụng iOS, Android hay Windows không? Điều này cần thời gian để trả lời, nhưng hiện tại, hãng khẳng định chắc nịch: "Chúng tôi sẽ cố gắng"!

Theo Lê Kiên
ICTnews

Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

Từ thiện doanh nghiệp - Không nhất thiết phải dùng đến tiền mới thay đổi được thế giới

Có câu nói “Cho cần để câu chứ đừng cho con cá”. Trong thực tế, đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, đôi khi có nhiều cách để giúp đỡ xã hội tốt hơn là viết một tấm séc.
Hầu hết các công ty lớn, có tên tuổi đều nhận thức được tầm quan trọng của việc từ thiện doanh nghiệp. Họ thường đóng góp cho cộng đồng và thế giới thông qua các quỹ tài trợ của doanh nghiệp, đóng góp của nhân viên, tài trợ cho các gala và các chương trình tình nguyện quy mô lớn, v.v... Nhiều công ty lớn thậm chí còn trả lương cho những nhân viên với nhiệm vụ duy nhất là giám sát các nỗ lực từ thiện của công ty hoặc trách nhiệm xã hội của công ty ở một phạm vi rộng hơn.

Từ thiện doanh nghiệp dễ dàng hơn đối với các công ty lớn vì họ có nguồn tài chính dồi dào. Nhưng làm thế nào để các công ty mới, nhỏ không có lợi thế về tiền bạc có thể đóng góp cho xã hội? Theo COO của New York Foundling, một tổ chức phi lợi nhuận ở New York, thì có nhiều cách để làm việc này hơn nhiều người nghĩ.

“Thổi hồn” vào những khoảng trống trong công ty

Nếu công ty bạn có bàn làm việc hoặc không gian văn phòng không sử dụng đến, hãy cân nhắc đem lại cho chúng một cuộc sống mới bằng cách chia sẻ với 1 tổ chức phi lợi nhuận nhỏ trong 1 năm. Bằng cách chia sẻ văn phòng của bạn, bạn có thể đã cứu một tổ chức phi lợi nhuận không có khả năng thuê một nơi thích hợp để làm việc.

Thay vì trả tiền thuê văn phóng, các tổ chức phi lợi nhuận có thể giúp công ty bạn thông qua hiểu biết và dịch vụ. Ví dụ, để đổi lấy không gian làm việc, hỗ trợ công nghệ, phòng họp và nơi lưu trữ trong văn phòng của New York Foundling, She’s the First, một tổ chức phi lợi nhuận, đã cung cấp những cái nhìn sâu sắc có giá trị cho nhân viên của Foundling về truyền thông xã hội, thậm chí trợ giúp thiết lập khung chương trình cho chiến dịch truyền thông xã hội đầu tiên của công ty này. Sự hợp tác giữa New York Foundling và She’s the First là 1 minh chứng về tác động tích cực và cùng có lợi mà các đối tác phi lợi nhuận có thể mang lại cho các công ty.

Tận dụng các kỹ năng sẵn có vào việc tốt

Không phải công ty nào cũng có không gian làm việc tốt, nhưng mọi người đều có một kỹ năng giá trị có thể mang lại lợi ích cho người khác. Hãy đánh giá những kỹ năng của nhân viên bạn có và cách để khiến chúng có thể phục vụ công việc tình nguyện.

Ví dụ nếu bạn điều hành một công ty tiếp thị, hãy cân nhắc làm việc cùng một tổ chức phi lợi nhuận để xây dựng một kế hoạch marketing hoặc thiết lập một bản sắc thương hiệu mạnh mẽ hơn. Nếu công ty bạn có một đội ngũ về nhân sự tận tình, thì họ có thể giúp một tổ chức phi lợi nhuận nhỏ xây dựng các chiến lược tuyển dụng và giữ chân nhân viên tốt hơn hoặc tạo ra một hệ thống đền bù chặt chẽ.

Các tổ chức phi lợi nhuận thường thiếu những nguồn lực để giải quyết những vấn đề này. Bằng cách giúp đỡ họ, các công ty đã có những đóng góp phi tài chính nhưng có ý nghĩa và mang lại kết quả tích cực cho xã hội.

Giữ một vị trí trong ban quản lý

Với tư cách là một doanh nhân, bạn cũng hoàn toàn có thể tạo ra các tác động tích cực cho một tổ chức phi lợi nhuận. Hãy cân nhắc sử dụng thời gian và chuyên môn của bạn để giữ 1 vị trí trong ban quản lý của 1 tổ chức phi lợi nhuận mà bạn cảm thấy có ý nghĩa đối với bạn.

Cho dù đó là 1 tổ chức lớn mang tầm quốc gia hay một tổ chức từ thiện nhỏ ở địa phương, kinh nghiệm của bạn mở, sở hữu và điều hành 1 doanh nghiệp sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nhu cầu của một tổ chức phi lợi nhuận đang phát triển. Trách nhiệm của thành viên trong ban quản lý thường bao gồm gây quỹ và quản trị.

Lên kế hoạch cho một ngày tình nguyện

Bất kể doanh nghiệp của bạn làm ở lĩnh vực nào, thì có 1 điều mà các tổ chức phi lợi nhuận luôn cần: nhân lực để giúp đỡ họ. Hãy thử liên hệ với các tổ chức từ thiện trong khu vực của bạn để tìm hiểu xem họ cần gì và bằng cách nào nhân viên của bạn có thể giúp đỡ họ.

Đó có thể là các công việc đơn giản như đóng gói các bưu kiện của người ủng hộ, phục vụ thức ăn cho người vô gia cư hoặc đọc sách cho trẻ em ở bệnh viện nhi. Có hàng trăm cách để công ty của bạn có thể cống hiến cho xã hội một cách thực tiễn và hiệu quả.

Hoạt động từ thiện doanh nghiệp không chỉ là điều đúng đắn để làm, mà nó còn là một động lực tinh thần mạnh mẽ cho nhân viên và là một cách để giúp cho họ phát triển.

K Nguyễn
Theo Trí Thức Trẻ

Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Tiếp thị bằng "đường tắt": Chăm sóc khách hàng trên mạng xã hội

Vài năm trước đây, người ta còn giễu cợt ý tưởng coi dịch vụ khách hàng là một cách tiếp thị mới, mặc dù đây chính là cách ngắn nhất đưa khách hàng quay trở lại với công ty cũng như khiến họ giới thiệu với người thân, bạn bè.
Tiếp thị truyền miệng luôn là một trong những cách hiệu quả, nếu không muốn nói là nhất, và chăm sóc tốt khách hàng chính là cách khiến khách hàng “mở miệng”.

Đưa khái niệm này vào hiện tại, có thể nói rằng chăm sóc khách hàng qua mạng xã hội đang là phương pháp tiếp thị mới nhất. Việc xử lý dịch vụ khách hàng qua các kênh xã hội như Facebook, Twitter v.v... là một cách để khuyếch trương các câu chuyện dịch vụ khách hàng.

Jay Baer, trong cuốn sách tuyệt vời của mình có tên Hug Your Haters, cho rằng mạng xã hội khiến dịch vụ khách hàng trở thành một môn thể thao thu hút được nhiều khán giả. Khi khách hàng đăng bình luận tốt hoặc xấu, cả thế giới đều biết. Họ cũng có thể xem cách công ty phản ứng lại với những bình luận này.

Đối với những thương hiệu đang chưa biết bắt đầu từ đâu, dưới đây là một vài gợi ý.

1. Xã hội hóa. Công ty của bạn đã có mặt trên các kênh truyền thông chính, nhưng bạn đã sử dụng các kênh đó với dịch vụ và hỗ trợ khách hàng? Nếu không, đây chính là thời điểm quyết định, và quyết định này cần một chiến lược chăm sóc khách hàng qua mạng xã hội chính xác.

2. Trở thành kênh mà khách hàng đang sử dụng. Nếu được hỏi kênh nào đáng lựa chọn để hỗ trợ khách hàng thì câu trả lời chính là: Kênh nào khách hàng bạn đang sử dụng thì đó chính là nơi bắt đầu.

3. Đầu tư vào phần mềm giám sát các đề cập đến thương hiệu của bạn trên Internet. Có một số phần mềm tuyệt vời sẽ giúp theo dõi những đề cập, nhận xét, đánh giá của mọi người về thương hiệu, công ty. Một số thậm chí còn miễn phí. Bạn cần biết khi nào mọi người đang nói về bạn.

4. Phản hồi các bình luận hoặc đề cập. Một trong những sai lầm lớn nhất mà công ty dễ mắc phải là bỏ qua các bài viết, nhận xét và đánh giá trên mạng xã hội. Hẳn phải có lý do khi họ đặt tên là "mạng xã hội". Đó chính là nơi kết nối xã hội, và mọi người đang theo dõi cách bạn phản ứng với các nhận xét, đặc biệt là khiếu nại. Tất cả các ý kiến đều cần được công nhận.

5. Phản hồi nhanh chóng. Không hoặc chậm trả lời bài đăng mạng xã hội sẽ là sai lầm nghiêm trọng khi chăm sóc khách hàng qua mạng xã hội. Các bản khảo sát chỉ ra rằng các công ty mất đến nhiều ngày để phản hồi. Nếu bạn đang trong trò chơi chăm sóc khách hàng qua mạng xã hội, muốn chiến thắng, phải chơi đúng cách. Đừng tốn hàng giờ hoặc tệ hơn, nhiều ngày để trả lời. Vài phút là con số lý tưởng.

6. Tránh những phản hồi có sẵn. Ban đầu, robot tự động hoặc phản hồi sẵn có thể hiệu quả, nhưng theo thời gian mọi người sẽ nhận thấy sự rập khuôn và cho rằng những phản hồi này không thành thật. Vậy hãy khiến nó có tính chất cá nhân. Đừng chỉ cắt - dán các phản hồi. Mọi người đều đang quan sát và đánh giá về thương hiệu của bạn dựa trên cách bạn trả lời.

7. Hãy chủ động và liên kết với cộng đồng. Đừng chỉ phản ứng với các nhận xét từ khách hàng, hãy tự đăng các bài viết có giá trị. Không phải là các bài quảng cáo mà là những thông tin có giá trị với cộng đồng khách hàng. YouTube là một cách tuyệt vời để đăng những nội dung như trả lời cho các câu hỏi thường gặp, theo một cách thật "ngầu" hay độc đáo. Một số người có thể coi đây là tiếp thị nội dung, nhưng nhiều người khác lại coi đó là một phần quan trọng trong trải nghiệm của khách hàng.

Chăm sóc khách hàng qua mạng xã hội không chỉ là dịch vụ khách hàng, đó chính là tiếp thị. So với các chiến lược khác, nó không tốn kém. Một trong những tài sản quý giá nhất của bạn là việc khách hàng sẵn sàng quảng cáo cho thương hiệu của bạn. Vì vậy, hãy kết nối với họ, xã hội hóa cùng họ. Phản hồi nhận xét, khiếu nại và thắc mắc của họ. Thực hiện các cuộc trò chuyện công khai và cho cả thế giới biết rằng bạn là thương hiệu đáng tin cậy luôn đồng hành cùng khách hàng.

Theo QUỲNH NGA
Doanh nhân Sài Gòn

Thứ Bảy, 6 tháng 5, 2017

9 cách biến stress thành năng lượng tích cực

Stress (căng thẳng) là khi bạn nhận ra rằng bạn đang ở ngoài vùng an toàn của mình và điều đó không nằm trong kế hoạch của bạn.
Mỗi lần có ai đó nói về việc họ đang căng thẳng, sự căng thẳng nghe như một nỗi ám ảnh. Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý Sherrie Campbell khuyên rằng bạn đừng chống lại nó.

Sherrie Campbell có 2 thập kỷ hoạt động trong lĩnh vực đào tạo và tư vấn, trị liệu tâm lý. Trong bài viết trên chuyên trang Entrepreneur, bà chia sẻ một số cách giúp bạn biến sự căng thẳng thành năng lượng tích cực để nâng cao hiệu suất làm việc và đạt mục tiêu đã đề ra.

Hãy “sống chung” với căng thẳng theo những cách sau, bạn sẽ bất ngờ về nguồn năng lượng mạnh mẽ nhận được từ đó.

1. Áp lực

Áp lực là một điều tuyệt vời. Khi ta phải trải qua một tình huống áp lực nặng nề thì thần kinh ta trở nên nhạy bén nhất. Cơ thể ta tự động phản ứng, gần như theo bản năng, khi ta có cảm giác sự sinh tồn hay danh tiếng của bản thân đang bị đe dọa. Những khoảnh khắc sống còn này chính là thứ kích thích ta hành động.

Có nhiều người trong chúng ta không thể làm việc trừ khi phải chịu áp lực đè nặng. Nhiều người có thói quen trì hoãn hay vô thức để cho tiềm thức của họ đủ căng thẳng rồi mới bắt tay vào công việc hay đối mặt với sự việc nào đó. Dù sao đi nữa, khi áp lực tạo ra những hành động tích cực, chính là căng thẳng đã cung cấp nhiên liệu cho hành động đó.

2. Mạo hiểm

Nếu không mạo hiểm, và không có sự căng thẳng đi kèm theo thì chúng ta sẽ không bao giờ ra khỏi vùng an toàn của mình và tạo nên sự khác biệt được.

Niềm phấn khích và nỗi căng thẳng thường bị nhầm lẫn với nhau, khiến chúng ta đôi khi nhìn nhận niềm phấn khích tột độ thành một sự tiêu cực. Điều ta cần làm là làm quen với cảm giác lạ lẫm đó và cảm nhận nó.

Không có vùng nào thật sự an toàn trong đời cả, vì ở một mức độ nào đó, chúng ta luôn đối mặt với những thứ mới. Thành công đòi hỏi ta phải đi qua nỗi sợ và căng thẳng khi tiếp cận những điều mới lạ. Càng thực hiện nhiều, chúng ta càng dễ thành công hơn, đồng thời sự tự tin sẽ càng được nâng cao.

Làm bạn với stress

3. Dự cảm

Lo lắng là bản năng của con người. Càng phớt lờ nó, chúng ta càng trở nên bốc đồng khi ra quyết định. Cách đối phó tốt nhất khi có vấn đề phải lo lắng là suy nghĩ chậm lại và xem xét kỹ càng vấn đề để tìm ra cách giải quyết. Khi chậm lại và lắng nghe những gì ẩn dưới nỗi sợ cùng sự căng thẳng, ta sẽ có khả năng đến gần hơn với câu trả lời.

Chúng ta cần học cách chậm lại. Những khoảng lặng đó giúp dự cảm của ta hoạt động hiệu quả hơn, thông minh hơn.

4. Quản lý thời gian

Căng thẳng thường do ta muốn tạo ấn tượng tốt hoặc thực hiện công việc hiệu quả nhất. Sự căng thẳng này thường giúp ta quản lý thời gian tốt hơn. Ta sẽ đúng giờ, thậm chí sẵn sàng trước cả khi cần với những buổi họp hay hạn chót.

Cảm giác căng thẳng tạo ra động lực giúp ta hoàn thành công việc, nó như một cái đồng hồ báo thức nhắc nhở ta vậy.

5. Quan sát

Căng thẳng làm ta trở nên nhạy cảm và tinh tường hơn để đọc vị người khác, như tính cách họ như thế nào, ta có nên tin tưởng họ hay không...

Căng thẳng thực sự là một món quà khi ta cần tiếp cận và dự đoán hành vi của những người khác. Sự tinh tường này sẽ giúp ta ra những quyết định đúng đắn hơn khi giao tiếp, như nên giao tiếp như thế nào, với ai, nên giữ quan hệ với ai và ai thì không...

Căng thẳng làm ta trở nên nhạy cảm và tinh tường hơn để đọc vị người khác. Nguồn:thoughtcatalog

6. Trí tưởng tượng

Càng căng thẳng thì suy nghĩ của ta càng linh động. Càng có nhiều ý tưởng thì giải pháp càng phong phú. Vì vậy, mỗi chúng ta nên luôn giữ bên mình một cây bút và quyển sổ để ghi chép lại những suy nghĩ, ý tưởng mỗi khi chúng chợt đến. Một khi đã hiện diện trên mặt giấy, những suy nghĩ này sẽ tự sàng lọc, giúp ta nhìn nhận sự việc và hiện tượng một cách rõ ràng hơn, giúp ta chọn được giải pháp phù hợp nhất.

7. Năng lượng

Năng lượng được tạo ra khi căng thẳng cực kỳ hữu dụng khi được sử dụng đúng cách. Chúng ta có thể dùng nguồn năng lượng này để gia tăng khả năng tập trung, đồng thời đảm đương nhiều công việc khác nhau cùng lúc. Thành công cần rất nhiều năng lượng cũng như một sự tập trung cao độ, bên cạnh sự nhạy bén và uyển chuyển.

Năng lượng là thứ rất “lây lan”, vì vậy ta cần biết sử dụng chúng đúng cách để đồng thời có thể tạo cảm hứng cho những người xung quanh.

8. Cạnh tranh

Khi cảm thấy căng thẳng, ta nhận thức rõ ràng hơn vị trí hiện tại của mình và điều đó giúp ta phải hoàn thiện mình hơn. Căng thẳng giúp ta thấy được điều cần làm để trở nên khác biệt, có thêm động lực để đạt được thứ ta muốn. Viễn cảnh không đạt được mục tiêu chính là nguồn động lực mà ta cần để phát triển.

Nên chọn tiếp xúc với những người giỏi hơn để có động lực nâng cao kỹ năng của bản thân.

9. Độc thoại

Căng thẳng giúp ta đối mặt với bản thân. Cần rất nhiều thời gian và công sức để vượt qua nỗi sợ và sự nghi ngờ chính mình. Nếu bạn đang phải chịu một sự căng thẳng thì việc độc thoại sẽ giúp bạn tiến tới bước tiếp theo. Khi đã đến được đó, bạn sẽ thấy áp lực nhẹ bớt phần nào, bạn sẽ lại có thể tự cổ vũ bản thân bước tiếp. Đây chính là cách để chúng ta đi đến thành công - bước từng bước một.

Có thể nói, căng thẳng giúp ta khỏe mạnh hơn và tập trung hơn. Hơn nữa nó tạo động lực cho ta nỗ lực hoàn thiện bản thân hơn. Sẽ tốt hơn nếu đừng lấy căng thẳng làm lý do cho tình trạng năng suất làm việc kém, hay dùng nó để né tránh trách nhiệm.

Hãy cẩn thận trước khi nói mình bị căng thẳng hay áp lực tại nơi làm việc, bởi ban đầu nó có thể giúp bạn nhận được vài sự cảm thông và có thêm thời gian để hoàn thành công việc, nhưng dần dần lý do này sẽ không còn tác dụng, và nhất là bạn có thể không được coi trọng nữa.

Theo PHƯƠNG ANH
DNSG

Thứ Năm, 4 tháng 5, 2017

10 kinh nghiệm của người đi trước, học được cả đời sẽ không phải chạy "đường vòng"

10 kinh nghiệm "xương máu" của những người đi trước dưới đây sẽ giúp bạn có cơ hội chiến thắng trong cuộc đua trên đường đời.
Cuộc sống chính là một cuộc đua marathon, có người té ngã, có người lề mề, có người vượt trội, lại có người dễ dàng bỏ cuộc. Có thể chiến thắng trong cuộc đua đường đời hay không phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của mỗi chúng ta.

Học hỏi 10 kinh nghiệm quý báu dưới đây của những người đi trước không chỉ giúp ta vững bước trên cuộc đua đường dài ấy mà còn giúp ta hạn chế những lần vấp ngã, hạn chế những lần bước nhầm "đường vòng".

1, Người không thể chiến thắng khó khăn trước mắt, vĩnh viễn sẽ không có cơ hội hưởng thụ hy vọng và vinh quang trong tương lai.

2, Trong cuộc sống, có không ít những kẻ kiêu ngạo, thích chèn ép người khác. Trong mắt họ, bạn dù làm gì cũng vẫn bị coi là thiếu hiểu biết.

Vì thế, không cần thiết phải giả bộ trước mặt người khác, càng không nên tự coi nhẹ bản thân, chỉ cần nỗ lực sống tốt với con người thật của chính mình là đủ.

3, Hãy cố gắng duy trì một cuộc sống tràn đầy năng lượng, đừng để những thiếu thốn về vật chất đánh gục ý chí chiến đấu của bạn.

Có nhiều người sở hữu những khởi điểm tốt hơn ta rất nhiều, nhưng cũng có không ít người có tiền đề chưa bằng ta, cho nên đừng vội khóc lóc, cũng đừng oán thán, hãy dựa vào chính những gì mình có để phấn đấu, nỗ lực không ngừng.

4, Quản lý tốt cái miệng của chính mình, điều gì không nên nói tốt nhất đừng nói. Điều này càng phải làm cho tốt khi ta tức giận.

Trong thời đại này, chớ đem chuyện riêng tư lên internet để làm "anh hùng bàn phím". Bởi điều này chỉ biến bạn thành kẻ ngốc trong mắt người khác mà thôi!

5, Trong cuộc sống chớ làm người ham hư vinh. Đôi khi, cả tủ đồ hiệu mà bạn sở hữu cũng chưa chắc đã giá trị bằng một lời thăm hỏi chân thành từ người khác dành cho ta.

6, Bạn bè là người để chia sẻ, không phải là người để bạn khoe khoang bản thân mình với họ. Kỳ thực, những người quan tâm bạn sở hữu thứ gì chưa chắc đã là bạn, nhưng những người quan tâm đến những nỗi khổ đau, vất vả mà bạn đang chịu đựng thì xứng với hai chữ "bằng hữu".

Hãy chân thành và tinh tế để giữ mãi những tình bạn đẹp. (Ảnh minh họa).

7, Không nên áp đặt suy nghĩa của mình lên vấn đề của người khác, càng không nên ép buộc một ai đó ở bên cạnh mình. Nếu họ không bằng lòng hoặc có điều khó nói, hãy tôn trọng ý kiến và hành động của họ.

8, Vào mỗi thời điểm cảm thấy cô đơn, thay vì chịu đựng một mình, hãy nhấc điện thoại lên và gọi điện cho tri kỷ của bạn. Chỉ có những lúc bên nhau như vậy, mối quan hệ của bạn với họ mới có thể bền lâu.

9, Thời gian là kho báu quý giá cần phải trân trọng từng giây từng phút. Đừng tiêu phí quá nhiều thời gian của mình vì hư vinh hoặc vì những "khách qua đường" trong cuộc đời bạn. Càng khiến mình bận rộn vì những điều như vậy, tâm hồn của bạn sẽ ngày càng trở nên trống rỗng.

Cuộc đời rất ngắn ngủ, đừng để bản thân "sống nhầm" cuộc đời của ai khác. Hãy nỗ lực sống là mình một cách tích cực và tự hào. (Ảnh minh họa).

10, Khắc cốt ghi tâm hai chữ "thản nhiên". Thản nhiên đối mặt với mọi việc trong cuộc sống mới có thể vững vàng vượt qua mọi biến cố. Cổ nhân đã từng có câu: "Đời người có không ít gập ghềnh sóng gió, chỉ có cách tự mình vượt qua mới có thể trưởng thành".

Theo Trần Quỳnh
Trí Thức Trẻ

Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

Dân Trí Soft cam kết bảo mật dữ liệu khách hàng, tặng ngay 100 triệu khi chứng minh Dân Trí Soft sai lời hứa.

Xin chào các bạn, tôi là Cao Trung Hiếu, là sáng lập và điều hành Dân Trí Soft. Hôm nay là một ngày đặc biệt, cách đây đúng 42 năm khi cả dân tộc Việt Nam được đoàn tụ để hướng tới một Việt Nam tử tế, đàng hoàng và trong sạch.
Ngày vĩ đại này có được là nhờ xương máu của hàng triệu anh hùng Việt Nam đã hy sinh vì độc lập - tự do - hạnh phúc và đàng hoàng tử tế như lời dạy của các cụ hàng ngàn năm nay “đói cho sạch, rách cho thơm”.

Hôm nay ngày 30/04/2017, tại quán cafe MiMoSa Bà Rịa tôi làm video để tuyên bố những cam kết của Dân Trí Soft.

1. Dân Trí Soft cam kết tuân thủ chuẩn mực đạo đức kinh doanh của ngành nghề, tôi cam kết.

2. Dân Trí Soft cam kết nói thật và làm thật, tôi cam kết.

3. Dân Trí Soft cam kết không bao giờ chủ động tổ chức các hệ thống hay công cụ để ăn cắp dữ liệu của khách hàng một cách tinh vi, xảo quyệt vì bất cứ mục đích nào, tôi cam kết.

4. Dân Trí Soft cam kết bảo vệ dữ liệu khách hàng trước các đe dọa từ bên ngoài bằng mọi khả năng và nguồn lực đang có, tôi cam kết.

5. Nếu bạn chứng minh Dân Trí Soft chủ động thực hiện hành vi ăn cắp dữ liệu của khách hàng hoặc chủ động tổ chức các hoạt động, tổ chức hệ thống tinh vi cùng với cá nhân hoặc tổ chức thứ ba để ăn cắp dữ liệu khách hàng, tôi sẽ tặng ngay lập tức 100 triệu đồng. Hơn nữa, tôi cho đóng cửa hoạt động kinh doanh của Dân Trí Soft ngay lập tức.

Dân Trí Soft hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và mong muốn môi trường kinh doanh tại Việt Nam minh bạch, tử tế, hướng đến cạnh tranh lành mạnh.

Dân Trí Soft chỉ là doanh nghiệp nhỏ tuy nhiên chúng tôi tuân thủ những chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh ngay từ ngày đầu thành lập. Chúng tôi mong muốn tất cả các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ online và offline như giao hàng, thiết kế web, hệ thống phần mềm quản lý… có liên quan tới dữ liệu khách hàng kinh doanh tử tế, minh bạch, để cùng nhau tạo dựng ngành thương mại điện tử, công nghệ thông tin Việt Nam tử tế.

Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể phát triển bền vững, hội nhập với nền kinh tế thế giới với tâm thế sạch sẽ, bộ mặt tử tế và hành động đàng hoàng.

Tôi kêu gọi các doanh nghiệp lớn trong ngành như Seedcom thay vì quanh co từ chối trả lời thẳng thắn về bảo mật dữ liệu khách hàng trước mặt 1.000 thành viên tham dự trong “Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2017” vừa qua và đang tiếp tục im lặng trong thời gian gần đây, mà là hãy hành động như tôi. Các công ty và CEO hãy cam kết với khách hàng về sự chính trực và tử tế, hãy cử người đại diện có quyền lực cao nhất nói lên lời cam kết trước cộng đồng.

Cam kết tử tế, minh bạch và không ăn cắp dữ liệu chỉ mang lại lợi giá trị cho bản thân Seedcom và hàng chục ngàn doanh nghiệp đang sử dụng những dịch vụ như giao hàng, thiết kế web, phần mềm quản trị bán hàng, thương mại điện tử của Seedcom và những ngành nghề Seedcom đã, đang và sẽ kinh doanh.

Một vài thông tin về Seedcom, Seedcom đang sở hữu hoặc vận hành một phần các doanh nghiệp cụ thể như sau như làm web có Haravan, làm phần mềm quản lý kinh doanh có Kiotviet, làm logistic Giao Hàng Nhanh, làm TMĐT Tiki.vn, bán đồ trẻ em Con Cưng, bán giày Junu, chuỗi quán the Coffee House…

Thêm nữa, tôi có một vài dòng nhắn gửi tới Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam – VECOM, đây là tổ chức được xem là đại diện cho ngành thương mại điện tử Việt Nam, đã ba lần im lặng không trả lời email của tôi. Tập thể lãnh đạo VECOM là những người đứng đầu có trách nhiệm trong cộng đồng về việc bảo vệ sự trong sáng, minh bạch, tử tế của toàn bộ ngành thương mại điện tử. Bảo vệ an toàn dữ liệu của người dùng thương mại điện tử, bảo vệ những công ty chân chính, lên án và ngăn chặn những công ty kinh doanh tà đạo là trách nhiệm đương nhiên, là sứ mạng của VECOM . Tôi mong muốn VECOM hãy hành xử cho đúng mực là một tổ chức đại diện ngành TMĐT VN và vì cộng đồng như chính quý vị đã và đang rao giảng hàng ngày cho lãnh đạo Việt Nam và toàn thể cộng đồng kinh doanh thương mại điện tử.

Chúc các bạn dồi dào sức khỏe để vững vàng trong công cuộc kinh doanh. Chào thân ái.


TP Bà Rịa, ngày 30/04/2017
Cao Trung Hiếu | Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình.